9X sở hữu hai bằng thạc sĩ: "Không có ai thành công mà chưa từng thất bại"

Vũ Thị Linh sở hữu 2 bằng Thạc sĩ Luật và Kinh tế, hiện tại đang là nghiên cứu sinh Tiến sĩ ngành Luật. Bên cạnh đó, cô cũng là doanh nhân và là một người truyền cảm hứng về bình đẳng giới, thúc đẩy phụ nữ tiến thân bằng tri thức.

Vũ Thị Linh sinh năm 1993 tại thành phố Vinh, Nghệ An. Linh sinh ra trong gia đình có cha mẹ là công chức nhà nước. Cô tốt nghiệp cử nhân loại giỏi Đại học Luật Hà Nội, sau đó tiếp tục lấy bằng Thạc sĩ Luật tại ngôi trường này và hoàn thành chương trình đào tạo nghề Luật sư tại Học viện Tư pháp.

Thời điểm gần hoàn thành cao học Luật, Vũ Thị Linh quyết định học và sau đó lấy thêm bằng Thạc sĩ Kinh tế tại Đại học Kinh tế quốc dân. Hiện tại, cô gái này đang theo học nghiên cứu sinh ngành Luật.

Song song với lĩnh vực học thuật, từ năm 2017, cô là đồng sáng lập của một trường đào tạo về ngôn ngữ - nghệ thuật - kĩ năng dành cho mọi lứa tuổi tại Hà Nội.

Đề xuất biện pháp tăng cường bảo vệ quyền tác giả

Vũ Linh là một trong 236 đại biểu tham gia Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ 2 vừa diễn ra ngày 26-29/11/2019.

Ngoài vai trò đại biểu, cô được chọn làm thư ký chuyên môn cho Diễn đàn này. Trong phiên bế mạc Diễn đàn, Vũ Linh thay mặt tổ thảo luận soạn thảo và trình bày báo cáo đề xuất các sáng kiến góp phần nâng cao năng suất lao động và bảo đảm bình đẳng xã hội để gửi tới các cơ quan Đảng, Nhà nước.

Nhiều năm nghiên cứu về luật pháp, Vũ Thị Linh trăn trở về vấn đề khung pháp lý đầy đủ và hiệu quả cho việc bảo vệ quyền tác giả. Cô cũng nhận thấy cần sử dụng công nghệ để ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền và bảo vệ quyền để các nhà khoa học, các tác giả yên tâm cho ra đời sản phẩm chất lượng.

“Pháp luật quản lý, thực thi về quyền tác giả tại Việt Nam đang ngày càng được xây dựng hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) có hẳn một hiệp định riêng về quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS), và quy định rằng các thành viên của WTO còn có nghĩa vụ tuân theo Công ước Berne.

Nhìn dưới góc độ này, luật về quyền tác giả của Việt Nam vẫn còn có khoảng cách khá xa để tiếp cận được tiêu chuẩn chung của thế giới. Thực tế cho thấy không chỉ trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học mà ở nhiều lĩnh vực khác, tình trạng vi phạm quyền tác giả vẫn diễn ra thường xuyên.

Nguyên nhân thì có nhiều, ví dụ như cơ chế kiểm soát không chặt chẽ, chế tài xử phạt yếu không đủ sức răn đe, quy định còn nhiều lỏng lẻo…”, nữ nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Luật nhận xét.

Theo cô gái 9X này, có nhiều giải pháp công nghệ đã được triển khai như ICOP (Illegal content obstruction program – Hệ thống quản lý sao chép lậu).

Hệ thống này cho phép, bằng biện pháp kỹ thuật nhận ra những điểm đặc biệt và tìm kiếm tự động, có thể giám sát tự động các nội dung bị sao chép trên Internet và tự động yêu cầu làm gián đoạn quá trình sao chép.

Một cách thức khác là sử dụng P2P, hình thức đặc biệt của Online service Provide để quản lý, báo cáo nhận dạng và lưu trữ các nội dung download.

