Chàng trai viết sử A Bung

(CTG) Tham gia Đề án 500 trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020, Nguyễn Xuân Thắng (SN 1991) không chỉ góp phần đổi thay vùng đất khó mà còn chấp bút viết cuốn lịch sử dày 500 trang cho xã A Bung (huyện Đa Krông, tỉnh Quảng Trị).

 

Anh Nguyễn Xuân Thắng trong các hoạt động nâng cao nhận thức quyền trẻ em gái vùng cao Ảnh: NVCC

Tình nguyện về miền núi

Nhà nghèo, hai anh chị lớn nghỉ học sớm nhường phần học cho Thắng và em gái. Không phụ lòng tin mọi người, Thắng nỗ lực học tập không ngừng nghỉ. Năm 2009, anh thi đỗ vào Đại học Đà Lạt khối B. Trong suốt năm đầu đại học, chàng trai nghèo quê Quảng Trị luôn dẫn đầu khóa về thành tích học tập. Tuy nhiên, hết năm thứ nhất, Thắng lại quyết định thi vào Học viện Hành chính Quốc gia, phân viện tại TPHCM, khối C và đỗ điểm cao.

Cuộc sống giữa Sài Gòn phồn hoa chi phí đắt đỏ, cậu sinh viên nghèo quyết định vừa đi học, vừa đi làm thêm để tự trang trải cuộc sống. “Buổi sáng đi học, buổi chiều tôi đi làm thêm, bắt đầu từ 4 giờ chiều đến 10 giờ đêm. Thứ 7, Chủ nhật làm từ 5 giờ sáng đến 10 giờ đêm luôn. Mỗi tháng, tôi lĩnh lương 4 triệu đồng, một phần đóng học phí, một phần dành mua phiếu ăn cho cả tháng để khỏi đói và phần còn lại gửi về quê nuôi em gái ăn học”, Thắng kể.

Dù bận rộn vậy nhưng Thắng luôn đạt kết quả học tập tốt khiến bạn bè nể phục. Suốt 4 năm liền anh đều giành được học bổng của trường.

Thắng cũng dành thời gian cho hoạt động tình nguyện ở TPHCM, như: Tiếp sức mùa thi, Xuân tình nguyện, Kỳ nghỉ hồng. “Hồi sinh viên, nhìn thấy các anh, chị mặc những chiếc áo tình nguyện in dòng chữ “Mùa hè xanh”, “Tiếp sức mùa thi” là ngưỡng mộ lắm. Nhìn thấy họ, mình cảm thấy tràn đầy nhiệt huyết, muốn được đi, được cống hiến. Vì thế, dịp nghỉ hè, tôi chỉ về thăm gia đình được 2 tuần, thời gian còn lại đi tình nguyện và làm thêm”, Thắng chia sẻ.

Tốt nghiệp đại học cũng là lúc Thắng biết đến Đề án 500 trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020 (Đề án 500 trí thức trẻ của Bộ Nội vụ). Anh viết đơn tham gia và trúng tuyển về xã A Bung (huyện Đa Krông, tỉnh Quảng Trị).

Ðổi thay vùng đất nghèo

Về làm việc tại xã A Bung trong vai trò là cán bộ văn phòng thống kê, trí thức trẻ Nguyễn Xuân Thắng gặp không ít khó khăn, trở ngại. A Bung là một xã miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa của huyện Đakrông, với 3/4 là đồi núi. Đời sống kinh tế của bà con rất khó khăn, chủ yếu làm nương rẫy theo phương thức “phát, cốt, đốt, trỉa”, nên không ổn định. Tuy nhiên, thử thách lớn nhất với Thắng là sự khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ. A Bung gồm 3 dân tộc cùng chung sống, trong đó dân tộc Pa Kô chiếm tới 85%, dân tộc Vân Kiều chiếm 10%, còn dân tộc Kinh chỉ chiếm một phần nhỏ.

“Dân tộc Pa Kô và Vân Kiều sử dụng hai ngôn ngữ khác nhau. Hồi đầu mới tiếp xúc với bà con, tôi không hiểu họ đang nói gì. Điều đáng nói, người Pa Kô không có chữ viết, việc học ngôn ngữ của họ chỉ qua phương thức truyền miệng”, anh Thắng kể. Tuy nhiên, với bản tính cần cù, chịu khó, anh nhanh chóng bắt nhịp với cuộc sống mới. Anh tranh thủ mọi lúc, mọi nơi nhờ anh em, đồng nghiệp dạy ngôn ngữ của đồng bào dân tộc và đặc biệt, thường xuyên đi thôn bản, gặp gỡ, trò chuyện với bà con, thậm chí ở lại nhà dân để hiểu hơn về phong tục, tập quán, nếp sống. Nhờ đó, chỉ trong thời gian ngắn, anh đã đưa ra được hàng loạt sáng kiến cải thiện chỉ số cải cách hành chính cấp xã; nâng cao hiệu quả làm việc; đưa ra các mô hình phát triển kinh tế cho bà con.

Được lãnh đạo tin tưởng giao việc, Thắng làm đủ thứ việc, từ sửa máy tính, máy in, soạn thảo văn bản, đến tham gia tổ chức đại hội Đoàn thanh niên, đại hội phụ nữ, cựu chiến binh… Đặc biệt, dù mới về địa phương một thời gian ngắn, anh đã được lãnh đạo huyện, xã tin tưởng giao trọng trách viết lịch sử xã A Bung. Cuốn lịch sử dày 500 trang được anh hoàn thiện trong 8 tháng, với đầy đủ thông tin sinh động về đất, người, văn hóa, kinh tế, xã hội của A Bung. Sách được xuất bản tháng 6/2018.

Điều khiến chàng trai trẻ trăn trở nhất là làm thế nào nâng cao đời sống kinh tế giúp bà con chủ động cuộc sống, bỏ được tính trông chờ, dựa vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Trong một lần xem chương trình “Sinh ra từ làng” của VTV giới thiệu về mô hình nuôi dúi, Thắng nghiên cứu các tài liệu, đi học hỏi các mô hình thực tế và kết nối với tổ chức phi chính phủ quốc tế tại Plan hỗ trợ vốn triển khai mô hình nuôi dúi tại A Bung. Ban đầu làm thí điểm 6 hộ gia đình. Chỉ trong vòng 6 tháng, những con dúi giống bắt đầu sinh sản mang lại lợi nhuận kinh tế. Từ thành công đó, bà con A Bung nhiệt tình hưởng ứng, được lãnh đạo huyện, xã đánh giá chọn làm mô hình nhân rộng tại địa phương.

Nguyễn Xuân Thắng 3 năm liền là chiến sĩ thi đua cấp huyện, năm 2018 là chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Đặc biệt, anh được T.Ư Đoàn vinh danh là 1 trong 50 cán bộ, công chức, viên chức trẻ giỏi toàn quốc năm 2019.

Theo TP