Đoàn kết tập hợp thanh niên thông qua tổ hợp tác, mô hình phát triển kinh tế

(CTG) Thời gian qua, các cấp bộ Đoàn trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã và đang triển khai nhiều mô hình, tổ hợp tác phát triển kinh tế trong đoàn viên, hội viên, thanh niên nhằm giải quyết việc làm tại chỗ, hỗ trợ cùng phát triển kinh tế, tạo thu nhập cho đoàn viên, hội viên, thanh niên tại địa phương, góp phần thu hút tập hợp thanh niên.

 

Mô hình tổ hợp tác nuôi bò.

Làm thế nào để công tác tập hợp đoàn viên, thanh niên đi vào chiều sâu, có hiệu quả? Làm thế nào để ngày càng có nhiều thanh niên tham gia và hoạt động trong tổ chức Đoàn, Hội? Vấn đề đặt ra là các cấp bộ Đoàn, Hội làm sao phải giúp cho thanh niên hiểu vai trò quan trọng của tổ chức đối với cá nhân nói riêng và xã hội nói chung, tác động vào lý tưởng của đoàn viên thanh niên, làm cho họ ngày càng yêu tổ chức, gắn bó và tự nguyện đứng trong và cống hiến nhiệt tình cho tổ chức; nhận thấy đi theo tổ chức Đoàn, Hội là một định hướng lý tưởng trên con đường lập thân lập nghiệp.

Song song đó, việc tổ chức sinh hoạt, tổ chức hoạt động của Đoàn, Hội gắn với việc chăm lo nhu cầu, lợi ích chính đáng của đoàn viên, hội viên, thanh niên, đặc biệt là việc phát triển nghề tại địa phương, giải quyết việc làm tại chỗ, tạo thu nhập cho đoàn viên, hội viên, thanh niên là việc làm hết sức cần thiết.

Thời gian qua, các cấp bộ Đoàn trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã và đang triển khai nhiều mô hình, tổ hợp tác phát triển kinh tế trong đoàn viên, hội viên, thanh niên nhằm giải quyết việc làm tại chỗ, hỗ trợ cùng phát triển kinh tế, tạo thu nhập cho đoàn viên, hội viên, thanh niên tại địa phương, góp phần thu hút tập hợp thanh niên. Tùy điều kiện tự nhiên tại mỗi nơi mà có các mô hình phù hợp như: Mô hình nuôi vọp tại địa bàn Huyện Duyên Hải; Tổ hợp tác trồng dừa sáp trên địa bàn huyện Cầu Kè. Cũng có mô hình được triển khai tại hầu hết các Huyện, Thị, Thành phố như mô hình nuôi bò sinh sản, bò vỗ béo, mô hình nuôi dê sinh sản, dê thương phẩm,...

Điển hình có các mô hình nổi bật mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình nuôi dê thương phẩm của Chi đoàn Khóm 5, Thị trấn Long Thành, huyện Duyên Hải, với có 05 đoàn viên tham gia; thu nhập bình quân 70tr/thành viên/năm. Tổ hợp tác nuôi ếch của Chi đoàn ấp Ô Tưng B, Xã Châu Điền, Huyện Cầu Kè, có có 03 đoàn viên, thanh niên tham gia,lợi nhuận mang lại khoảng 40 triệu đồng/năm/người (Từ hiệu quả của mô hình, Xã đoàn Châu Điền đã nhân rộng, vận động được thêm 10 thanh niên trong xã thực hiện mô hình nuôi ếch này nhằm phát triển kinh tế gia đình cho bản thân đoàn viên, thanh niên).Hay Mô hình “Rửa xe tập thể” của Đoàn Phường 6, thành phố Trà Vinh và Đoàn phường 2, Thị xã Duyên Hải, tạo thu nhập mỗi tháng trung bình 4.000.000 đồng/người.

Mô hình tổ hợp tác nuôi dê.

Từ kết quả bước đầu cho thấy xây dựng các tổ hợp tác, mô hình phát triển kinh tế trong đoàn viên, hội viên, thanh niên là một giải pháp hiệu quả, có thể giải quyết đồng thời nhiều vấn đề trong phát triển kinh tế nói chung và trong công tác đoàn kết tập hợp thanh niên nói riêng. Thông qua mô hình, tổ hợp tác, đoàn viên, thanh niên có thể tương trợ nhau trong phát triển kinh tế, tạo thu nhập cho bản thân và gia đình. Quan trọng hơn là khi kết hợp hài hòa giữa hoạt động sinh hoạt chi đoàn và hoạt động phát triển kinh tế thì công tác đoàn kết tập hợp thanh niên sẽ thuận lợi hơn. công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng vì thế dễ đi vào nhận thức của đoàn viên, thanh niên./.

Tỉnh Đoàn Trà Vinh