Cần nhiều 'nhà' để ý tưởng Tri thức trẻ vì giáo dục thành hiện thực

(CTG) Đôi lúc chỉ có tác giả, nhóm tác giả Tri thức trẻ vì giáo dục thôi chưa đủ, cần sự hỗ trợ từ các bên khác nhau, từ nhà trường, giáo viên, học sinh cho đến những 'nhà' có thể hỗ trợ startup' - đại diện Bộ GD-ĐT bày tỏ.

 

539 hồ sơ công trình, sáng kiến gửi về tham dự chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2019 đến từ nhiều vùng miền, đa dạng về đối tượng, lứa tuổi. Ban giám khảo cho rằng để biến ý tưởng thành hiện thực chỉ tác giả thôi chưa đủ, cần có sự hỗ trợ từ nhiều “nhà”.

Năm nay, ban tổ chức chương trình nhận được 539 hồ sơ công trình, sáng kiến từ 539 tác giả, nhóm tác giả. Trong đó có 274 công trình, sáng kiến về đổi mới phương pháp dạy học sáng tạo và hiệu quả; 141 công trình, sáng kiến về sáng tạo, chế tạo ra các công cụ phục vụ giảng dạy, học tập; và 124 công trình, sáng kiến nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học giáo dục.

Sau vòng sơ khảo, ban tổ chức đã lựa chọn ra 13 công trình, sáng kiến tiêu biểu nhất.

Chấm vòng sơ khảo cuộc thi “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2019 tại Hà Nội, ngày 2-11.

Nhanh nhạy tiếp cận công nghệ mới

Tại vòng chấm sơ khảo diễn ra ở Hà Nội ngày 2-11, ban giám khảo đánh giá cuộc thi năm nay đa dạng về số lượng, tác giả dự thi đến từ nhiều vùng miền khác nhau chứ không bó hẹp ở các thành phố lớn và đa dạng về lứa tuổi. Điều này cho thấy hiệu ứng của chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” lan tỏa, thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng, xã hội.

Bên cạnh tính đa dạng, các công trình, sáng kiến lọt vào vòng sơ khảo được đánh giá bởi tính mới mẻ, tính khả thi, đặc biệt ứng dụng công nghệ vào đổi mới phương pháp dạy và học.

“Điểm mới là các công trình tham gia có hơi thở cuộc sống, của thời đại theo xu thế công nghiệp 4.0, tích hợp công nghệ mới. Điều này chứng tỏ sự nhanh nhạy của thanh niên trong tiếp cận công nghệ mới, phương pháp mới” – ông Nghiêm Xuân Huy, viện trưởng Viện đảm bảo chất lượng giáo dục ĐHQG Hà Nội, nhìn nhận.

Bà Trịnh Hoài Thu – phó vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học Bộ GD-ĐT – đánh giá các công trình, sáng kiến dự thi năm nay có chất lượng tốt, hàm lượng khoa học công nghệ cao, có tính ứng dụng thực tiễn.

Bà cho rằng đây là triển vọng tốt, là cơ sở để học sinh, thầy cô trong nhà trường cũng như các nhà khoa học có nhiều sáng tạo hơn nữa trong việc đổi mới phương pháp dạy và học, có nhiều sáng kiến được ứng dụng thực tiễn góp phần phát triển nền giáo dục nước nhà.

Bên cạnh đó, nhằm giúp tác giả hoàn thiện hơn nữa các công trình, sáng kiến, bà Thu cũng đưa ra những góp ý cho các tác giả như cần chỉ rõ, đưa ra đường hướng cụ thể về phương pháp, cách thức tổ chức khi ứng dụng công trình vào trong lớp học, vận dụng trong bài học ra sao.

Cần sự chung tay của nhiều “nhà”

Ông Trần Nam Tú – phó vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ và môi trường Bộ GD-ĐT – đánh giá những công trình, sáng kiến gửi về dự thi ở nhiều cấp độ khác nhau, có công trình đạt ở cấp độ ý tưởng, đánh giá ở tính khả thi khi áp dụng thực tiễn, có công trình đã có sản phẩm, tuy nhiên để ứng dụng vào thực tế cần có sự đầu tư sâu hơn nữa.

“Đôi lúc chỉ có tác giả, nhóm tác giả thôi chưa đủ, cần sự hỗ trợ từ các bên khác nhau, từ nhà trường, giáo viên, học sinh cho đến những “nhà” có thể hỗ trợ startup. Thực tế để một sản phẩm chấp nhận được cần qua nhiều công đoạn, do đó các tác giả cần tiếp tục đầu tư, hoàn thiện sản phẩm, ban tổ chức kết nối sự hỗ trợ của các bên liên quan thì sản phẩm sẽ sớm được đưa vào ứng dụng thực tiễn” – ông Trần Nam Tú chia sẻ.

Cũng đồng tình với quan điểm cần sự chung tay của nhiều “nhà”, ông Nghiêm Xuân Huy chỉ ra hiện nay còn có “khoảng cách” giữa ý tưởng khoa học, công trình nghiên cứu hướng tới sản phẩm thương mại. Do đó, cần sự tham gia của doanh nghiệp, các nhà đầu tư thì mới lấp đầy được.

“Các tác giả cần quan tâm đến tính cộng đồng của sản phẩm. Khi có sự tham gia của cộng đồng thì sự hoàn thiện của sản phẩm sẽ nhanh hơn, có thể kêu gọi đầu tư xã hội. Ngoài câu chuyện có nền tảng chắc về mặt khoa học, phải hiểu bối cảnh thực tế để giải quyết mối quan tâm của nhiều người hoặc một cộng đồng, khi đó công trình mới khả thi, thiết thực, sớm được lan tỏa” – ông Huy góp ý.

Yếu tố công nghệ

Đại diện Ban tổ chức, anh Nguyễn Minh Triết, Ủy viên BTV, Trưởng Ban TN Trường học Trung ương Đoàn cho biết, tại vòng sơ khảo năm nay, ban giám khảo làm việc rất vất vả để chọn ra công trình thực sự tiêu biểu lọt vào vòng chung khảo.

“Hầu hết các công trình vào vòng sơ khảo có yếu tố công nghệ, đây là cách tiếp cận mới của các tác giả để giải quyết những vấn đề, tìm ra giải pháp mới cho giáo dục hiện nay. Điều đặc biệt của cuộc thi này là không chỉ tìm kiếm ý tưởng mới, chúng tôi còn có những bước đi, cách thức sau tuyên dương, tìm kiếm cơ hội đầu tư giúp ý tưởng của các tác giả dự thi được ứng dụng vào môi trường giáo dục một cách tốt nhất” – anh Triết nói.

Chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2019 do Trung ương Đoàn, Bộ GD-ĐT, báo Tuổi Trẻ, Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức bước sang năm thứ 4.

Là đơn vị đồng hành suốt nhiều năm liền, ông Trịnh Văn Hào – giám đốc marketing Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long – mong muốn sẽ sớm tìm ra “quán quân” của những công trình, sáng kiến có chất lượng, có khả năng ứng dụng cao vào thực tiễn giảng dạy.

“Chúng tôi vẫn tin rằng ngoài nỗ lực của ban tổ chức, chương trình cũng rất cần sự chung tay góp sức của các nguồn lực xã hội, các tổ chức, các doanh nghiệp để các ý tưởng giáo dục này có thể hoàn thiện hơn và được nâng tầm hơn” – ông Hào bày tỏ.

Theo TT