Ngoài ra, gần đây công nghệ điện toán đám mây cũng một trong những lựa chọn tốt góp phần bảo vệ các tác phẩm trên Internet một cách an toàn hơn.

Vũ Linh đề xuất tiếp tục nâng cao năng lực cho các cơ quan thực thi và tuyên truyền rộng rãi đến người sử dụng các quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ để nâng cao ý thức bảo vệ quyền từ phía người sử dụng.

Các chủ thể quyền cần áp dụng các biện pháp công nghệ để bảo vệ quyền của mình và chủ động trong việc yêu cầu xử lý xâm phạm khi có hành vi xâm phạm quyền của mình.

Phản biện quan niệm “phụ nữ học cao khó lấy chồng"

Vừa là một nghiên cứu sinh để lấy bằng Tiến sĩ, Vũ Linh vừa kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục. Song hành hai nhiệm vụ là một việc khó khăn, Vũ Linh phải cố gắng sắp xếp thời gian để cả hai việc không bị ảnh hưởng.

“Có những lúc mọi người không thể tìm thấy tôi thì chắc lúc đó tôi đang “tu” với một bài nghiên cứu nào đó, hoặc có khi là việc kinh doanh bận rộn chiếm trọn thời gian buổi ngày thì tối ngủ lúc trời gần sáng là chuyện bình thường”, Vũ Linh chia sẻ.

Cô cũng cho rằng quyết định đầu tư kinh doanh của mình là một sự liều lĩnh. Thời điểm vừa ra trường đi làm được 2 năm, công việc học tập mọi thứ đều đang rất ổn định, cô bỗng quyết định làm kinh doanh.

“Khi đó, hiếm ai ủng hộ tôi, vì người thân quen đều lo tôi vất vả, lo tôi làm không có nổi vì trước giờ chưa kinh doanh lớn bao giờ… May mắn là đến bây giờ tôi chưa bao giờ ân hận về quyết định đó của mình”.

Tâm sự về chuyện miệt mài theo đuổi con đường học vấn, Vũ Linh nói: “Người ta thường nói con gái học cao khó lấy chồng. Đây là câu nói rất quen mà người Việt mình thường nói với nhau.

Nhưng tôi lại nghĩ khác, ở thời đại hiện nay quan niệm này đã không còn đúng nữa. Cũng giống như nam giới, phụ nữ hoàn toàn có thể học tập, làm việc với chất lượng, năng suất không hề thua kém, vậy tại sao lại để những quan niệm cổ hủ bó buộc mình?”.

Vũ Linh đưa ra quan điểm rằng có một thực tế không thể phủ nhận là có không ít những chị em phụ nữ đã bị nhồi nhét suy nghĩ nói trên từ khi còn bé, dẫn đến tư duy và hành động cũng bị điều chỉnh theo hướng này. Vì lí do đó, vô hình trung sự phát triển và khả năng của nữ giới đã bị kéo tụt lại.

"Vậy tại sao không nghĩ tới một câu nói khác mà người ta thường nói là “mây tầng nào sẽ gặp mây tầng đó”. Những điều tuyệt vời sẽ dành cho người xứng đáng, thế nên tại sao bạn không cố gắng để trở thành một người xứng đáng bằng việc đầu tư vào trí tuệ và bản thân?”, cô đặt vấn đề.

Qua nghiên cứu và trao đổi cùng các trí thức trẻ đang làm việc từ khắp nơi trên thế giới, Vũ Linh nhận thấy rằng về năng lực phụ nữ không hề thua kém đàn ông. 

Tuy nhiên chính bởi định kiến phụ nữ phải lo gia đình con cái, phụ nữ phải là người xây tổ ấm còn đàn ông thì chỉ cần lo công việc sự nghiệp hay thậm chí còn có những quy định hạn chế hoặc cấm phụ nữ không được làm một số công việc nhất định… đã tạo nên những so sánh hay khác biệt giữa đàn ông và phụ nữ.

Nguồn: Dân Trí

T.LN