10.000 giờ lao động cật lực và nghiêm túc sẽ thành công

(CTG) Ở tuổi 33, Huỳnh Như Trúc làm chủ cửa hàng Handy House (TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) chuyên cung cấp sản phẩm handmade. Slogan của cô gái này là: "10.000 giờ lao động cật lực và nghiêm túc sẽ thành công".

 

Như Trúc vẽ lên giỏ đệm, một sản phẩm handmade của cô - Ảnh: NGỌC TÀI

Từ nhỏ, Trúc rất yêu thích lĩnh vực mỹ thuật, từ vẽ đến đan, thêu thùa. Sau khi tốt nghiệp đại học, cô trở thành nhân viên ngân hàng. Năm 29 tuổi, gia đình cô bị vỡ nợ, bản thân bị té xe phải bó bột một bên tay, cha thì bệnh nặng, con còn quá nhỏ, Trúc quyết định nghỉ việc để chăm sóc cha.

Trong thời gian đó, Trúc bắt tay tìm hiểu rồi tập tành làm các sản phẩm thời trang túi xách và các dụng cụ thường nhật... Cô gia nhập fanpage Hội họa Việt Nam. Lao động nghiêm túc cộng với quyết tâm, chẳng bao lâu Trúc trở thành quản trị viên của fanpage, từ đó Trúc lãnh hội được nhiều kinh nghiệm, chia sẻ với nhiều người về những ý tưởng mới.

Trúc vẫn hay nói vui với mọi người: "Em chỉ là cô gái lượm ve chai" vì với cô, những vật dụng bỏ đi của nhiều người lại trở thành món đồ hữu dụng với cô nếu nhìn ở góc độ nghệ thuật, từ những tấm đềcan, mút xốp đến những cành gỗ mục bên đường. Tận dụng phế phẩm để biến chúng thành sản phẩm có giá trị là niềm tự hào của cô khi góp một phần nhỏ bảo vệ môi trường.

Chìa cho chúng tôi xem chiếc túi làm bằng lục bình mà cô rất thích, Trúc cho biết mình đang làm bộ sưu tập túi cho các chị nội trợ sử dụng để thay túi nhựa. Trên các chiếc túi thân thiện với môi trường ấy, Trúc vẽ những hình ảnh đặc trưng của địa phương như chùm mận Hòa An, quýt Lai Vung, xoài Cao Lãnh, nhãn Châu Thành...

Hiện tại, cửa hàng của Trúc đang tạo công việc ổn định cho bốn lao động, trong đó có một bạn sinh viên khiếm thính đảm trách công việc vẽ lên túi lục bình và giỏ đệm. Trúc ấp ủ dự định kết nối cộng đồng khiếm thính ở tỉnh để các bạn có thêm thu nhập từ năng khiếu hội họa, đan giỏ, thêu của mình.

Bà Phạm Thị Ngọc Đào - phó giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Đồng Tháp, phụ trách Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp và khởi nghiệp - cho biết: "Trúc rất sáng tạo và chịu khó học hỏi. Trúc đã làm mới hơn những giá trị bình dị của quê mình bằng những chiếc túi lục bình và giỏ đệm có hình vẽ dễ thương, bắt mắt".

Mới đây, Trúc còn nảy sinh ý tưởng cung cấp lá lục bình để các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sử dụng gói rau, thịt… Ý tưởng này xuất phát từ hình ảnh người dân nông thôn cắt thân lục bình làm hàng thủ công mỹ nghệ nhưng lá thì bỏ đi.

Theo Tuổi trẻ