Chuyển đổi số: Tất yếu, phải làm nhưng coi chừng... sập bẫy

(CTG) Khi lượng dữ liệu tăng lên, các tổ chức rất dễ rơi vào cái bẫy là cố gắng đầu tư thật nhiều vào cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin.

 

Chưa bao giờ câu chuyện chuyển đổi số (digital transforming) được bàn luận thường xuyên và sôi nổi như thời gian qua. Đó là khi dịch COVID-19 ảnh hưởng tới mọi mặt đời sống, lệnh giãn cách xã hội được ban bố ở khắp nơi trên thế giới, khiến lượng người dùng online tăng mạnh và qua đó họ cũng sử dụng các dịch vụ trực tuyến nhiều hơn.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mỗi doanh nghiệp dù là startup hay đã trở thành “ông lớn” đều phải chuyển đổi số một cách khôn ngoan, phù hợp với xu hướng thị trường và hoàn cảnh của chính sản phẩm của mình.

Chuyển đổi số là tất yếu nhưng không phải lúc nào cũng là con đường bằng phẳng.

COVID-19 tạo ra những thứ chưa từng có tiền lệ

Ông Gaurav Arora - Trưởng bộ phận Hệ sinh thái Khởi nghiệp khu vực châu Á - Thái Bình Dương - Nhật Bản của Amazon Web Services (AWS) nhận định: Giai đoạn COVID-19 đầy thách thức vừa qua là thời điểm cho thấy rõ ràng nhất lợi ích của chuyển đổi số. Việc ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số đang diễn ra đặc biệt mạnh mẽ trong các ngành công nghệ tài chính (fintech) và thương mại điện tử.

“Ví dụ các nhà bán lẻ, doanh nghiệp giải trí và nhà hàng đang tranh đua áp dụng các công cụ kỹ thuật số để duy trì kết nối với khách hàng khi chưa thể mở cửa trở lại. Các ngành giáo dục và y tế cũng đã đón nhận các giải pháp kỹ thuật số theo những phương thức chưa từng có tiền lệ”, ông Gaurav Arora dẫn chứng.

Trong khi đó, trả lời câu hỏi “Việc chuyển đổi số quan trọng với doanh nghiệp như thế nào và làm thế nào để làm điều này hiệu quả?”, ông Phùng Tuấn Đức - Tổng Giám đốc (GM) Gojek Việt Nam bắt đầu từ việc kể lại câu chuyện của Gojek từ thời “trứng nước” cho tới lúc trở thành “kỳ lân” như hiện nay.

Gojek được thành lập ở Indonesia vào năm 2010, trong đó từ Gojek xuất phát từ “Ojek” (trong tiếng Bahasa của Indonesia có nghĩa là “xe ôm”) với xuất phát điểm dựa trên nền tảng xe 2 bánh. Đến nay, Gojek đã trở thành một trong những siêu kỳ lân đầu tiên của Indonesia nói riêng và Đông Nam Á nói chung, được định giá trên 10 tỉ USD.

Theo số liệu do ông Đức chia sẻ tại hội thảo “Đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số: Yếu tố thành công”, tính đến cuối năm 2019, ứng dụng và hệ sinh thái của Gojek đã được người dùng trên khắp Đông Nam Á tải xuống 170 triệu lần, tương ứng với số người dùng và đối tác khổng lồ: Gojek xử lý hơn 3 triệu đơn đặt hàng/ngày, tính trung bình hệ thống dữ liệu xử lý khoảng 35 đơn đặt hàng/giây.

Ông Phùng Tuấn Đức - Tổng Giám đốc (GM) Gojek Việt Nam.

Trên phạm vi Đông Nam Á, Gojek đang sử dụng công nghệ để kết nối 25 triệu người dùng, hơn 2 triệu đối tác tài xế, 500.000 đối tác nhà hàng và hơn 60.000 nhà cung cấp dịch vụ. Sự tồn tại và phát triển của Gojek phụ thuộc vào giá trị mà Gojek có thể mang lại cho hệ sinh thái.

Coi chừng rơi vào bẫy chuyển đổi số!

Trở lại câu chuyện chuyển đổi số, vị GM Gojek Việt Nam chia sẻ: “Gojek nắm bắt dữ liệu hành vi và giao dịch khổng lồ trên nhiều điểm tiếp xúc tương tác với khách hàng và trên tất cả các trải nghiệm số. Để thật sự tận dụng hết cơ hội này và mang lại trải nghiệm tốt hơn, Gojek đã thay đổi văn hóa, cách tư duy và tổ chức vận hành để khai thác triệt để lượng dữ liệu khổng lồ, chuyển hóa dữ liệu từ dạng thô thành những kiến thức và hiểu biết sâu sắc về khách hàng, đối tác, xoay quanh những mục tiêu kinh doanh cụ thể”.

