Chung tay vì cộng đồng không rác thải nhựa

(CTG) Sáng 28-9, tại TP Đà Nẵng, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) phối hợp với UBND TP Đà Nẵng tổ chức Tọa đàm “Chung tay vì một cộng đồng không rác thải nhựa: Trách nhiệm Nhà quản lý - Doanh nghiệp - Truyền thông”.

Tọa đàm "Cùng chung tay vì một cộng đồng không rác thải nhựa"

Sự kiện có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân và đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ TN-MT cùng lãnh đạo 11 tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Bình Định.

Ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường phát biểu tại tòa đàm

Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 1,8 triệu tấn nhựa được tạo ra nhưng chỉ 27% được tái chế. Trong năm qua, Việt Nam đối mặt với nguy cơ trở thành bãi tập kết rác toàn cầu với lượng rác thải nhựa tăng đến 200%.

Giai đoạn từ 1990- 2018, lượng nhựa tiêu thụ tính trên đầu người ở Việt Nam mỗi năm tăng mạnh từ 3,8kg trên mỗi đầu người lên mức 41,3 kg/người. Việc lạm dụng sử dụng túi ni lông khó phân hủy và các sản phẩm nhựa đặc biệt là đồ nhựa dùng một lần đã và đang để lại những hậu quả khôn lường.

Tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân cho biết: “Ô nhiễm rác thải nhựa là vấn đề có tính liên vùng, xuyên biên giới. Giải quyết vấn đề cần có sự chung tay của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp và từng người dân Việt Nam”.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cũng chỉ ra 5 vấn đề cần thực hiện, trong đó nhấn mạnh, đối với 28 tỉnh, thành phố có biển và các đơn vị tại các địa phương ven biển cần tăng cường hoạt động ra quân làm sạch môi trường tại các bãi biển, khu vực ven bờ. Trong đó tập trung vào việc thu gom, thu hồi các sản phẩm làm từ nhựa, bao bì, túi ni lông khó phân hủy và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định; tổ chức bàn giao bãi biển, khu vực ven bờ đã làm sạch cho các tổ chức, đơn vị có trách nhiệm quản lý để không tái diễn tình trạng ô nhiễm.

Tiểu phẩm Kẻ thù thầm lặng" của Hội LHPN TP Đà Nẵng đề cập thói quen xả rác bừa bãi của người dân

Cũng tại tọa đàm, bà Phạm Thu Hằng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết, một lượng lớn rác thải nhựa bị cuốn vào hệ thống sông ngòi, kênh rạch trôi ra biển. Việc thải bỏ, làm mất ngư cụ trong khai thác thủy sản và các hoạt động khác diễn ra trên biển chưa được kiểm soát. Thời gian qua, việc quản lý rác thải nhựa tại các hải đảo, khu du lịch biển, nhất là các bãi biển còn hạn chế. Việc xả rác thải nhựa bừa bãi cùng với một lượng lớn rác thải từ đại dương dạt vào các đảo, bãi tắm, đặc biệt trong mùa du lịch. Đây là vấn đề đáng báo động ở vùng ven biển và các hải đảo Việt Nam.

Được biết, trên thành phố Đà Nẵng, Phong trào “Chống rác thải nhựa” có sự hưởng ứng tích cực của các tổ chức, cộng đồng và người dân thành phố. Những doanh nghiệp chủ động tiên phong trong các sáng kiến, lồng ghép các hoạt động giảm thiểu nhựa dùng một lần vào chiến lược phát triển và coi đó là giá trị cốt lõi.

TP Đà Nẵng cam kết thực hiện kế hoạch hành động về Phong trào chống rác thải nhựa

Tuy vậy nhiều người cho rằng Phong trào mang tính hình thức, kêu gọi chung chung.

“Đà Nẵng xác định đây là một tiêu chí có ý nghĩa để hướng tới mục tiêu trở thành Thành phố môi trường. Do đó, trong các tiêu chí giai đoạn mới, thành phố bổ sung chỉ tiêu cụ thể về giảm rác thải nhựa, túi ni lông cần đạt được tại các cấp quận, huyện và sở, ngành. Đây sẽ là hoạt động xuyên suốt trong công tác bảo vệ môi trường của thành phố”, ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chia sẻ.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường trao kỷ niệm chương, giấy chứng nhân cho các nhà tài trợ

Tọa đàm đưa ra những vấn đề nóng tại một số địa phương, cùng với các giải pháp trong từng ngành, khu vực đặc biệt là thành phố Đà Nẵng- thành phố môi trường.

Theo SGGP