Cấp bách việc làm cho người lao động

(CTG) Theo thông tin mới đây từ Tổng cục Thống kê, do ảnh hưởng xấu của đại dịch Covid-19, số lao động đang làm việc trong nền kinh tế giảm mạnh. Thậm chí, tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Cụ thể, tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị quý II các năm 2011-2019 lần lượt là: 3,59%; 3,12%; 3,66%; 3,26%; 3,53%; 3,11%; 3,19%; 3,09%; 3,10%. Còn năm nay, con số lên tới 4,46%.

Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều người lao động bị hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ không lương.

“Đây là năm có mức giảm kỷ lục, do trong quý II dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cùng với việc áp dụng giãn cách xã hội trong tháng 4/2020 nên thị trường lao động giảm ở hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và ở các ngành, nghề lao động” theo Tổng cục Thống kê.

Cụ thể hơn nữa, tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước 6 tháng đầu năm ước tính là 2,26% (quý I là 2,02%; quý II là 2,51%). Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị là 3,62%; ở khu vực nông thôn là 1,59%. Đáng chú ý, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương trong quý II/2020 cũng đã bị ảnh hưởng, chỉ còn 6,3 triệu đồng/tháng, giảm 732 nghìn đồng so với quý trước và giảm 180 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.

Mới đây, Hãng Nghiên cứu thị trường IPSOS cho biết, khoảng 90% người ở khu vực Đông Nam Á tham gia khảo sát nói rằng thu nhập xấu đi vì sự bùng phát của dịch bệnh. Gần một nửa số người được hỏi cho biết họ bị giảm trên 20% thu nhập, chủ yếu tập trung ở nhóm người lao động phổ thông thu nhập vốn đã thấp. Riêng với Việt Nam, mẫu khảo sát được chọn ngẫu nhiên từ 500 người, chia làm 3 nhóm có thu nhập thấp dưới 7,5 triệu đồng một tháng, thu nhập trung bình trên 7,5 triệu đồng đến 23,5 triệu đồng và thu nhập cao là trên mức này. Vẫn theo IPSOS, 17% hộ gia đình thu nhập thấp phải thắt chặt chi tiêu.

Dẫn ra những vấn đề nêu trên để thấy rằng, người lao động (đặc biệt là lao động thu nhập thấp) đã phải hứng chịu tiêu cực từ đại dịch Covid-19: Từ mất việc, giãn việc dẫn tới thu nhập thấp. Trong khi Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ, bản thân các doanh nghiệp cũng linh hoạt hơn trong cách sử dụng người lao động, nhưng tình hình phải nói là khó cải thiện trong khi việc khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh vẫn gặp khó khăn, kể cả khi dịch Covid-19 đã được khống chế.

Tới đây, có thể thấy rất rõ, bảo đảm việc làm cho người lao động chính là chìa khóa của vấn đề. Nếu như hệ thống doanh nghiệp tiếp tục khó khăn, người lao động tiếp tục bị mất việc hoặc giãn việc thì tình hình sẽ diễn biến phức tạp.

Từ thực tế đó cho thấy, việc nỗ lực tìm việc làm cho người lao động trong bối cảnh hiện nay là vô cũng hệ trọng, cấp bách. Nhưng, cũng thật đáng suy nghĩ khi gần đây thông tin từ Thủ tướng Chính phủ cho thấy việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công rất chậm chạp. Vì sao việc giải ngân đầu tư công chậm chạp lại tác động xấu tới việc làm và thu nhập của người lao động? Hai việc này có liên quan gì tới nhau? Đó là những câu hỏi rất cần đặt ra trong quá trình gấp rút hồi phục và phát triển kinh tế - xã hội.

Tại cuộc họp ngày 16/7, của Thường trực Chính phủ với các địa phương về đẩy mạnh thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt nhấn mạnh: Phải tập trung giải ngân vốn đầu tư công gần 28 tỷ USD, tương đương 633 nghìn tỷ đồng.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, ước giải ngân 6 tháng đầu năm là 159.397,188 tỷ đồng, chỉ đạt 33,9% kế hoạch; trong đó: Vốn trong nước là 145.270,055 tỷ đồng (đạt 37,55% kế hoạch), vốn nước ngoài là 7.061,952 tỷ đồng (đạt 12,52% kế hoạch), vốn Chương trình mục tiêu quốc gia là 7.065,181 tỷ đồng (đạt 25,85% kế hoạch). Đáng chú ý, có 3 bộ, cơ quan Trung ương và 9 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 50%; 33 bộ, cơ quan Trung ương và 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%, trong đó, có 7 bộ, cơ quan Trung ương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 5%.

Như vậy là một nguồn vốn rất lớn đã không được đưa vào xã hội, cũng có nghĩa là không tạo ra hàng trăm ngàn việc làm mới cho người lao động. Đi cùng đó đương nhiên là hàng trăm ngàn người lao động trực tiếp không có thu nhập; cùng với con số còn nhiều hơn nữa là những người tham gia vào “chuỗi sản xuất” này.

Trong khi nhiều doanh nghiệp (trong đó có khối doanh nghiệp tư nhân) tìm mọi cách bố trí việc làm cho người lao động để họ có thu nhập, ổn định cuộc sống trong giai đoạn khó khăn thì những nơi được Chính phủ giao cho một nguồn tài chính rất lớn lại chậm trễ vận hành. Đó là điều thật khó chấp nhận, dù cho nó được biện minh bằng bất cứ lý do gì.

Người ta thường lo ngại khi vốn đầu tư công chậm triển khai sẽ kìm hãm sự tăng trưởng. Nhưng ở đây, rất cụ thể, khi nguồn tài chính rất lớn này (xin nhắc lại là khoảng 28 tỷ USD) không được giải ngân, chậm giải ngân thì cũng có nghĩa là khiến cho số người không có việc làm tăng lên, thu nhập của một bộ phận không nhỏ của đất nước suy giảm, dẫn tới khó khăn trong cuộc sống.

Mà họ lại là những người lao động trực tiếp, thu nhập vốn đã thấp, là đối tượng bị tổn thương đầu tiên khi nền kinh tế gặp khó khăn.

Theo ĐĐK