Góp sức trẻ dựng xây đất nước

(CTG) Luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn, tích cực tham gia hoạt động vì cộng đồng là cách các bạn trẻ góp phần xây dựng đất nước. Họ cũng chính là những tấm gương điển hình trong thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Truyền lửa nhiệt huyết

Tốt nghiệp khoa Vật lý kỹ thuật (trường Đại học Bách khoa Hà Nội) và hiện là kĩ sư kiểm định thiết bị điện, điện tử, công việc bận rộn nhưng Nguyễn Hoàng Chí Linh vẫn dành nhiều thời gian cho công tác Đoàn. Hiện anh đang là Bí thư chi đoàn Đại Kim (Định Công 1, Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội).

Linh bén duyên với công tác Đoàn ở khu dân cư qua người chú trong gia đình. Khi đó, Chi đoàn Đại Kim mới được thành lập nên gặp nhiều khó khăn về công tác tổ chức cũng như thu hút thanh niên. Biết Linh là người có kinh nghiệm khi luôn năng nổ tham gia công tác Đoàn ở trường nên người chú ngỏ ý muốn chàng trai trẻ giúp đỡ. Linh nhận lời rồi gắn bó với Chi đoàn từ ngày đó và đến giờ đã được 5 năm.

Nguyễn Hoàng Chí Linh

Với sự năng nổ, nhiệt tình Linh nhanh chóng được tín nhiệm bầu làm Bí thư chi đoàn Đại Kim. Được truyền cảm hứng từ sự nhiệt huyết của người chú, chàng trai trẻ quyết tâm cùng đoàn viên phát triển Chi đoàn còn non trẻ thế nhưng mọi việc chẳng dễ dàng. Khó khăn nhất với Linh khi đó là công tác vận động và phát triển đoàn viên.

“Đại Kim là khu dân cư mới nên sự gắn kết giữa người dân chưa cao. Vì thế, khi mình đi vận động thanh niên tham gia công tác Đoàn, họ cảm thấy khá lạ lẫm Khi đó, mình đã nghĩ cần các sự kiện để mọi người giao lưu, hiểu biết lẫn nhau. Vì vậy, mình mời họ cùng tham gia tổ chức các sự kiện của Đoàn. Quá trình tập luyện, chuẩn bị đã có sự bất đồng nhưng dần dần mọi người chia sẻ, giúp đỡ nhau nên gắn kết hơn” – Linh chia sẻ.

Đặc biệt, chàng trai trẻ có sáng kiến thành lập đội lân để vừa phục vụ nhân dân khu dân cư vừa giải quyết bài toán kinh phí cho chi đoàn. Theo Linh, các bạn trẻ ngày nay rất năng động, có năng khiếu và tố chất thủ lĩnh, vận động được những bạn này cùng tham gia sẽ tạo nền tảng vững chắc cho chi đoàn.

Vì thế, Linh chủ động tham mưu với cấp ủy ủng hộ, đầu tư mua lân sư và thành lập câu lạc bộ với số lượng là 8 thành viên. Ban đầu, chưa có kinh nghiệm nên câu lạc bộ chủ yếu phục vụ người dân trong khu dân cư và các dịp như Tết Trung thu, Tết thiếu nhi… Tiền biểu diễn được chi đoàn quản lý và tiếp tục tái đầu tư.

Khi phong trào lan tỏa, thu hút nhiều bạn trẻ tham gia hơn, câu lạc bộ đã hoạt động có kế hoạch. Các thành viên lên mạng internet tìm kiếm các clip và tập luyện theo. Vì vậy, họ không chỉ phục vụ trong khu dân cư Đại Kim mà được nhiều đơn vị khác trong phường mời biểu diễn. Nếu mùa đầu tiền biểu diễn chỉ có 2 triệu đồng thì năm 2018, câu lạc bộ thu về 40 triệu đồng. Từ nguồn quỹ này, Linh và Ban chấp hành chi đoàn đã có điều kiện thực hiện nhiều chương trình quy mô chuyên nghiệp hơn, phục vụ nhân dân và thanh thiếu nhi trong khu dân cư: khai mạc, tổng kết hè, lễ hội Trăng rằm…

Làm giàu trên quê hương

Nguyễn Minh Sơn, Bí thư chi đoàn thôn Bặt Ngõ (xã Liên Bạt, Ứng Hòa, Hà Nội) cũng là người rất năng động, khiến nhiều người nể phục. Sơn không chỉ năng nổ tham gia công tác Đoàn mà còn làm kinh tế giỏi, tạo việc làm cho nhiều lao động.

