'Chiến thuật' ở trọ

(CTG) Để tìm một nơi ở trọ thích hợp khi đi học xa nhà đôi khi cần phải có “chiến thuật” hợp lý.

Những khu nhà trọ gần Trường ĐH Luật TP.HCM, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM, giá cả phù hợp và được nhiều sinh viên thuê - Lê Thanh

Đây là điều các tân sinh viên nên biết trước khi quyết định chọn một chỗ ở trọ phù hợp để yên tâm học hành.

Ở ghép: cần cân nhắc

Theo giới sinh viên (SV) thì ở ghép có nhiều “điểm cộng” nhưng bên cạnh đó vẫn có những “điểm trừ”. Huỳnh Anh Vũ, SV Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết “điểm cộng” là có thể tiết kiệm tiền. “Nếu hai người ở một phòng, thì phải chịu khoảng 1 triệu đồng. Nhưng cho ở ghép, thì chia tiền ra có thể nhẹ bớt, chỉ tốn vài trăm ngàn đồng”, Vũ giải thích. Ngoài ra, khi ở ghép với những người bạn cùng khoa, cùng lớp, sẽ dễ dàng trao đổi bài vở hơn, giúp nhau học tốt hơn.
Nguyễn Thiên Cầm, SV Trường ĐH Mở TP.HCM, cho rằng: “Ở một mình một phòng rất buồn và cô đơn. Nếu cho ở ghép, hoặc tìm phòng ở ghép, thì vừa tiết kiệm, vừa vui. Ở ghép, mỗi khi đau ốm sẽ đỡ vất vả hơn”.

Bên cạnh nhiều “điểm cộng”, cũng có nhiều “điểm trừ”. “May mắn ở chung phòng với người hợp tính hợp nết thì không sao. Nhưng lỡ không hợp tính thì sẽ xảy ra mâu thuẫn thường xuyên, dễ cự cãi, bất đồng”, Trần Ngọc Vĩnh, SV Trường ĐH Sài Gòn, nói.

Nguyễn Tố Như, SV Trường CĐ Kinh tế đối ngoại TP.HCM, thì cho rằng không nên ở ghép. “Vì ở với những người không thân quen dễ bị mất tài sản”, Như nói.

Theo khảo sát của phóng viên, một trong những điều khiến SV cảm thấy “lăn tăn” nhất trong việc quyết định ở ghép hay không, đó là lo sợ bị người ở ghép “chôm” đồ, trộm tài sản. Nguyễn Minh Huy, SV Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nhớ lại bài học kinh nghiệm đau đớn khi từng bị bạn ở ghép “dọn đồ” lúc Huy đang ngủ. “Mình thuê phòng ở trước, họ xin vào ở ghép cùng, cũng nói là SV ở làng đại học. Nào ngờ ở được 2 hôm thì lợi dụng lúc mình đang ngủ, họ lấy điện thoại và ví tiền cao chạy xa bay”, Huy kể.

Theo Nguyễn Tố Như, kinh nghiệm khi cho người khác ở ghép là: “Phải lấy chứng minh nhân dân xem tên, tuổi, địa chỉ, hoặc xem thẻ SV để biết thông tin. Nếu cảm thấy có thể tin tưởng thì đồng ý. Thấy có vẻ không yên tâm thì nên từ chối, kẻo rước họa vào thân”. Như cũng chia sẻ, giới SV đặc biệt là tân SV cần cân nhắc thật kỹ lưỡng việc có nên ở ghép hay không vì “lợi thì có lợi... mà lo lắng cũng đủ điều”.

“Thay vì ở ghép, có thể rủ một nhóm bạn thân thuở THPT ở cùng nhau. Đã thân thiết, hiểu ý nhau, thì việc sống cùng sẽ dễ chịu và thoải mái hơn so với việc ở ghép với một người khác”, Như nói.

