Hàng loạt chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 8/2019

(CTG) Lãnh đạo bố trí người thân làm kế toán, quản lý nhân sự sẽ bị cách chức; Tù nhân cứu người hoặc tài sản trên 50 triệu đồng được đề nghị đặc xá… là những chính sách có hiệu lực từ tháng 8/2019.

 

Lãnh đạo bố trí người thân làm kế toán, quản lý nhân sự… bị cách chức

Nội dung đáng chú ý này được đề cập tại Nghị định 59/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng, chống tham nhũng 2018.

Bố trí người thân quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ… trong cơ quan, lãnh đạo sẽ bị cách chức. Ảnh minh họa.

Theo đó, sẽ kỷ luật cảnh cáo người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị lần đầu có hành vi bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị…

Trường hợp đã bị cảnh cáo mà còn tiếp tục vi phạm, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu sẽ bị cách chức.

Nghị định này được Chính phủ ban hành ngày 01/07/2019, có hiệu lực từ ngày 15/08/2019.

Tù nhân cứu người hoặc tài sản trên 50 triệu đồng được đề nghị đặc xá

Từ ngày 01/8/2019, người bị kết án phạt tù cứu được tính mạng người khác hoặc tài sản lớn có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên trong thiên tai, hỏa hoạn sẽ được đề nghị đặc xá theo Nghị định 52/2019/NĐ-CP.

Ngoài ra, một số trường hợp lập công lớn khác cũng được đề nghị đặc xá như giúp trại giam, cơ quan thi hành án hình sự, tố tụng hình sự phát hiện, truy bắt, điều tra và xử lý tội phạm; có phát minh, sáng kiến có giá trị lớn hoặc thành tích đặc biệt xuất sắc khác.

Tù nhân được xem xét đặc xá khi cứu người hoặc tài sản trên 50 triệu đồng trong thiên tai, hỏa hoạn. Ảnh minh họa CAND.

Ép khách du lịch mua hàng, phạt tới 3 triệu đồng

Nghị định 45/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/8/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch. Theo đó, cá nhân có hành vi nài ép khách du lịch mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ sẽ bị phạt từ 01 - 03 triệu đồng:

Cùng nhóm với hành vi vi phạm hoạt động kinh doanh này, một số hành vi khác cũng có thể bị xử phạt như:

Phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng nếu thu lợi bất hợp pháp từ khách du lịch, không thông báo kịp thời cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi phát hiện tai nạn hoặc rủi ro, sự cố xảy ra với khách du lịch.

Phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng nếu không phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc cứu hộ, cứu nạn cho khách du lịch…

Các mức phạt nêu trên sẽ gấp 02 lần nếu do tổ chức thực hiện.

Chơi thô bạo trong thi đấu thể thao bị phạt đến 25 triệu đồng

Chính phủ đã ban hành Nghị định 46/2019/NĐ-CP về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao, có hiệu lực từ ngày 01/8/2019.

Cụ thể, người nào có hành vi chửi bới, lăng mạ, xúc phạm nhân phẩm, danh dự; phản ứng không phù hợp với đạo đức, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam khi tham gia hoạt động thể thao sẽ bị phạt tiền từ 15 - 20 triệu đồng và phải xin lỗi công khai đối với hành vi của mình.

Mức phạt tối đa trong lĩnh vực thể thao được quy định tại Nghị định này là 50 triệu đồng với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức.

Chơi thô bạo trong thể thao có thể bị phạt tới 25 triệu đồng. Ảnh minh họa: Vietnam Wrestling.

Thêm trường hợp thanh toán trực tiếp chi phí khám, chữa bệnh BHYT

Đây là nội dung đáng chú ý nêu tại Thông tư 09/2019/TT-BYT hướng dẫn một số nội dung trong công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT).

Từ ngày 01/8/2019, sẽ có thêm 03 trường hợp người có thẻ BHYT được thanh toán trực tiếp chi phí khám, chữa bệnh:

Người có thời gian tham gia BHYT 05 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 06 tháng lương cơ sở (8,94 triệu đồng) (trừ trường hợp tự đi khám, chữa bệnh không đúng tuyến) nhưng chưa được thanh toán số tiền cùng chi trả lớn hơn 06 tháng lương cơ sở;

Dữ liệu thẻ BHYT không được cung cấp hoặc cung cấp không chính xác thông tin thẻ BHYT;

Người bệnh không xuất trình được thẻ BHYT trước khi ra viện, chuyển viện trong ngày do cấp cứu, mất ý thức, tử vong hoặc bị mất thẻ nhưng chưa được cấp lại.

Tăng trợ cấp, phụ cấp của người có công với cách mạng

Nghị định 58/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/8/2019 quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng.

Theo dó, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh: Trợ cấp tối thiểu 1,094 triệu đồng, tối đa 5,207 triệu đồng.

Thương binh loại B: Trợ cấp tối thiểu 904.000 đồng, tối đa 4,308 triệu đồng; Thương binh, thương binh loại B suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên có vết thương đặc biệt nặng: Phụ cấp 1,67 triệu đồng;

Bệnh binh: Trợ cấp tối thiểu 1,695 triệu đồng, tối đa 2,086 triệu đồng…

Theo Dân Việt