Đồng hành cùng thanh niên phát triển kinh tế

(CTG) Từ thế mạnh của địa phương, gia đình và được sự quan tâm, đồng hành của tổ chức đoàn thanh niên, hội liên hiệp thanh niên (LHTN), thanh niên Kiến Xương đã lựa chọn và phát triển các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện, khả năng của mình, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Mô hình nuôi ong lấy mật và trồng cây ăn quả của Triều cho thu lãi hơn 400 triệu đồng/năm.

Anh Bùi Quang Triều là một trong những thanh niên năng động trong phát triển kinh tế ở xã Vũ Quý. Trước đây, trên diện tích 5ha, gia đình anh trồng cây ăn quả, hoa các loại, chăn nuôi nhưng thu nhập không cao. Khi tiếp quản trang trại, nhận thấy cây ăn quả có nguồn phấn hoa phong phú, ngoài ra các loại cây hoa từ tự nhiên cũng là nguồn phấn hoa quý nên anh đã phát triển đàn ong lấy mật.

Anh Triều cho biết: Hiện nay tôi đang tập trung nuôi 50 - 60 đàn ong lấy mật nội địa trong 60 - 100 thùng nuôi. Mỗi năm thu mật hai vụ. Trong vụ chính tôi thu về từ 7 - 10 lít mật/thùng với giá bán lẻ từ 250.000 đồng/lít trở lên. Ngoài ra tôi còn cung cấp ong giống cho người chăn nuôi và đến mùa thu hoạch hoa quả thì tôi liên kết với các thương lái đến tận vườn thu mua. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí còn thu lãi hơn 400 triệu đồng. Nguồn thu từ ong mật cao hơn nhiều so với cây ăn quả, cuộc sống của gia đình khá giả hơn trước.

Huyện Kiến Xương hiện có hơn 200 mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi ở nhiều ngành, nghề khác nhau.

Cũng như anh Triều, nhiều thanh niên Kiến Xương đã phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, đi đầu trong việc tiếp thu ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ, giúp đỡ nhau về vốn, kiến thức, kinh nghiệm sản xuất. Toàn huyện đã có hơn 200 đoàn viên, hội viên có mô hình làm kinh tế giỏi ở nhiều ngành, nghề: trang trại, gia trại, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, đồ gỗ nội thất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ... Nhiều câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp hoạt động hiệu quả như tại các xã: Bình Định, Thanh Tân, Vũ Quý...

Anh Trương Văn Chinh, Bí thư Huyện đoàn, Chủ tịch Hội LHTN huyện Kiến Xương cho biết: Xác định hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp, giải quyết việc làm là nhiệm vụ trọng tâm của công tác đoàn, hội, thời gian qua, Hội LHTN huyện đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực đồng hành và hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp. Trong đó, tập trung triển khai có hiệu quả chương trình “Thanh niên Thái Bình khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2022”, nhất là trong giai đoạn đầu của chương trình, Hội LHTN huyện đã tích cực trong công tác tuyên truyền trên Đài TTTH huyện, đài truyền thanh các xã, thị trấn khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên. Hàng năm, các cấp hội khảo sát, nắm bắt nhu cầu học tập, nghề nghiệp và việc làm của thanh niên, thường xuyên tổ chức cho thanh niên đi tham quan, học tập các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả ở trong và ngoài huyện, từ đó khuyến khích thanh niên phát huy đam mê, mạnh dạn khai thác những tiềm năng kinh tế trên chính địa phương mình. Ngoài ra, Hội LHTN huyện đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức các lớp tập huấn khởi sự doanh nghiệp; hỗ trợ thanh niên về vốn phát triển kinh tế; mở các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho thanh niên...

5 năm qua, Hội LHTN huyện đã tổ chức 9 lớp tập huấn khởi sự doanh nghiệp cho hơn 500 lượt thanh niên có nhu cầu khởi nghiệp tham gia, 15 đợt tư vấn hướng nghiệp cho 10.000 lượt thanh niên, tư vấn giới thiệu việc làm cho trên 1.100 thanh niên; hơn 400 hộ đoàn viên, hội viên được vay 13 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để phát triển kinh tế; hàng năm hỗ trợ ít nhất 10 mô hình thanh niên khởi nghiệp về giống, vốn, khoa học kỹ thuật. Các hoạt động hỗ trợ của tổ chức đoàn, hội tạo điều kiện thuận lợi giúp đoàn viên, thanh niên có điều kiện học tập, phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

 

Theo Báo Thái Bình