Công nghệ 'phủ sóng' học đường: Để không bị công nghệ dẫn dắt

(CTG) Cho dù với mục đích học tập hay giải trí, thì việc sa đà vào các sản phẩm công nghệ, vào internet cũng đều gây ra hệ lụy nếu như học sinh, sinh viên chưa có đủ kiến thức và kỹ năng để sử dụng nó.

Học sinh, sinh viên cần được trang bị kỹ năng sử dụng công nghệ internet

Hiểu công nghệ mới có thể làm chủ

Ông Hồ Thanh Bình, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Bộ GD-ĐT, nhìn nhận trong bối cảnh công nghệ len lỏi vào từng ngõ ngách của mọi lĩnh vực, thì giáo dục cũng không nằm ngoài “hệ sinh thái” đó. “Chúng ta cần phải hiểu công nghệ là gì và nó có tác động như thế nào nếu ứng dụng vào việc dạy và học? Cần phải ứng dụng nó thế nào để mang lại hiệu quả và giá trị cao nhất về mặt giáo dục? Vì vậy, việc phân biệt thông tin hay kỹ năng tìm kiếm là mấu chốt của vấn đề ứng dụng công nghệ vào dạy và học. Rất cần các chuyên gia, các nghiên cứu để trước mắt có thể trang bị được kỹ năng tìm kiếm, nhận biết thông tin chính xác cho học sinh (HS), cách phân tích và xử lý thông tin, cách nhận biết các nguồn thông tin. Từ đó dần hình thành kỹ năng cho HS và sinh viên (SV)”, ông Bình nói.

Ông Bình cũng cho biết thêm hãy cứ tin rằng tiếp cận không có nghĩa là tiếp nhận, mà tiếp cận để phân biệt và chọn lọc. Trong thế giới thật cũng như thế giới ảo, cái tốt và xấu luôn song hành. Vấn đề là phải giúp HS-SV nhận biết được tác động tích cực và tiêu cực của công nghệ, internet đối với bản thân, việc học tập, làm việc là như thế nào. Khi có kiến thức và kỹ năng rồi thì việc tiếp nhận cái hay, loại bỏ cái dở là hoàn toàn nằm trong khả năng.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Phan, Trưởng bộ môn tâm lý giáo dục, Khoa Giáo dục, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng chúng ta chỉ nên coi điện thoại thông minh, iPad, máy tính, mạng xã hội, các công cụ tìm kiếm... như là một phương tiện hỗ trợ học tập cũng như công việc.

“Khi ứng dụng vào việc dạy và học thì cần phải xem xét các yếu tố lứa tuổi. Tuổi nào là phù hợp, mức độ như thế nào, có ảnh hưởng tới sức khỏe hay không? Ngày nay có quá nhiều trẻ bị cận thị do lạm dụng công nghệ như chơi game, người lớn thì bị mỏi mệt nếu tiếp xúc quá nhiều với mạng… Vì thế nên thận trọng. Và điều cần thiết là phải cung cấp nhận thức cho HS-SV cái hay, dở của công nghệ thì chúng ta mới có thể làm chủ được công nghệ trong học tập và làm việc”, tiến sĩ Phan nêu quan điểm.

Mới đây, Trường THPT Trương Định (Tiền Giang) tổ chức buổi học ngoại khóa chia sẻ cho HS cách tìm kiếm và chọn lọc, xử lý thông tin, cách nhận biết nguồn tin chính thống, chính xác... “Chúng tôi mong muốn các em hình thành kỹ năng sử dụng công nghệ, internet theo hướng tích cực, phù hợp với lứa tuổi của mình để học tập và giải trí hiệu quả”, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết.

Làm chủ chính mình

Theo ông Khúc Trung Kiên, Giám đốc Chương trình đào tạo lập trình viên Fast Track SE, nhất thiết phải hướng dẫn HS, bạn trẻ cách nhìn nhận về công nghệ trong thời đại này, áp dụng cái gì và áp dụng đến đâu, sử dụng vào mục đích gì thì tốt, mục đích gì sẽ tạo ra hệ lụy...

PGS-TS Nguyễn Thị Kim Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục và giao lưu quốc tế (thuộc ĐH Huế), cho biết: “Trong thời đại 4.0, HS cần được trang bị những kỹ năng cần thiết trong việc sử dụng máy tính, iPad, điện thoại di động, biết cách truy tìm tài liệu cũng như cách trao đổi thông tin qua mạng internet, cách học tập bằng online. Đó là những vấn đề về kỹ thuật. Nhưng bên cạnh đó cần phải định hướng cho các em cách khai thác thông tin, cách phân biệt đâu là tin có giá trị, đâu là tin giả, tin xấu. Cái thứ hai này rất quan trọng. Không được hướng dẫn về việc này sẽ dẫn đến những hậu quả không tốt”.

“Để không bị công nghệ dẫn dắt thì trước hết phải làm chủ công nghệ. Làm chủ về kỹ thuật là cần nhưng cần hơn làm chủ chính mình, làm chủ người sử dụng công nghệ. Cùng với việc cung cấp cho HS kiến thức và kỹ năng sử dụng công nghệ, rất cần hướng dẫn cho các em cách khai thác công nghệ sao cho hiệu quả”, TS Ngân cho biết thêm.

 

Theo TNO