Học sinh lớp 9 sáng tạo mô hình dọn rác dưới đáy biển

(CTG) Thời gian gần đây, phong trào bảo vệ môi trường được giới trẻ tích cực tham gia bằng nhiều hình thức, cách làm thiết thực. Sáng chế ra thiết bị dọn rác trên biển là cách mà một nhóm học sinh Trường THCS Lý Tự Trọng (TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) thực hiện để góp phần bảo vệ môi trường.

Đó là mô hình “Thiết bị dọn rác dưới đáy biển” do nhóm tác giả: Lê Hoàng Hương Thảo, Trần Hồng Long, Tô Cảnh Mạnh, Nguyễn Thu Trang (học sinh lớp 9A1, Trường THCS Lý Tự Trọng, TP Cẩm Phả), thực hiện.

Em Lê Hoàng Hương Thảo, nhóm trưởng, cho biết: Rác thải là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường nước. Xem trên ti vi, sách báo, chúng em thấy có nhiều thiết bị thu gom rác nổi trên mặt biển. Vậy rác ở tầng lơ lửng, rồi ở dưới đáy biển thì sao? Trong khi rác ở những tầng nước này khá nhiều, gây ô nhiễm và khiến rất nhiều động, thực vật bị ảnh hưởng. Do đó, chúng em quyết định thực hiện một mô hình có thể thu gom rác ở dưới đáy biển. Suốt mùa hè vừa qua, nhóm chúng em trăn trở với đề tài này, cuối cùng cũng hoàn thành sau 6 tuần với không ít lần phải làm lại mô hình.

Nhóm tác giả mô hình "Thiết bị dọn rác dưới đáy biển".

Mô hình “Thiết bị dọn rác dưới đáy biển” của nhóm bạn nhỏ được làm bằng những vật liệu đơn giản, dễ tìm. Thiết bị có 3 chế độ hoạt động: Thu gom rác trên mặt nước; thu gom rác lơ lửng ở dưới nước; thu gom rác dưới đáy biển. Cơ chế chung của thiết bị là sử dụng bảng điều khiển, 2 động cơ đẩy để thiết bị nổi, dừng ở độ sâu thích hợp hoặc chìm sát dưới đáy biển và thu gom rác vào giỏ. “Chúng em vận dụng kiến thức về vật lý để thiết kế, thực hiện mô hình. Vấn đề nào khó, chưa được học chúng em liền hỏi thầy cô giáo. Khi làm mô hình, chúng em cũng phải làm đi làm lại mấy lần mới thành công...” - em Trần Hồng Long chia sẻ.

Khi đã hoàn thành mô hình, nhóm tác giả cho chạy thử nghiệm ở bể bơi của Trường THCS Lý Tự Trọng và thấy rằng thiết bị có thể thu gom rác trên mặt, trong lòng và dưới đáy bể bơi. Trọng lượng riêng của thiết bị tương đương trọng lượng riêng của nước. Hai động cơ thẳng đứng giúp cho thiết bị có thể chuyển động lên, xuống, nổi lên mặt nước, lặn xuống đáy bể dễ dàng. Em Tô Cảnh Mạnh khẳng định: Sau khi quan sát hoạt động của thiết bị, em nghĩ có thể triển khai rộng trên thực tế nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường nước, giúp nâng cao năng suất thu gom rác dưới đáy biển, ao, hồ...

Bảng giới thiệu về mô hình "Thiết bị dọn rác dưới đáy biển"

tham gia Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Quảng Ninh lần thứ V-2019

 

Cô giáo Đỗ Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng, TP Cẩm Phả, cho biết: Giáo dục, xây dựng ý thức bảo vệ môi trường luôn được nhà trường chú trọng triển khai trong chương trình chính khóa cũng như ngoại khóa để các em học sinh trong trường hình thành và có ý thức tốt trong hoạt động này. Đối với phong trào nghiên cứu, sáng tạo kỹ thuật, nhà trường cũng luôn tạo điều kiện để các thầy, cô giáo và các em học sinh tham gia, thực hiện. Đề tài “Thiết bị dọn rác dưới đáy biển” do em Lê Hoàng Hương Thảo làm nhóm trưởng, là sáng kiến hữu ích, vừa khích lệ các em say mê nghiên cứu sáng tạo, ứng dụng kiến thức đã học vào thực tế, vừa nâng cao ý thức, trách nhiệm trong bảo vệ môi trường. Do đó, trường rất ủng hộ và chỉ đạo giáo viên, vận động phụ huynh chung tay giúp đỡ, đầu tư để các em hoàn thiện đề tài.

 

Với sự đầu tư, thực hiện nghiêm túc, mô hình “Thiết bị dọn rác dưới đáy biển” của nhóm học sinh Trường THCS Lý Tự Trọng đã vừa giành được giải ba tại Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Quảng Ninh lần thứ V-2019.

 

 

Theo Báo Quảng Ninh