Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần II: Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường sống

(CTG) Trong khuôn khổ chương trình Diễn đàn Tri thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ II, năm 2019, chiều nay 27/11, Diễn đàn đã chia thành 4 tổ thảo luận với các vấn đề được quan tâm. Trong đó, tổ thảo luận số 2 với chủ đề “Bảo vệ tài nguyên môi trường và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu” được nhiều đại biểu quan tâm.

 

Toàn cảnh tổ thảo luận số 2 về biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

Tại tổ thảo luận, các nhà khoa học, nghiên cứu trẻ tiên phong trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường đã thảo luận sôi nổi về các vấn đề: Thực trạng về biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường tại Việt Nam; Các giải pháp giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu tại Việt Nam; đưa ra đề xuất, khuyến nghị để đạt được mục tiêu phát triển bền vững…

Khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên

Theo Ts. Khưu Thùy Dương đưa ra những con số cảnh báo đáng lo ngại về biến đổi khí hậu: Trái đất đang nóng hơn bao giờ hết trong hơn 800.000 năm qua; phát thải khí nhà kính đang ở mức cao nhất mọi thời đại; hơn 1 triệu loài phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu sẽ không thể cứu vãn được vào năm 2030. Việt Nam hiện đang là 1 trong 10 quốc gia sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu; Việt Nam nằm trong 20 quốc gia có lượng rác thải nhựa không được xử lý, có 787 đô thị với 300.000 m3 nước thải ngày/đêm nhưng hầu hết chưa được xử lý.

Ts. Thùy Dương cho rằng: 97% nhà khoa học trên thế giới khẳng định, hoạt động sản xuất và phát triển kinh tế, xã hội của con người là nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu. Từ thực tế đó, Ts. Khưu Thùy Dương kêu gọi: “Chúng ta không muốn Trái đất kết thúc bởi biến đổi khí hậu, các loài bị tuyệt chủng, xã hội bị chia cắt. Nếu chỉ tập trung phát triển kinh tế thôi chưa đủ, chúng ta cần phải có sự công bằng xã hội và môi trường trong sạch”.

Đồng tình với những điều mà Ts. Khưu Thùy Dương đưa ra, anh Nguyễn Duy Tâm, nghiên cứu sinh tại Singapore cho rằng để bảo vệ tài nguyên môi trường, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu có hai xu hướng chính, gồm: Tiết kiệm năng lượng và tìm năng lượng mới, trong đó, có năng lượng tái tạo. Đưa ra nhận định năng lượng tái tạo dồi dào và theo đuổi năng lượng tái là sự cần thiết trong xu hướng hiện nay; tuy nhiên, theo anh Tâm, chúng ta không nên quá lạc quan vào tiềm năng của năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Bởi việc khai thác, sử dụng năng lượng tái tạo đều có mặt tính hai mặt lợi và hại. Ví dụ như khai thác năng lượng thủy điện gây tác động tới thiên nhiên như thay đổi dòng chảy, thay đổi chất lượng nguồn nước sinh hoạt; hay khai thác năng lượng mặt trời phải phụ thuộc thời tiết, có thể gây ra ô nhiễm nếu không cẩn thận trong khai thác sử dụng…

Anh Tâm đưa ra các giải pháp để khai thác và sử dụng có hiệu quả năng lượng tái tạo: Kết hợp các nguồn năng lượng với nhau; kết hợp công nghệ… Bên cạnh đó, để tăng nguồn năng lượng tái tạo, tận dụng các pin năng lượng mặt trời nổi và thủy điện nhỏ; hạ tầng truyền tải sẵn có; kết hợp năng lượng gió với thủy điện; năng lượng tái tạo có thể chuyển thành nhiên liệu sử dụng; kết hợp công nghệ để tái tạo nguồn năng lượng…

Nhiều nhóm giải pháp, nghiên cứu mới nhằm bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu được các Trí thức trẻ đưa ra tại Diễn đàn.

Ứng dụng công nghệ vào bảo vệ môi trường

Tại tổ thảo luận các đại biểu trí thức trẻ đã đưa ra nhiều nhóm giải pháp, nghiên cứu mới nhằm bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu như: Ứng dụng chế phẩm nano trong xử lý kim loại nặng ở môi trường nước; Chiết tách collagen từ vảy cá nước ngọt bằng phương pháp hóa sinh,..

Ứng dụng công nghệ trong xử lý phế thải vảy cá bằng phương pháp hóa sinh, chị Nguyễn Thúy Chinh, Viện kỹ thuật nhiệt đối, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng: Phế thải vảy cá có chứa collagen từ cá nước ngọt, vảy cá là nguồn tài nguyên rẻ, sẵn có và không lo bị khai thác cạn kiệt. Đặc biệt là nó làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, có ứng dụng trong sản phẩm y dược.

Việc ứng dụng công nghệ để chúng ta tinh lọc collagen trong trong vảy cá làm dẫn truyền thuốc, tăng tốc độ tan và sinh khả dụng của thuốc sử dụng đường uống; kéo dài giúp giảm số lần sử dụng thuốc trong ngày… Chị Nguyễn Thí Chinh dẫn chứng, Các nhà miễn dịch học của Mỹ chiết từ vẩy cá ra chất lekin cấy vào trong cơ thể những con chuột bị ung thư thì thấy các tế bào ung thư trong cơ thể những con chuột này bị tiêu biến. Do đó, các nhà miễn dịch học của Mỹ đã chiết xuất từ vảy cá chất lekin dùng để tiêu biến các tế bào ung thư. Do trong vảy cá có nhiều chất dinh dưỡng có tác dụng bảo vệ Sức Khỏe con người, nên ở một số nước trên thế giới đã dấy lên phong trào rầm rộ “điều trị bệnh bằng cách ăn vảy cá”…

Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ II, năm 2019 được tổ chức với sự tài trợ của Nhà tài trợ Kim cương: Vietnam Airline; Nhà Tài trợ Vàng: VietinBank và Đơn vị đồng hành là Công ty cổ phần Tập đoàn An Phát Holdings.

Hải Đăng