Theo ông Phùng Tuấn Đức, đối với Gojek, chuyển đổi số là một quá trình tận dụng sức mạnh của công nghệ để trả lời câu hỏi: Làm thế nào chúng ta có thể sử dụng các dữ liệu định lượng và định tính để xác định xem chúng ta sẽ giải quyết các vấn đề nào của khách hàng, và phát triển hệ sinh thái theo hướng nào để giải quyết các vấn đề đó?.

“Khi lượng dữ liệu tăng lên, các tổ chức rất dễ rơi vào cái bẫy là cố gắng đầu tư vào nhiều cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hơn để tạo ra một số lượng ngày càng nhiều các dashboards (giao diện số - PV) và các màn hình theo dõi dữ liệu. Gojek tránh cái bẫy này bằng cách tập trung vào các vấn đề kinh doanh, chứ không tập trung vào sản phẩm hoặc dự án”, ông Đức nói và cho tiết lộ Gojek sử dụng quy trình đổi số “ngược”: Bắt đầu với các vấn đề kinh doanh, rồi mới thiết lập chiến lược sản phẩm, công nghệ, dữ liệu, thiết kế và kinh doanh xung quanh việc giải quyết vấn đề đó.

Còn nhớ tại buổi tọa đàm “Chuyển đổi số hay là chết” hồi cuối năm 2019, ông Vũ Minh Trí - CEO VNG Cloud từng chia sẻ các bài học từ Kodax và Instagram, qua đó phân tích những bước đột phá mà chuyển đổi số làm thay đổi nhận thức và thói quen người dùng. Theo ông Trí, bản chất của số hóa có 3 yếu tố chính là dữ liệu, phân tích được dữ liệu đó và cuối cùng là mang dữ liệu đi cùng khắp mọi nơi. Cũng theo ông, 85% công ty tham gia vào chuyển đổi số thất bại, trong khi đó chỉ có 5% là thành công.

“Chúng ta phải sẵn sàng nếu đại dịch trở lại”

Một minh chứng khác cho chuyển đổi số thành công là “ông trùm” làng công nghệ Việt Nam - Tập đoàn FPT. Định hướng chiến lược của FPT trong giai đoạn 2019 - 2021 là chuyển dịch từ nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin thành tập đoàn cung cấp giải pháp chuyển đổi số toàn diện. Hiện, FPT đã tạo ra những sản phẩm đáng tự hào như phương pháp luận Digital Kaizen, nền tảng công nghệ chuỗi khối akaChain,...

Startup Việt dù non trẻ cũng phải bắt đầu từ chuyển đổi số để không bị bỏ lại phía sau. Ông Trần Viết Quân - nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Tanca.io (sản phẩm đoạt giải khuyến khích Nhân tài Đất Việt 2019) đặc biệt chú trọng tới chuyển đổi số và ưu tiên tối ưu hóa chi phí bằng các giải pháp miễn phí. Theo đó, công ty tận dụng Trello, Telegram, Google Analytics… ở giai đoạn đầu cho mọi bộ phận, thử nghiệm khắt khe các công cụ chấm công, tính lương, tuyển dụng nhân viên, giao việc cho nhân viên cho tới phê duyệt giấy tờ.

Trước đó, vào tháng 5/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát động chiến dịch “Thúc đẩy chuyển đổi số bằng nền tảng điện toán đám mây Việt Nam”. Thông qua chiến dịch, Bộ Thông tin và Truyền thông hiệu triệu, kêu gọi toàn thể xã hội thực hiện chuyển đổi số nhanh hơn bằng nền tảng điện toán đám mây Việt Nam.

Tại lễ phát động, ông Vũ Minh Trí khi đó với vai trò là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Điện toán đám mây và Trung tâm dữ liệu Việt Nam từng chia sẻ: “Chúng ta phải sẵn sàng nếu đại dịch trở lại: Các doanh nghiệp phải sẵn sàng hoạt động trên nền tảng số. Làm sao để mỗi nhân viên của một công ty có thể làm việc, kết nối được với nhau. Làm sao để tương tác trực tuyến với nhà cung cấp, đối tác? Đó là những xu thế sẽ thay đổi rất nhiều cách thức hoạt động của các doanh nghiệp Việt hậu COVID-19!”.

Như vậy có thể thấy, với “cú hích” đến từ dịch COVID-19, chuyển đổi số sẽ diễn ra mạnh mẽ và toàn diện trên các lĩnh vực. Chuyển đổi số giúp các doanh nghiệp Việt Nam linh hoạt trong thay đổi mô hình hoạt động, tiết giảm chi phí, duy trì hoạt động để tồn tại và hồi phục mạnh mẽ sau khi dịch đã qua. Điều quan trọng là phải chọn đúng người đồng hành và đi đúng hướng.

Theo Dân Việt