Hành trình từ “người đi đò” trở thành “người đưa đò” đầy nghị lực của cô giáo người Khmer nơi tận cùng phía Nam Tổ quốc.

(CTG) Len theo con đường nhỏ rợp bóng mát bởi bạt ngàn cây lá, xung quanh là con nước mát thỉnh thoảng bị “xé đôi” bởi những chiếc cano ồn ào vội vã, những người thực hiện chương trình Chia Sẻ Cùng Thầy Cô đã có dịp đến thăm cô giáo Lý Hoà Ly (huyện Trần Văn Thời), một trong 63 giáo viên dạy học sinh dân tộc thiểu số được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm nay.

Trở thành người đưa đò thầm lặng

Tốt nghiệp trường Đại học Sư Phạm Cần Thơ khoa Sư Phạm Toán, cô Ly quyết định quay trở lại quê hương, trở thành “người đưa đò” thầm lặng cho các em học sinh tại huyện mình, gác lại tất cả cơ hội rộng mở tại thành phố Cần Thơ đương phát triển.

“Tôi là một giáo viên trẻ, lại là người dân tộc Khmer nên rất có nguyện vọng được về trường công tác nhằm đem kiến thức mà mình tiếp thu được về truyền dạy lại cho con em đồng bào dân tộc của mình.” Thế là thể theo nguyện vọng, cô được phân công về nhận nhiệm vụ giảng dạy môn Toán tại trường Phổ Thông Dân Tộc Nội Trú THCS Danh Thị Tươi từ năm 2010. Đến tháng 01 năm 2015 trường đi vào hoạt động nội trú cô được lãnh đạo phân công làm Tổ trưởng Tổ quản lý học sinh nội trú.

“Khi trực tiếp ở, tiếp xúc và quản lý các em trong nội trú thì tôi thấy hoàn cảnh các em còn khó khăn hơn mình ngày trước rất nhiều. Mới 11, 12 tuổi phải sống xa cha mẹ để được học tập, thiếu tình thương của cha mẹ, các em luôn e dè thiếu mạnh dạn, rất ngại khi nói chuyện trước đám đông, thiếu tự tin trong giao tiếp, thiếu kỹ năng sống,…. Nhìn những em đó tôi cảm thấy xót xa vô cùng…”

Với tư cách là người trực tiếp quản lý các em, cô hiểu rõ vai trò của mình không chỉ dừng lại ở đó, mà hơn hết, cô là một người mẹ thứ hai của các em. Cùng là người dân tộc Khmer, cô dễ dàng tìm được tiếng nói chung với những em dân tộc có hoàn cảnh khó khăn, muốn từ bỏ việc học theo cha mẹ tha hương kiếm sống. Cô quan sát, chú ý tâm lý, và luôn ở bên cạnh động viên các em vượt qua nỗi khó khăn của mình để tiếp tục đến trường.

Gần 10 năm công tác tại trường, cô đã có được rất nhiều đóng góp to lớn cho công tác giảng dạy, sinh hoạt tại đây. Ví như về công tác quản lý, cô giáo dục cho các em được tính tự lập (tự giặt quần, áo, mùng, mền, tự sắp xếp được thời gian biểu vui - học, học - vui cho mình), giáo dục cho các em xác định được mục đích của việc học và có ý thức tự học để đạt được mục đích của mình, hướng dẫn cho các em các kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, biết đươc quyền và nghĩa vụ của mình, kết hợp với đoàn trường thành lập Câu lạc bộ văn nghệ, Câu lạc bộ thể dục thể thao, và Câu lạc bộ tiếng Khmer.

Với sự hướng dẫn tận tình, các học trò dân tộc Khmer đã biết tự lập từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Về công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, cô Ly rất chú trọng đến khẩu phần ăn và chế độ dinh dưỡng trong từng khẩu phần, cô chủ trương thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm, chăm lo cho sức khỏe, thể chất phát triển của từng em.

“Giờ đây khác với lúc trước rất nhiều, tôi và gia đình nhỏ đã được trường tạo điều kiện để chuyển hẵn về trường sinh sống, nên mọi hoạt động, đề xuất trong công tác giảng dạy, quản lý học sinh nội trú tôi có nhiều thời gian để chuyên tâm hơn. Những đều tôi quan tâm trong thời gian tới là mong các tổ chức, xã hội quan tâm, tạo mọi điều kiện, chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần cho các em nội trú nhiều hơn, đặc biệt cần có chính sách hỗ trợ tiền ăn cho các em ở nội trú để giúp các em được phát triển toàn diện hơn.” – cô Lý Hòa Ly bộc bạch như thế.

Tuổi thơ dọc, ngang sông nước đi tìm chữ

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở mũi Cà Mau - mảnh đất nhô ra ở điểm tận cùng phía Nam trên đất liền Tổ quốc, đông anh chị em, như phần lớn những gia đình người dân tộc Khmer lúc đó, “Cha mẹ thường không chú trọng việc học cho con cái, anh chị tôi ai cũng vì nỗi mặc cảm vô hình mà bỏ học giữa chừng để đi làm thuê làm mướn nuôi gia đình, riêng tôi và cũng là thành viên duy nhất trong nhà vẫn nhất nhất tiếp tục bám trụ với việc học, dù đôi lúc cha mẹ la mắng, ngăn cản không cho tôi được cắp xách đến trường chỉ bởi vì chúng tôi quá… nghèo khổ”

