Chia sẻ cùng thầy cô: Những tấm gương 'gieo chữ' can đảm

(CTG) 5 năm đồng hành và tổ chức chương trình Chia sẻ cùng thầy cô, ông Nguyễn Đình Tâm, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Long cho biết đã chứng kiến rất nhiều câu chuyện về tấm lòng của thầy cô - những người đã và đang dành cả tuổi xuân, thậm chí phần lớn cuộc đời mình để gieo cái chữ cho những đứa trẻ nghèo...

 

Phóng viên Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Đình Tâm xung quanh sự chung tay chia sẻ cùng thầy cô ở vùng khó khăn theo tiêu chí của chương trình.

Điều gì đã thôi thúc chương trình Chia sẻ cùng thầy cô năm nay hướng đến các giáo viên dạy học sinh dân tộc thiểu số?

Trong hai ngày 15, 16.11, chúng tôi mời 63 thầy cô dạy học sinh dân tộc thiểu số tiêu biểu tới Hà Nội, chỉ cần gặp các thầy cô, nghe những câu chuyện thầy cô kể, chắc chắn bất kỳ ai cũng sẽ tự nhiên hiểu được, lý do vì sao chúng tôi hướng đến các thầy cô.

63 thầy cô giáo là 63 câu chuyện cảm động khác nhau. Tất cả các thầy cô cũng chính là đại diện cho hàng ngàn thầy cô dạy học sinh dân tộc thiểu số trên khắp đất nước... Họ đã chọn và tự tin bước đi trên con đường gian nan vất vả, để cống hiến hết cả tâm - trí - lực cho sự nghiệp giáo dục. Đấy còn là những tấm gương “gieo chữ” can đảm gác lại sau lưng những cơ hội tốt chốn thành thị, thậm chí rời xa người thân, gia đình để đến với những bản làng sâu, xa, với những vùng miền còn khó khăn, nghèo khổ.

63 giáo viên tiêu biểu dạy học sinh dân tộc thiểu số được tuyên dương trong chương trình Chia Sẻ Cùng Thầy Cô năm 2019.

Những đứa trẻ ngây thơ mỗi ngày có thể đi bộ 3 đến 5 tiếng để tới được trường, những đứa trẻ mỗi dịp 20.11 lại tặng thầy cô những bông hoa dại bọc túi ni lông xếp đầy cả ngăn bàn, những đứa trẻ đến gặp cô thỏ thẻ xin ở lại lớp vì “muốn học môn cô dạy thêm 1 năm nữa”… Đó là những điều giản dị, thân thương đã níu kéo thầy cô ở lại. Và thế là 5 năm, 10 năm, 20 năm, 30 năm… có người đã từ chối nhiều cơ hội ở thành phố, để dành cả cuộc đời gieo chữ cho các em đồng bào dân tộc thiểu số.

Tôi không biết nói gì ngoài việc bày tỏ sự kính phục của tôi với các thầy cô và chúng tôi tiếc lắm, vì chỉ mời được 63 thầy cô, chứ không phải là tất cả các thầy các cô đang đảm nhận công việc cao quý tuyệt vời ấy về Hà Nội lần này, để có thể cùng gặp gỡ, cùng sẻ chia, để các thầy cô có thêm sự khích lệ với con đường gian nan mình đã chọn.

Ông cảm nhận như thế nào về cột mốc 5 năm của chương trình và ông có thể cho biết dự định của Tập đoàn Thiên Long và Ban tổ chức cho những năm về sau không?

Tôn sư trọng đạo là đạo lý tốt đẹp cần được gìn giữ và phát huy trong mọi giai đoạn phát triển của xã hội, là nền tảng để đưa thế hệ trẻ Việt Nam ngày một thành tài, bứt phá mọi giới hạn, biến mọi ước mơ trở thành hiện thực, và đó cũng là lý do vì sao hằng năm, chúng tôi cùng Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục - Đào tạo lại tiếp tục lên đường, thực hiện những chuyến đi thăm hỏi các gương giáo viên tiêu biểu trên khắp mọi miền của Tổ quốc. Thông qua đó, chúng tôi được dịp lắng nghe và chia sẻ nhiều hơn với các giáo viên có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của nước nhà.