Nguyễn Minh Sơn

Tốt nghiệp khoa Cơ Điện, trường Cao đẳng Bách khoa Hà Nội, Sơn đã thử sức ở nhiều công việc khác nhau trong đó có lĩnh vực bất động sản. Công việc này mang lại thu nhập rất tốt nhưng gia đình neo người bố mẹ muốn anh trở về quản lý công việc kinh doanh vận tải của gia đình. Năm 2014, Sơn quyết định về quê nhưng việc kinh doanh vận tải của gia đình lại đi xuống. Phải làm việc gì để tạo lập sự nghiêp riêng cho bản thân là câu hỏi khó với chàng trai sinh năm 1994 khi đó.

Sơn lên mạng tìm hiểu về những mô hình khởi nghiệp của thanh niên nông thôn để có hướng đi. Tình cờ anh gặp được người quen của gia đình hiện đang làm việc tại bộ phận kỹ thuật của công ty về thức ăn chăn nuôi. Qua gợi ý của người này, Sơn tìm hiểu và bàn bạc với gia đình đấu thầu 30 mẫu đất để xây dựng trang trại chăn nuôi tổng hợp. Tuy nhiên, đây là vùng úng trũng, khó cải tạo mà bà con trong thôn để hoang hóa từ lâu. Vì thế, Sơn và gia đình phải đầu tư không ít tiền của để cải tạo khu vực này.

“Thời gian đầu mọi thứ cứ rối tung lên vì mình chưa hề có kinh nghiệm trong nông nghiệp cũng như chăn nuôi. Hầu như mọi thứ mình đều phải đi hỏi anh em, bạn bè. May mắn, mình nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ mọi người” – Sơn chia sẻ.

Để có bước đi chắn chắn, Sơn hợp tác với Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam theo mô hình khép kín để có đầu ra ổn định cho lợn thương phẩm. Đặc biệt, với người chưa có kinh nghiệm như Sơn, việc hợp tác này giúp anh nhận sự hỗ trợ đắc lực về kỹ thuật và thức ăn chăn nuôi. Vì thế, ngay năm đầu tiên Sơn đã có lãi. “Thừa thắng xông lên”, anh mạnh dạn đầu tư đào ao nuôi cá kết hợp với dịch vụ hồ câu. Bên cạnh đó, anh cũng thử nghiệm chăn nuôi lợn nái để tận dụng diện tích trang trại và tăng thêm thu nhập.

Thế nhưng, còn non kinh nghiệm lại mở rộng việc chăn nuôi vội vàng khiến Sơn gặp không ít khó khăn, nhất là đầu ra cho sản phẩm. Mặt khác, bệnh dịch bùng phát khiến giá cả lên xuống đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc chăn nuôi. “Có thời điểm mình mất đến cả trăm triệu đồng. Khi đó, mình càng thấm thía việc chăn nuôi phải hết sức khoa học và cần áp dụng kỹ thuật tiên tiến” – Sơn cho biết.

Vì thế, Sơn chủ động tìm tòi, quy hoạch, mở rộng chuồng trại và chăn nuôi theo hướng chuyên nghiệp hơn. Những tháng đầu năm 2019, dịch tả lợn châu Phi bùng phát đã ảnh hưởng lớn tới những người chăn nuôi như Sơn. Tuy nhiên, chàng trai trẻ đã bình tĩnh xử lý từng khâu để trang trại không bị thiệt hại quá lớn, đồng thời tập trung nhiều hơn vào việc nuôi cá và dịch vụ hồ câu. Vì thế, anh vẫn tạo việc làm ổn định cho 20 lao động. Trong đó, nhân viên là kỹ sư có thu nhập từ 7-8 triệu đồng/ tháng.

 

Theo TTTĐ