Chắp cánh ý tưởng khởi nghiệp cho sinh viên trường nghề

(CTG) Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên (HSSV) giáo dục nghề nghiệp – Startup Kite 2020, vòng bán kết khu vực Nam Trung Bộ vừa được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB-XH) tổ chức tại Phú Yên thu hút 20 ý tưởng của HSSV các trường tham gia. Hầu hết các ý tưởng đều xuất phát từ thực tiễn, song để khởi nghiệp thành công là không hề dễ dàng.

 

Ý tưởng khởi nghiệp đến từ thực tiễn

Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp HSSV giáo dục nghề nghiệp năm 2020 không dừng lại ở tìm kiếm, tôn vinh những tác giả và các dự án khởi nghiệp xuất sắc mà sẽ chắp cánh cho các ý tưởng, dự án sớm đi vào hoàn thiện, đồng thời làm cầu nối cho các dự án đến với nhà đầu tư, doanh nghiệp. Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung

Học tập, nghiên cứu theo định hướng đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp nên HSSV các trường nghề luôn được khuyến khích trải nghiệm thực tế, đề xuất ý tưởng và thực hiện các đề tài có khả năng ứng dụng cao, góp phần giải quyết được vấn đề trong thực tế.

Với định hướng này, nhóm tác giả 3 sinh viên năm cuối ngành Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí (Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung) gồm Đào Quỳnh Thương, Phạm Văn Hậu, Huỳnh Đức Trọng xây dựng ý tưởng Lắp ráp, kinh doanh tủ lạnh mini di động khai thác nguồn năng lượng hữu ích. Nói về ý tưởng này, Đào Quỳnh Thương, trưởng nhóm cho biết: Xuất phát từ nhu cầu cần các thiết bị lạnh để bảo quản nhu yếu phẩm hàng ngày của mọi người nên tụi em sáng tạo thiết bị tủ lạnh mini di động này. Thiết bị dễ làm, giá thành lại không quá 2 triệu đồng/thiết bị nên theo đánh giá của ban giám khảo, ý tưởng này rất dễ hiện thực hóa trong thực tiễn, vì đối tượng sử dụng sản phẩm này rất rộng. “Với lợi thế là sinh viên ngành Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, các em sẽ vận dụng kiến thức chuyên ngành để biến ý tưởng khởi nghiệp này thành hiện thực trong thời gian đến”, Thương cho hay.

Sinh viên Nguyễn Thị Lan Trinh và cô giáo Biện Thị Thái Ánh – người hướng dẫn Trinh thực hiện Ý tưởng khởi nghiệp “Trồng và kinh doanh hoa cúc lưới theo công nghệ cao” tại vườn cúc trồng thực nghiệm tại trường.

Đang là sinh viên năm 2 ngành Công nghệ thực phẩm, nhưng Nguyễn Thị Lan Trinh đã nuôi dưỡng ước mơ làm giàu từ trồng và kinh doanh hoa cúc lưới theo công nghệ cao. Nữ sinh viên được nhận học bổng toàn phần của Trường Cao đẳng Công Thương miền Trung, chia sẻ: Hoa cúc lưới được trồng chủ yếu ở Đà Lạt nên việc vận chuyển một quãng đường xa đến nơi tiêu thụ sẽ làm tăng giá thành sản phẩm, hạn chế sức mua của người tiêu dùng. Việc trồng hoa này tại địa phương sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế và xã hội, góp phần mạnh mẽ vào sự phát triển làng hoa của địa phương. Chính vì lý do này, em chọn ý tưởng khởi nghiệp “Trồng và kinh doanh hoa cúc lưới theo công nghệ cao” tại Phú Yên và các tỉnh lân cận. Sau khi đoạt giải nhất tại Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp cấp trường, em tiếp tục dự thi Startup Kite 2020.

Cũng xuất phát từ thực tiễn, sinh viên năm 2 ngành Quản trị lữ hành – Hướng dẫn du lịch Hứa Thế Hiệp (Trường cao đẳng Nghề Du lịch Nha Trang) tự tin khi thuyết trình và phản biện với ban giám khảo là đại diện các doanh nghiệp trong khu vực để bảo vệ ý tưởng “Chuỗi cửa hàng kem cuộn Chú Mười” của mình. Thế Hiệp cho hay: Để hiện thực hóa được ý tưởng là rất khó đối với HSSV. Tuy nhiên, được tham gia cuộc thi này là một điều rất bổ ích, ngoài việc học được các kỹ năng về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp từ chia sẻ của các thành viên ban giám khảo, em còn được tham gia các hoạt động giao lưu, trải nghiệm từ ý tưởng của các bạn. Điều này giúp ích rất nhiều trong hành trình khởi nghiệp sau này”.

Vườn ươm khởi nghiệp

Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Startup Kite 2020 nhằm cụ thể hóa đề án “Hỗ trợ HSSV khởi nghiệp đến năm 2025”, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong HSSV ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Từ đó thúc đẩy HSSV và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp áp dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn cuộc sống.