Ông Nguyễn Đình Tâm (áo trắng bên trái ngoài cùng) trong một lần đi thăm giáo viên dạy trẻ khuyết tật.

Trong suốt 4 năm, chương trình đã tuyên dương 214 thầy giáo, cô giáo công tác tại những khu vực khó khăn nhất của Tổ quốc, truyền đi hàng trăm câu chuyện đẹp về tấm lòng, nghị lực của những “người đưa đò” thầm lặng đến với toàn xã hội. Hiện tại và tương lai, chúng tôi vẫn sẽ luôn thực hiện hết khả năng của mình, và mong cộng đồng xã hội sẽ cùng chúng tôi lắng nghe, chia sẻ, động viên, tiếp thêm sức mạnh để các thầy cô có thể hoàn thành sứ mệnh vinh quang, mang tới tương lai tươi sáng cho học sinh nghèo.

Chương trình Chia sẻ cùng thầy cô 2019 là cột mốc đánh dấu hành trình 5 năm đồng hành của chúng tôi. Thông qua chủ đề tuyên dương giáo viên dạy học sinh dân tộc thiểu số, chúng tôi mong rằng với những câu chuyện mà chúng tôi mang lại, nhiều thế hệ trẻ sẽ có thêm cảm hứng, động lực dấn thân vào sự nghiệp trồng người cao quý.

Theo ông, chương trình Chia sẻ cùng thầy cô đã nhận được sự ủng hộ và lan tỏa như thế nào trong xã hội?

Chúng ta vẫn biết, ở đâu đó ngoài kia, những nơi khó khăn nhất, vất vả nhất, có những con người đang dành cả tuổi xuân, thậm chí phần lớn cuộc đời mình, để dạy cái chữ cho những đứa trẻ nghèo khó nhất, để chúng có thể lớn lên, thay đổi số phận, thay đổi tương lai của bản làng. Chia sẻ được với một người trong số họ, đã là một việc quá đỗi tự hào. Trong 5 năm, chúng tôi đã cổ vũ, động viên và khích lệ hơn 270 thầy cô ấy, chúng tôi cảm thấy trân trọng điều đó lắm. Thầy cô được khích lệ, có thêm sức lực gắn bó với nghề, sẽ có hàng nghìn, hàng vạn đứa trẻ ở những vùng khó khăn nhất được dạy dỗ, yêu thương, và có cơ hội thay đổi số phận của chính mình và của làng xóm quê hương mình. Những điều tốt đẹp, cao quý ấy của thầy cô dành cho học sinh tự khắc sẽ được lan tỏa tự nhiên và mạnh mẽ giữa cộng đồng.

Điều gì đã làm nên sự thành công cho chương trình này, thưa ông?

Thành công của chương trình cũng đến từ chính tên của chương trình, đấy là “chia sẻ”. Chia sẻ hoàn toàn khác với biếu hay tặng. Chúng ta có thể biếu, có thể tặng hay cho người khác nhiều món quà vật chất, nhưng chia sẻ chỉ có khi có tình yêu thương, sự cảm thông, trân trọng và đồng điệu về tâm hồn. Chương trình của chúng tôi hướng tới điều đó, những tấm lòng, những trái tim, kết nối, cảm thông và đồng điệu để có thể chia sẻ với nhau. Đó cũng chính là giá trị cốt lõi mà Thiên Long luôn hướng tới - với sứ mệnh góp sức cho sự nghiệp giáo dục của nước nhà, cùng với xã hội và những ai vẫn luôn vững tin vào những giá trị đạo đức cao đẹp.

Theo TN