Chia sẻ cùng thầy cô 2019: Quyết tâm truyền ngọn lửa đam mê tin học cho học sinh Khmer

(CTG) Cách thành phồ Cần Thơ hơn 3 giờ đồng hồ, đoàn thực hiện chương trình Chia Sẻ Cùng Thầy Cô tiếp tục hướng về thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, nơi có ngôi trường mang tên Trường THCS và THPT Dân tộc Nội trú Vĩnh Châu, đây cũng chính là đơn vị mà mà Thầy Thạch Minh Trí (34 tuổi) vẫn đang công tác và theo đuổi nghề “gõ đầu trẻ” trong suốt hơn 10 năm qua.

 

Tiếp nối truyền thống gia đình

Sóc Trăng một buổi chiều tháng 10 đón tiếp chúng tôi bằng một cơn mưa rào nhẹ. Đường về Sóc Trăng dẫu có lắm lúc khúc khuỷu, dằn xóc, nhưng nghĩ đến những người vẫn đang miệt mài tìm kiếm ánh sáng tri thức, vươn lên cái khổ cái nghèo nơi ấy, chúng tôi vẫn không khỏi xúc động và vững tin tiến lên phía trước. Cơn mưa vừa tạnh cũng là lúc chúng tôi đặt chân đến ngôi trường bé nhỏ. Sân trường rợp bóng, những tán cây sau cơn mưa nặng trĩu, oằn mình che mát cho các em học sinh dân tộc Khmer đang mải mê vui chơi, tham gia tiết học ngoại khóa.

Nhìn chúng tôi, các em khoanh tay gật đầu chào, đủ thấy các em học sinh tại đây được thừa hưởng một nền giáo dục rất tốt, rất ngoan và lễ phép. Chúng tôi tìm hỏi thì được Thầy hiệu trưởng giới thiệu đến lớp tin học 8A. Lúc này đây, Thầy Minh Trí đang giảng dạy môn học lập trình Pascal cơ bản.

Qua tìm hiểu, Thầy Trí cho biết: “Tôi may mắn sinh ra trong một gia đình có cả 03 thế hệ đều theo ngành giáo, ba tôi cống hiến trong ngành giáo dục gần 40 năm nên tôi rất thấu hiểu niềm tự hào và cao quý của nghề giáo, vì vậy tôi quyết định chọn theo học ngành sư phạm để tiếp nối truyền thống của gia đình mình.”

Thầy quyết định chọn theo học ngành sư phạm để tiếp nối truyền thống của gia đình.

Tốt nghiệp trường Đại học Sư Phạm TP.HCM, khoa Cử nhân sư phạm Tin Học, năm 2008, Thầy Trí quyết định từ chối những lời mời làm việc tại các công ty lớn trên Sài Gòn, một mình Thầy trở lại quê nhà, nơi chôn nhau cắt rốn của mình, quyết tâm xin vào công tác tại ngôi trường mà mình đã theo học từ những năm cấp 2. Tin vui đến với Thầy vào một ngày đầu tháng Chín, Thầy chính thức được nhận về trường giảng dạy. Nói đến đây, Thầy không khỏi bồi hồi nhớ lại: “Đó là lần đầu tiên tôi bước vào ngôi nhà thứ hai của cuộc đời mình. Ngôi trường ấy không có tên riêng nhưng trong chính cái tên đã nói lên được điều đặc biệt - Ngôi trường dành riêng cho các em học sinh người dân tộc thiểu số, cụ thể hơn là trường dành cho con em đồng bào dân tộc Khmer của thị xã Vĩnh Châu”.

Nỗ lực thu hẹp khoảng cách “số"

Bên cạnh việc tiếp nối truyền thống của gia đình, Thầy Trí chia sẻ một nỗi niềm khao khát được mang kiến thức Tin học về lại quê nhà, khai mở sự văn minh kỹ thuật số cho các em đồng bào quê mình. Những năm ấy, bộ môn Tin Học vẫn chưa được phát triển, thậm chí lúc Thầy vừa ra trường, sách giáo khoa Tin học còn chưa có, mãi đến thời gian Thầy đi thực tập Bộ Giáo dục mới ban hành sách.

Thầy Trí mong muốn khai mở sự văn minh kỹ thuật số cho các em đồng bào quê mình.

Bộ môn Tin học trong chương trình của các em chủ yếu bao gồm Tin học căn bản, Tin học văn phòng, Tin học lập trình đại cương. Tất cả xem chừng vẫn là một môn học khá mới đối với các em dân tộc ở xã Vĩnh Châu này. Phải nói là thoạt đầu, cơ sở vật chất của trường còn chưa đáp ứng, chưa đồng bộ hóa với phương pháp dạy học, điều kiện giảng dạy còn thiếu thốn, sau này, được khuyến khích và được đề xuất, trường và Thầy Trí bắt đầu nghiên cứu, thiết kế hẳn một phòng máy để đáp ứng cho việc dạy và học môn Tin học tại nhà trường cho các khối.

