Hè đừng bắt con học thêm cái này, cái nọ

(CTG) Chuyến tàu mang tên mùa hè đã lăn bánh hơn nửa tháng. Nhiều kế hoạch cho một mùa hè vừa an vừa lành tiếp tục được phụ huynh chia sẻ khi hỏi han nhau: mùa hè này anh/chị đưa con đi đâu, làm gì?

 

Hè này ba mẹ cho bé Tít về quê dọc bùn ở biển Diễn Thành, Nghệ An - Ảnh: T.T.Dung

Và để đi tiếp những ngày hè nắng rực rỡ, phụ huynh vẫn cần đồng hành toàn tâm với con...

Về quê nội, quê ngoại

Hoàng, con của anh Thắng, chị Tiếng ở Bình Chánh (TP.HCM), năm nay lên lớp 11. Sau khi có kết quả cuối năm học, chị Tiếng hỏi "con muốn thưởng gì?". Hoàng cho biết "muốn về ngoại".

Cậu thiếu niên 16 tuổi thích quê ngoại (Quảng Nam), từ nhỏ đã có 4 năm được ba mẹ gửi về ngoại vì cả hai vợ chồng anh chị thời đó khó khăn, làm công nhân nên không thể cho con đi nhà trẻ. Tuổi thơ Hoàng trôi qua êm đềm nơi ruộng đồng. Đến lúc Hoàng vào mẫu giáo, ba mẹ tương đối ổn, mua được miếng đất cất nhà ở vùng ven TP.HCM rồi đón con vào.

Ký ức tuổi thơ đó luôn khiến Hoàng "muốn về quê mỗi khi có dịp, con thích lắm". Mọi năm Hoàng còn nhỏ nên anh chị phải cắt cử đưa về, năm nay bạn tương đối lớn, "nhổ giò" thành thanh niên nên ba mẹ gửi con về quê theo xe chạy tuyến Quảng Nam - Sài Gòn gần nhà. Theo anh Thắng, đó cũng là cách để con tự lập, trưởng thành nhờ trải nghiệm một mình về thăm ngoại.

Trong khi đó, Hải và Nam, con trai của vợ chồng anh Hậu - chị Dung (ở tại Bình Dương), cũng được về quê nội ở Thái Bình. Con mới lớp 6 và lớp 8, nên anh Hậu đưa con về. Hành trình của ba bố con mất hai ngày bằng tàu và cũng là dịp anh giới thiệu cho con biết từng vùng đất khi tàu lăn bánh qua.

Về quê Thái Bình của bố, Hải và Nam kể hai em rất thích, một phần lớn là bởi như lời chị Dung chia sẻ: "Tình cảm bà - cháu tuy xa mặt nhưng không xa lòng. Các cháu rất quý ông bà nội vì được gần gũi từ nhỏ, được ba mẹ kết nối qua những cuộc điện thoại, thường xuyên nghe kể về quê nội - ngoại".

Chỉ có chúng ta tạm dừng công việc, công việc chẳng bao giờ rời bỏ chúng ta. Nếu cha mẹ cứ lấy lý do công việc, thời gian và kinh tế rồi mất dần sự kết nối với con, rồi đẩy con vào guồng quay cô đơn, tẻ nhạt của những bài học không khác gì trong năm học thì đừng trách sao con mình ngỗ nghịch, con không nghe lời cha mẹ.

ThS Võ Hồng Tâm

Những bài học ngoài trang sách

Không có quê nội, quê ngoại xa để về, con trai chị Thanh An ở quận Bình Thạnh (TP.HCM) được mẹ cho đi học bơi. Với gia đình anh Minh Hùng ở quận Thủ Đức thì ngoài việc đưa con đến lớp dạy nhạc của một thầy giáo quen, họ còn cho con tham gia các hoạt động vui chơi, học võ mỗi tối ở trung tâm văn hóa quận, lên lịch cho đi bơi, xem phim hoạt hình ở rạp...

Ngoài ra, anh Hùng còn "rủ rê" con đến một vài trung tâm nuôi dưỡng trẻ mô côi, người già neo đơn để chia sẻ, giúp con hiểu về cuộc sống muôn màu xung quanh.

"Những đứa trẻ cần được gieo những điều lành, khơi gợi lòng trắc ẩn để trở thành người tốt, chứ không chỉ có học kiến thức khoa học" - anh Hùng xem đó là sự giáo dưỡng tâm hồn giúp con mình phát triển trọn vẹn.

Chia sẻ với Tổ ấm, ThS tâm lý Võ Hồng Tâm, đại diện miền Nam của Trung tâm Sức khỏe gia đình và phát triển cộng đồng - CFC, gợi ý phụ huynh vài cách tổ chức một mùa hè ý nghĩa cho con trẻ như: "Các chương trình hè thú vị đính kèm các hoạt động dã ngoại, ngoài trời, vận động, tìm hiểu thiên nhiên... toàn với mức phí hàng triệu, thậm chí lên đến 20 - 30 triệu đồng, thời gian lại ngắn hạn, không phải phụ huynh nào cũng đủ điều kiện để đăng ký cho con.

Vậy nên theo tôi, hè dù thú vị đến đâu cũng không bằng sự kết nối giữa gia đình và con trẻ. Tùy vào hoàn cảnh, kinh tế mà thiết kế cho con mùa hè phù hợp nhất.

Cho con tham gia các trại hè được thì quá tốt. Bất đắc dĩ không ai chăm con, cũng không đủ chi phí để tham dự trại hè nào, phải gửi con ở trung tâm học hè nào đó cả ngày cũng nên tìm hiểu xem trung tâm đó học nhiều hay chơi nhiều? Nếu học thì học những gì? Học ra sao?...".

Ngoài ra, theo ThS Tâm, ngày cuối tuần, các bậc cha mẹ nên dành thời gian cho con nhiều hơn, dẫn con xem phim, đi bơi hoặc cả nhà có thể cùng nấu món con yêu thích, để con trở thành bếp phó, "đừng bắt con phải học thêm cái này, học thêm cái kia, rồi còn làm bài tập thêm khi về nhà.

Cũng hạn chế trao cho các em chiếc điện thoại thông minh, iPad chỉ để các em giết thời gian. Các em cần có một mùa hè với thiên nhiên, cây cỏ; với khí trời và những buổi tiệc vui bên cạnh người thân, bạn bè"...

Theo TT