Cô Lý Hòa Ly hướng dẫn tận tình các em học bài trên lớp

Cô Ly hồi tưởng lại những năm tháng tuổi thơ cơ cực. Với địa hình đặc thù như bao nhiêu tỉnh lị ở khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long, từ lúc còn là học sinh tiểu học, mỗi ngày cứ gà vừa gáy, trời tờ mờ sáng, cô phải tự thân ôm tập vở ra bến đón đò dọc, đò ngang để đến trường. Nhà cô lúc bấy giờ cách trường khoảng 3-4 cây số. Mỗi ngày cứ thế trôi qua, hôm nào trời mưa, chuyện té ngã, trễ đò phải đến lớp muộn là chuyện như cân đường hộp sữa. Mùa mưa cực một, mùa lũ cực đến… mười khi triều cường nước dâng lên, đò đi chông chênh, nắm chặt thành đò mà cô học trò bé nhỏ Lý Hòa Ly không khỏi sợ hãi. Song vượt ngàn rào cản hữu hình và vô hình, cô học trò ấy vẫn luôn đến trường không bỏ sót một ngày nào. Suốt 12 năm học, cô Ly luôn đạt thành tích là học sinh giỏi, học sinh tiên tiến của trường. Đặc biệt, cô có niềm đam mê với bộ môn Toán học ngay từ lúc nhỏ, nên lớn lên, cô được Thầy Cô khuyến khích hướng dẫn đi theo khối A để phát huy sở trường này của mình

Quyết tâm không bỏ học!

Năm 2008, cô nhận được giấy báo trúng tuyển hệ đào tạo cử tuyển của Đại học Sư Phạm Cần Thơ, niềm vui chưa trọn vẹn thì cũng là lúc cô bị gia đình ngăn cản đi học xa nhà. Cô còn nhớ lúc đó nhà nghèo tới nỗi, cha mẹ chỉ còn biết buông lời: “Thôi đừng theo nữa!”

Thế nhưng, cô nhất quyết không từ bỏ giấc mơ mình dễ dàng như thế, sau nhiều ngày liền thuyết phục, cha mẹ nói rằng, giờ mà học thì cha mẹ sẽ không thể nào lo nỗi, và đặt điều kiện cô Ly nên tạm gác lại một năm, đi làm kiếm tiền, sau đó thì lấy tiền đó để đi học.

Hiểu rõ hoàn cảnh gia đình và của chính bản thân mình, cô phân tích, nếu gác lại một năm thì việc học sẽ bị trì hoãn, hơn nữa, nghỉ học một năm dễ làm con người ta trở nên bị thui chột ý chí, rụt rè đi rất nhiều. Bằng ngần ấy năm cố gắng, cố nhất định phải vượt qua nỗi khó khăn lần này, nếu phải vay mượn để đến trường, cô cũng quyết tâm!

Cuối cùng cô cũng thực hiện được ước mơ đứng lớp của mình sau bao nỗ lực trong quá khứ

Nhìn thấy sự quyết tâm của con, cha cô đã quyết định vay tiền, tạo điều kiện cho cô Ly bước vào giảng đường Đại học. Nói đến đây, cô có cười và chia sẻ thêm: “Có lẽ ngày ấy tôi hơi bướng bỉnh nhưng chắc nhờ vậy mà tôi mới có thể được tiếp tục đi học, được thực hiện ước mơ đứng lớp của mình!” Trong khoảng thời gian đi học ở Cần Thơ, cô còn đi làm thêm để phụ giúp cha trả sô nợ ấy. Quả thực, cô là một người con gái Khmer có nghị lực thật phi thường, nỗ lực vươn lên trong đói nghèo!

Anh Hoàng Tuấn Việt, Ủy Viên ủy ban Trung ương Hội liên hiệp Thanh niên Vệt Nam, Trưởng ban biên tập Cổng tri thức Thánh Gióng (áo xanh, ngoài cùng) và Ông Trịnh Văn Hào, Giám đốc Marketing Tập đoàn Thiên Long (áo trắng, ngoài cùng), đại diện Ban tổ chức chương trình “Chia sẻ cùng Thầy Cô” 2019 đến thăm và tặng quà chúc mừng cô Lý Hòa Ly

Cô giáo Lý Hòa Ly là một trong những giáo viên được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng Thầy Cô” năm 2019 do Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc, Tập đoàn Thiên Long thực hiện, nhằm vinh danh các giáo viên đang trực tiếp giảng dạy tại các lớp học thuộc các trường mầm non, tiểu học, trung học ở vùng sâu, vùng xa có số học sinh dân tộc trên 50% trên tổng số học sinh trong lớp.

Đến thăm các giáo viên đang dạy học cho đồng bào dân tộc Khmer, ông Trịnh Văn Hào – Giám đốc Marketing của Tập đoàn Thiên Long, đại diện Ban tổ chức chương trình chia sẻ: “Chúng tôi cảm thấy khâm phục các thầy cô giáo dân tộc Khmer. Tâm huyết với nghề chính là “mỏ neo”, níu chân các giáo viên ở quay trở lại quê hương chôn nhau cắt rốn, can đảm gác lại sau lưng những cơ hội sau khi tốt nghiệp Đại học ở nơi thành phố lớn. Hằng ngày, với sứ mệnh “truyền ngọn lửa đam mê tiếng nói, chữ viết của dân tộc”, các thầy cô vẫn sớm hôm miệt mài bên trang giáo án, không quản vất vả, nhọc nhằn để tìm ra phương pháp giảng dạy mới, động viên các em vượt qua khó khăn để các em đến trường. Tất cả đều xuất phát từ một tình thương không bờ bến.”

 

CTG