Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới Bài 4:Tư tưởng Hồ Chí Minh và bản Di chúc bất hủ

(CTG) Năm 2019 là tròn 50 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu của Đảng ta, dân tộc ta, đi vào cõi vĩnh hằng và tròn 50 năm chúng ta thực hiện Di chúc của Người. Bảo vệ và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh, không gì cụ thể, thiết thực hơn việc cần thấm nhuần sâu sắc những di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua bản Di chúc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho những cá nhân và điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong chương trình giao lưu điển hình toàn quốc 2019. Ảnh: TRẦN BÌNH

Giá trị lịch sử và vai trò cương lĩnh của bản Di chúc

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều thời gian và tâm huyết, tự mình lặng lẽ chuẩn bị rất công phu và chu đáo để hoàn thành bản Di chúc trong vòng 4 năm (từ 1965 đến 1969), giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta đang diễn ra rất ác liệt, đầy gian khổ, hy sinh. Chỉ với hơn 1.000 từ, vô cùng ngắn gọn, Di chúc của Người đã truyền cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ý chí và quyết tâm sắt đá, niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh vĩ đại của dân tộc Việt Nam, sức mạnh của chính nghĩa và chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.

"Di chúc của Người tỏa sáng giá trị dân tộc và thời đại, thấm đậm văn hóa và nhân văn Hồ Chí Minh, mãi mãi là ngọn cờ quy tụ sức mạnh toàn dân tộc, đã, đang và sẽ tiếp thêm sức mạnh, nguồn năng lượng to lớn cho Đảng ta, dân tộc ta, nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam muôn vàn yêu quý của chúng ta"- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng

 

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, khẳng định, Di chúc của Bác là sản phẩm của một trí tuệ lỗi lạc, một trái tim nhiệt huyết, giàu lòng yêu thương, kết tinh tình cảm cao đẹp của một nhà yêu nước và đồng thời là người chiến sĩ cộng sản kiệt xuất vĩ đại. Đó là văn kiện lịch sử ở tầm cương lĩnh với tầm nhìn vượt thời gian, mang tinh thần cách mạng cao cả và nhân văn sâu sắc, chứa đựng các giá trị tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại, mang niềm tin sắt son không gì lay chuyển được vào tương lai thắng lợi tất yếu của cách mạng. Bản Di chúc sau khi được công bố đã gây xúc động mạnh mẽ, như một lời hiệu triệu, được truyền đi, lan tỏa, trở thành ý chí, quyết tâm và sức mạnh to lớn của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, tiến lên “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. “Trước lúc đi xa, điều dặn dò trước hết của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nói về Đảng, vì hơn ai hết, Người hiểu rõ trọng trách, sứ mệnh lịch sử lớn lao mà dân tộc ta, nhân dân ta đã trao trọn cho Đảng. Với bốn chữ “thật” được nhắc đi nhắc lại trong Di chúc, Bác thiết tha mong muốn: Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.

Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, cho rằng, kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Bác là dịp nghiên cứu và nhận thức sâu sắc hơn về giá trị lịch sử và ý nghĩa lý luận, vai trò cương lĩnh, định hướng của bản Di chúc mà Người để lại cho Đảng và nhân dân ta; đồng thời nhìn nhận, đánh giá về những kết quả đã đạt được, những thành tựu nổi bật và cả những hạn chế, khuyết điểm cần phải khắc phục, sửa chữa qua chặng đường 50 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với quyết tâm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, từ một nước nông nghiệp lạc hậu, thường xuyên thiếu lương thực, thực phẩm, phải xin viện trợ và nhập khẩu, đến nay Việt Nam đã trở thành một trong những nước phát triển và đứng hàng đầu trong xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp trên thế giới…

Theo đồng chí Phạm Minh Chính, dù đã đạt được nhiều thành tích to lớn, nhưng cần phải nhận thấy rằng, nước ta hiện vẫn ở nhóm thu nhập trung bình thấp, kinh tế phát triển chưa bền vững, nguy cơ tụt hậu về năng suất lao động, chênh lệch giàu nghèo vẫn còn lớn, nhiều vấn đề xã hội còn gây bức xúc, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân ta cố gắng, nỗ lực lao động, sáng tạo, tiếp thu những thành tựu khoa học - công nghệ vào sản xuất, tạo nền tảng để tiếp tục xây dựng đất nước Việt Nam sánh vai các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong muốn.

Chúng ta “còn nợ” nhiều điều với Bác

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định rõ: Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi.

Vì vậy, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài, đem lại những kết quả thiết thực, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phát triển nhanh và bền vững đất nước, xây dựng văn hóa con người Việt Nam, tăng cường quốc phòng, an ninh, nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế.

GS-TS Mạch Quang Thắng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cán bộ, đảng viên còn phải tiếp tục thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tu dưỡng, rèn luyện nhiều hơn mới xứng đáng là thành viên của một Đảng cách mạng chân chính do Người sáng lập, rèn luyện. “Thật sự là đội ngũ cán bộ, đảng viên còn “nợ” nhiều điều trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà chưa thực hiện được cho thật tốt. 50 năm chỉ là một chặng đầu của quá trình thực hiện ấy. Việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn ở phía trước...”, GS-TS Mạch Quang Thắng chia sẻ.

Nhà báo Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, khẳng định, noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là để chúng ta học, thực hành làm gương hay nêu gương một cách xứng đáng và danh dự với tư cách là cán bộ, đảng viên của Đảng cầm quyền, trước nhân dân và xã hội. Cán bộ, đảng viên cần phải noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách thành tâm và hiệu quả nhất, thật sự xứng đáng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, để công việc của chúng ta thấm đẫm đạo lý cao cả và tính nhân văn thiêng liêng. Nhìn rộng hơn, điều cần khắc sâu là: làm gương hay nêu gương và noi gương là một trong những phương diện quan trọng, để Đảng không chỉ tiếp tục đổi mới phương thức cầm quyền của mình, mà còn thiết thực xây dựng Đảng về đạo đức.

Đây là phương diện thứ tư mà Đại hội XII của Đảng chỉ rõ về việc xây dựng mỗi cán bộ, đảng viên thật sự xứng đáng vừa là đạo đức, văn minh, vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Di chúc của Người”, nhà báo Nhị Lê dẫn giải.

Mới đây, trong diễn văn tại lễ kỷ niệm cấp quốc gia 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và kỷ niệm 50 năm ngày mất của Người, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, chúng ta tự hào với tất cả những thành quả đã đạt được, song cũng không khỏi trăn trở, day dứt trước những gì chúng ta chưa làm được hoặc làm chưa trọn vẹn. Không ít những khuyết điểm, yếu kém và khó khăn, thách thức đang cản trở tiến trình đổi mới, xây dựng đất nước, nếu không kiên quyết, kiên trì ngăn chặn, đẩy lùi sẽ đe dọa tới vận mệnh của Tổ quốc, sự sống còn của chế độ và vai trò lãnh đạo của Đảng.

Điều đó đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực phấn đấu, ra sức phát huy ưu điểm, sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, yếu kém, tuyệt đối không chủ quan, tự mãn, không say sưa với thắng lợi, hay bi quan dao động trước thử thách, khó khăn. “Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta nguyện kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếp tục thực hiện lý tưởng cao cả của Người... Chúng ta nguyện giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng “như giữ gìn con ngươi của mắt mình”, tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, làm hạt nhân cho khối đại đoàn kết toàn dân; tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định.

Theo SGGP