Gia đình dấu yêu: Dạy con làm bếp

(CTG) Chị bạn thân của tôi có hai con, một trai một gái đang học THCS nhưng đứa nào cũng có thể nấu cơm thay mẹ, dù chỉ là những món cơ bản hằng ngày nhưng việc này không nhiều đứa trẻ cùng độ tuổi có thể làm được.

Minh họa: Văn Nguyễn

Chị bảo, khi chị dạy con làm bếp, lúc đầu chẳng đứa nào thích thú với công việc ấy, bọn trẻ càng mau nản khi món ăn nấu xong không ngon, nhão, khét, mặn, nhạt đủ kiểu. Dù vậy, chị vẫn liên tục khen ngợi và động viên chúng nên dần dần, bọn trẻ thấy việc nấu ăn như một niềm vui và “thành quả” cũng tiến bộ nhiều. Nhiều hôm đi làm về trễ, chị chẳng phải bận tâm như các chị em khác vì đã có hai con chu tất từ việc đi chợ, nấu cơm đến dọn rửa.

Tôi quen nhiều cô gái trẻ, xinh có, bình thường có, giỏi giang có, năng lực trung bình cũng có nhưng hầu hết họ không thích nấu ăn, quan điểm chung của các cô là sau này lập gia đình chưa biết có thay đổi không nhưng trước mắt là không muốn xem nấu ăn như một việc bắt buộc. Đa số họ không ngại khó khăn, áp lực của việc đi làm kiếm tiền nhưng không thích nấu ăn chỉ đơn giản là vì không thích chứ chẳng có lý do gì. Một số ít vào bếp là để tự mày mò chế biến những món mình thích chứ không xem đó là một kỹ năng mà mình nên có. Chưa kể, các dịch vụ giao thức ăn tận nơi đang mọc lên như nấm với đủ hình thức khuyến mãi hấp dẫn cũng là lý do khiến các nàng không muốn tập trung cho việc nấu nướng với lý lẽ “thời gian đó dùng để kiếm tiền nhiều hơn”...

Dạy con làm bếp không chỉ là dạy kỹ năng lấp đầy bao tử bằng những món ăn từ đơn giản đến cầu kỳ mà còn là dạy con thói quen vén khéo, sắp xếp nhà cửa, bếp núc gọn gàng, sạch sẽ. Sâu xa hơn là thông qua việc đi chợ, bếp núc, các mẹ còn dạy con kỹ năng tính toán, cân đối chi tiêu, cân bằng dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe cho cả nhà bằng chế độ thực phẩm lành mạnh, phù hợp với tài chính gia đình. Không nên câu nệ chuyện con gái mới nên học nấu ăn khi vai trò của đàn ông và phụ nữ trong gia đình theo sự phân công của xã hội hiện nay xem chừng chẳng mấy khác biệt. Nếu các mẹ dạy con trai làm việc nhà từ nhỏ, kể cả việc bếp núc, ắt tư tưởng “việc nhà là việc của đàn bà” sẽ không nằm trong tư tưởng của cậu khi lớn lên cũng như cậu sẽ thấy việc bếp núc là bình thường khi chia sẻ với vợ.

Thời nay, phụ nữ giỏi giang có thể kiếm tiền xây nhà không hiếm, nhưng không thể xem là thành công nếu họ không tạo dựng được mái ấm cho mình theo đúng nghĩa “đàn ông xây nhà đàn bà xây tổ ấm”. Một người vợ, người mẹ giỏi kiếm tiền nhưng cả nhà chỉ biết ăn cơm ngoài, cơm hộp hoặc lệ thuộc vào chị giúp việc chưa hẳn đã hay, chưa kể hình ảnh người phụ nữ “cai quản” gian bếp của mình lung linh trong mắt ông chồng và lũ con hơn bao giờ hết. Đó cũng là thông điệp để dạy con thông qua việc bếp núc.

Theo TN