Phần về hoàn cảnh gia đình của các em ở đây, Thầy cũng nhìn nhận điều kiện các em không có, hiếm em nào được bố mẹ trang bị cho chiếc máy tính, vì vậy, việc học môn Tin học đối với các em là một thử thách rất lớn. Một tuần chỉ có 2 tiết, chưa đủ để các em nắm bắt kiến thức và biết ứng dụng. Ngoài ra, Thầy còn nhận thấy được, vì một sự mặc cảm nào đó, mà các em ban đầu rất rụt rè, đặc biệt là các học trò lớp 6, chỉ việc cầm chuột để thao tác mà các em cũng rất băn khoăn, nhút nhát… “Đã có một năm học, tôi muốn xin thôi dạy một lớp, vì các em trong lớp ấy không thích học môn này, không để tâm. Sau một thời gian trực quản sinh, tôi chủ động tìm hiểu và chia sẻ bằng tiếng Khmer với các bạn nhỏ, các em bộc bạch rằng môn này quá khó, học không biết để làm gì, và nghĩ rằng nó không quan trọng bằng những môn văn hóa xã hội khác… Cuối cùng, đạo đức nghề giáo không cho phép tôi bỏ cuộc, tôi quyết định thay đổi phương pháp dạy học của mình.”

Không chờ Thầy chia sẻ thêm, chúng tôi đến dự giờ lớp của Thầy và hiểu được phương pháp mà Thầy đang hướng đến không gì khác là “Thực hành”, ai trong một tiết cũng phải thực hành cho cả lớp cùng xem, sai ở đâu, Thầy Trí điều chỉnh và hướng dẫn ngay tại chỗ. Thầy cho các em học sinh được làm nhiều hơn là nghe nhiều. Phương pháp này khiến các em vượt qua được sự sợ hãi, và mạnh dạn “gõ bàn phím” để tìm ra chân lý đằng sau mỗi tiết học. Em Thạch Thị Trúc Đào (lớp 8A) chia sẻ thêm: “Con rất thích học với Thầy, vì Thầy hướng dẫn kỹ, có bài nào mà cả lớp không hiểu, hoặc sắp đến tiết kiểm tra, Thầy đều dành thêm thời gian để dạy bổ túc cho tụi con những lúc trống tiết. Nhờ Thầy Trí mà tụi con hiểu được môn Tin học cũng rất là hay, và rất là có ích nếu mà sau này tụi con có đi làm để nuôi gia đình…”

Người Thầy truyền lửa đam mê tin học cho biết bao thế hệ học sinh Khmer.

Thầy Thạch Minh Trí là một trong những tấm gương giáo viên đã mạnh dạn thay đôi cách truyền đạt kiến thức, phá bỏ rào cản và suy nghĩ sai lệch về bộ môn tưởng chừng là quá khó với học sinh dân tộc Khmer. Thầy là một trong những giáo viên tiên phong đi đầu trong việc thu hẹp khoảng cách “số”, khơi dậy niềm đam, phát triển kiến thức và kỹ năng khoa học máy tính và ứng dụng Công nghệ Thông Tin (CNTT) cho thanh thiếu niên khu vực khó khăn, từ đó xây dựng nền tảng vững chắc để các bạn trẻ có đủ điều kiện và nghị lực tham gia các sân chơi công nghệ sáng tạo.

Tự hào về học sinh người Khmer

Ngần ấy năm trôi qua, thế hệ này tiếp nối thế hệ khác, Thầy Trí là người đã chứng kiến biết bao em học sinh tốt nghiệp và quyết định dấn thân vào ngành CNTT mà chính Thầy đã truyền lửa cho các em, thậm chí, có một vài em bây giờ còn có khả năng tạo ra nguồn thu nhập bằng việc Youtube Blogger – một ngành mới của thời đại Digital hiện nay.

Thầy không giấu được nỗi vui mừng, tự hào về các em học sinh dân tộc Khmer của mình. “Bản thân tôi cũng là con em người dân tộc. Tôi hiểu rõ nỗi khổ, sự nghèo túng khó khăn của đồng bào tôi hơn ai hết. Chính vì thế mục tiêu của tôi hiện tại là đem lại động lực giúp các em học hành nghiêm túc. Và tôi biết, chỉ có học là con đường ngắn nhất dẫn đến thành công và thoát khỏi sự nghèo khó. Mà muốn trở thành người tiếp lửa cho học sinh không ai thích hợp hơn chúng tôi – người gõ đầu trẻ…”.

Ông Hoàng Tuấn Việt, Ủy Viên ủy ban Trung ương Hội liên hiệp Thanh niên Vệt Nam, Trưởng ban biên tập Cổng tri thức Thánh Gióng (áo xanh, ngoài cùng) và Ông Bùi Văn Huống, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Long (áo trắng), đại diện Ban tổ chức chương trình “Chia sẻ cùng Thầy Cô” 2019 đến thăm, tìm hiểu và trao quà tặng tri ân Thầy Minh Trí.

Tháng 7 vừa qua, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc, Tập đoàn Thiên Long tiếp tục thực hiện chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” với mục tiêu tuyên dương 63 thầy, cô giáo đang trực tiếp giảng dạy tại các lớp học thuộc các trường mầm non, tiểu học, trung học ở vùng sâu, vùng xa có số học sinh dân tộc trên 50% trên tổng số học sinh trong lớp. Đây là năm thứ 5 chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” được tổ chức.

Các thầy, cô được tuyên dương tại chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” là người có tư cách đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn, có khả năng truyền cảm hứng trong công tác dạy học được phụ huynh, nhà trường và xã hội ghi nhận. Trong đó ưu tiên các giáo viên có thời gian giảng dạy lâu năm, giáo viên trẻ lên vùng sâu, vùng xa dạy học, có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong công tác giáo dục.

Mỗi thầy, cô giáo dạy học sinh dân tộc thiểu số được tuyên dương năm nay sẽ được nhận một sổ tiết kiệm 10 triệu đồng, bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, biểu trưng của chương trình và các hình thức khen thưởng khác của Ủy ban Dân tộc và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

 

CTG