Nên ở với người thân

Rất nhiều SV cảm thấy tiếc nuối, giá như khi năm nhất đại học, họ chấp nhận ở với người thân, người quen thì có lẽ không phải “gặm nhấm” những nỗi buồn: rớt môn, thi lại, học lại...

Theo Nguyễn Văn Hiếu, SV Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, tân SV vừa vào TP.HCM, nếu không có cơ hội ở ký túc xá của các trường, thì nên tìm xin ở nhà người thân.

Lý do mà Hiếu đưa ra là: “Việc ở nhà người thân quen như vậy sẽ khiến bản thân cảm thấy e dè trong nhiều chuyện. Nếu ở trọ bên ngoài, muốn làm gì làm, muốn đi chơi mấy giờ về cũng được. Hoặc thích là ngủ nguyên ngày bỏ cả học. Rồi thích thì rủ bạn bè đến phòng nấu nướng ăn uống nhậu nhẹt... Nhưng nếu ở nhà người thân thì sẽ hạn chế được điều này. Nhờ vậy sẽ chuyên tâm đến việc học hơn, giúp học tốt hơn”.

Cũng theo Lê Việt Anh, SV Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, nhiều SV muốn ở trọ bên ngoài để “tự do bay nhảy”, muốn gì làm nấy, không bị nhắc nhở rầy la... Nhưng đó là sai lầm. “Việc thoải mái quá sẽ ảnh hưởng đến việc học rất nhiều. Hãy để bản thân được rèn tính kỷ luật từ người thân quen. Có như vậy sẽ giúp học hành chuyên cần hơn, tốt hơn. Nhiều trường hợp, khi là tân SV thì ở cùng người thân quen, nhưng vì cảm thấy bị kiểm soát chuyện giờ giấc, đi lại... nên xin ra ngoài ở trọ. Để rồi sau đó họ cảm thấy hối hận vì giá như hồi đó ở với chú, với thím, bị quản thúc như vậy mà đỡ phải thi lại, đỡ rớt môn”, Việt Anh chia sẻ.

Với tân SV, một kinh nghiệm khá hay, để tìm nhà trọ, nên liên hệ những SV khóa trên để xin ở cùng. Theo Trương Mỹ Thanh, SV Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, những SV khóa trên luôn là “nguồn tài liệu dồi dào” và rất cần thiết với bất kỳ tân SV nào. Nếu được ở cùng với SV khóa trên, nhất là cùng khoa, thì rất dễ dàng trong việc tìm kiếm tài liệu học tập, được hướng dẫn cách làm đồ án, bài tập, xin thông tin giảng viên...

Nhưng cũng theo Thanh, tân SV chỉ nên tiếp thu những điều hay lẽ phải từ SV năm 2, năm 3, chứ đừng nghe theo những lời đồn thổi không đúng như: “SV mà không thi lại thì không phải là SV”, “là SV phải biết nhậu...”.

“Theo mình, tân SV nên rủ những người bạn cùng học phổ thông đến ở trọ cùng nhau. Đã quá hiểu nhau từ thời phổ thông thì sẽ dễ sống hơn so với việc ở ghép cùng một người bạn vừa quen”. Nguyễn Đại Dương (SV Trường ĐH Kinh tế TP.HCM)

 

“Mình từng ở ghép và bị người ở ghép lấy trộm đồ rồi tháo chạy. Theo mình, không nên ở ghép với những người không quen thân. Chỉ có thể ở cùng với những người cùng quê, cùng lớp, chứ một người lạ huơ lạ hoắc vào xin ở ghép thì nên từ chối thẳng thừng”. Trần Diệu Ân (SV Trường ĐH Hoa Sen)

 

“Ở các khu trọ càng dễ mất tài sản. Chính vì thế, mình vừa vào Sài Gòn đã ưu tiên việc tìm một nhà trọ an toàn, có camera theo dõi trên đường Hoàng Diệu 2, P.Linh Trung, Q.Thủ Đức”. Trương Hoàng Khoa (Tân SV Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

 

Theo TN