Ông Lê Nguyễn Hồng Phương, Phó Chủ tịch thường trực CLB Thị trường – Saigon Times Club, Chủ tịch Công ty CP BIT cho hay: Kinh nghiệm từ các quốc gia thành công hiện nay cho thấy khởi nghiệp phần lớn tập trung vào giới trẻ. Có thể khởi nghiệp ở độ tuổi HSSV không là con đường lựa chọn của số đông, tuy nhiên trường học, cơ sở giáo dục lại là môi trường rất tốt để các em bắt đầu với các ý tưởng kinh doanh. Trong bối cảnh công nghiệp 4.0, đào tạo nghề được phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững. Trước sự chuyển dịch đó, HSSV trong các trường nghề ngày càng có lợi thế để biến ý tưởng thành hiện thực. “Tuy nhiên, vì các em còn non kinh nghiệm nên khi khởi nghiệp khó tránh khỏi thất bại. Do đó, các bạn trẻ cần chuẩn bị tinh thần vượt qua khó khăn khi mở đầu khởi nghiệp. Thất bại có thể khiến các em nản chí, nhưng sẽ là bài học quý giá để chúng ta đứng lên vững vàng hơn”, ông Phương chia sẻ.

Theo Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung, Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp HSSV giáo dục nghề nghiệp năm 2020 không dừng lại ở tìm kiếm, tôn vinh những tác giả và các dự án khởi nghiệp xuất sắc mà sẽ chắp cánh cho các ý tưởng, dự án sớm đi vào hoàn thiện, đồng thời làm cầu nối cho các dự án đến với nhà đầu tư, doanh nghiệp. Thông qua cuộc thi, ban tổ chức mong muốn tất cả các HSSV tham gia sẽ tập trung thể hiện bản lĩnh, nêu cao tinh thần khởi nghiệp, tư duy năng động; vận dụng kiến thức, kỹ thuật được trang bị trong nhà trường vào cuộc sống.

ÔNG LÝ ĐÌNH QUÂN, TỔNG GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM ƯƠM TẠO KHỞI NGHIỆP SÔNG HÀN: Nâng cao khả năng khởi nghiệp cho sinh viên.

Một trong những yêu cầu cấp thiết hiện nay là phải nâng cao khả năng cho sinh viên trong quá trình khởi nghiệp, từ việc hình thành ý tưởng khởi nghiệp cho tới việc xây dựng văn hóa khởi nghiệp. Không cần ý tưởng quá cao siêu, to lớn, HSSV trường nghề có thể bắt đầu từ những điều xung quanh mình để phát hiện nhiều ý tưởng, sáng kiến hữu ích, phù hợp với khả năng. Mọi ý tưởng dù nhỏ cũng đều được trân trọng.

Thực trạng khởi nghiệp của sinh viên đang ngày càng lan tỏa và nhận được sự quan tâm tích cực từ Chính phủ, doanh nghiệp và xã hội. Nếu các em đang ấp ủ những ý tưởng thì không cần đợi đến thời điểm tốt nghiệp ra trường, bởi thực tế cho thấy nhiều bạn trẻ đã “làm nên chuyện” với những dự án khởi nghiệp của mình. Tất nhiên, đó là kết quả tổng hòa của rất nhiều yếu tố, của cả một quá trình chuẩn bị bài bản.
Thuận lợi hiện nay là các ý tưởng khởi nghiệp được khơi nguồn từ HSSV đã và đang được tạo điều kiện hiện thực hóa nhờ sự quan tâm của Chính phủ và nhiều doanh nghiệp. Vì vậy, đây chính là thời điểm bản lề để các em khai thác tốt nhất và tối ưu mọi nguồn lực đổi mới và sáng tạo.

ÔNG NGUYỄN HỒNG PHONG, PHÓ CHỦ TỊCH HỘI DOANH NHÂN TRẺ PHÚ YÊN: Khởi nghiệp là một hành trình.

Với HSSV, trường học vừa là nơi truyền thụ kiến thức và là nơi gieo mầm những sáng tạo, những khát vọng thành công cho các em và đồng hành cùng các em trên hành trình ấy. Trước khi thành công, sinh viên khởi nghiệp chắc chắn sẽ gặp vô số thử thách và khó khăn.

Nhưng quan trọng là các em cần phân biệt được thử thách nào đáng để vượt qua và chướng ngại nào nên tránh đi. Và điều này chỉ có được thông qua quá trình tích lũy kinh nghiệm cùng vô số lời khuyên.

Là một thành viên ban giám khảo Startup Kite 2020, vòng bán kết khu vực Nam Trung Bộ, tôi khuyên các em phải luôn chủ động lắng nghe chia sẻ từ các doanh nhân hay cố vấn hoạt động cùng ngành nghề với ý tưởng khởi nghiệp của mình.

Và Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp là cơ hội để các bạn trẻ có sự rèn giũa, cọ xát và khẳng định được ý tưởng cũng như năng lực của mình. Điều này rất quan trọng cho hành trang khởi nghiệp sau này của các em.

Anh Đức