IoT – Cơ hội rộng mở trong tương lai với Startup Việt

IoT là thuật ngữ được nhắc đến rất nhiều trong các diễn đàn công nghệ trong những năm gần đây. Vậy IoT là gì, những ứng dụng trong cuộc sống và các tố chất để theo học lĩnh vực này là gì? Hãy cùng tìm hiểu với PGS. Nguyễn Thanh Tùng, Giảng viên ngành Công nghệ thông tin tại Swinburne Việt Nam.

Thưa anh, IoT đang được xếp vào một trong những lĩnh vực công nghệ mới ở thời điểm hiện tại. Vậy xin giải thích cho mọi người hiểu IoT là gì?

Hãy tưởng tượng, bạn có thể ngồi một chỗ và ra lệnh cho chiếc máy pha café là cho mình một ly đen nóng, tự động kích hoạt máy giặt, bật đèn và làm nhiều hoạt động khác chỉ thông qua một chiếc smartwatch.

IoT (Internet of Things) là một kịch bản của thế giới, khi mà mỗi đồ vật, con người được cung cấp một định danh của riêng mình và tất cả có khả năng truyền tải, trao đổi thông tin qua một mạng duy nhất mà không cần đến sự tương tác trực tiếp giữa người với người hay người với máy tính.

IoT đã phát triển từ sự hội tụ của công nghệ không dây, công nghệ vi cơ điện tử và Internet. Nói đơn giản là một tập hợp các thiết bị có khả năng kết nối với nhau với Internet và với thế giới bên ngoài để thực hiện một công việc nào đó.

Dễ hiểu hơn, bạn có thể hình dung Internet of Things là khi tất cả mọi thứ đều được kết nối với nhau qua mạng Internet và bạn có thể kiểm soát mọi đồ vật của mình chỉ bằng một thiết bị thông minh như smartphone, tablet, PC hay thậm chí chỉ bằng một chiếc smartwatch nhỏ bé trên tay. Việc kết nối có thể được thực hiện qua Wi-Fi, mạng viễn thông băng rộng (3G, 4G), Bluetooth, ZigBee, hồng ngoại…

Theo Cisco, nhà cung cấp giải pháp và thiết bị mạng hàng đầu hiện nay dự báo: Đến năm 2020, sẽ có khoảng 50 tỷ đồ vật kết nối vào Internet, thậm chí con số này còn gia tăng nhiều hơn nữa. IoT sẽ là mạng kết nối khổng lồ bao gồm cả con người và sẽ tồn tại các mối quan hệ giữa người và người, người và thiết bị, thiết bị và thiết bị. Một mạng lưới IoT có thể chứa từ 50 đến 100 nghìn tỉ đối tượng được kết nối và mạng lưới này có thể theo dõi sự di chuyển của từng đối tượng.

Tại sao IoT lại được coi là công nghệ tiêu biểu của công nghiệp 4.0?

CMCN 4.0 là xu hướng hiện tại của tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất. Nó bao gồm các hệ thống mạng vật lý, mạng Internet kết nối vạn vật và điện toán đám mây. Trong cách mạng công nghiệp 4.0, con người có thể giao tiếp và giám sát thiết bị thay vì phải trực tiếp vận hành chúng.

CMCN 4.0 tạo điều kiện thuận lợi cho việc tạo ra các “nhà máy thông minh” hay “nhà máy số”. AI, Robotic, Big data, Cloud Computing và IoT… là những nhánh phát triển trong nền công nghiệp 4.0, mỗi nhánh đều có vai trò nhiệm vụ riêng biệt. Trong đó, IoT có nhiệm vụ kết nối mọi thiết bị lại với nhau, giúp các thiết bị có thể truyền, nhận dữ liệu thu thập từ các cảm biến, đồng thời kết nối con người với thiết bị.

Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, IoT đóng vai trò như là “huyết mạch” của hệ thống. Đó là sự kết hợp cao độ giữa hệ thống siêu kết nối vật lý và kỹ thuật số với tâm điểm là Internet, vạn vật kết nối (IoT) và trí thông minh nhân tạo (AI).

Nếu như AI và Big Data có vai trò như bộ xử lý dữ liệu, nhận về một lượng lớn dữ liệu, xử lý và đưa ra những quyết định đúng đắn trong mọi trường hợp, Robotic thay thế sức lao động của con người bằng khả năng vận động không mỏi mệt của máy móc thì việc kết nối các thiết bị, các quy trình thu thập, xử lý và phản ứng sẽ do IoT đảm nhận.

Anh có thể đưa ra một vài ví dụ về ứng dụng của IoT trong thực tế?
Trong thực tế, IoT có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đem lại hiệu quả cao cho các lĩnh vực ứng dụng. Sau đây là một số ứng dụng phổ biến của IoT:

Smart Home – Nhà thông minh: Đây là ứng dụng phổ biến bật nhất, và là chủ đề IoT được tìm kiếm nhiều nhất trên Google. Smart Home là một ứng dụng cho phép người sử dụng có thể giám sát, điều khiển ngôi nhà của mình từ xa thông qua các thiết bị di động, ngoài ra chúng còn có khả năng nhận biết và thực hiện những công việc như bật/tắt điều hoà, đèn, điện khi có người sắp về nhà. Smart Home có thể nói là một ứng dụng tiện ích, nâng cao chất lượng cuộc sống của mọi gia đình.

Quản lý các thiết bị cá nhân: Smart Watch là một ví dụ. Một chiếc đồng hồ đeo tay với khả năng thu thập thông tin sức khoẻ của bạn và đưa ra những thông báo, chỉ thị giúp bạn bảo vệ, rèn luyện sức khoẻ…

Smart Car: Hãy thử tưởng tượng một con đường với đầy những chiếc xe thông minh với khả năng nhận biết vị trí và tốc độ di chuyển của nhau, với khả năng đó, chúng có thể tránh được nhau, giảm thiểu rủi ro tai nạn.

Smart City: Đây là một ý tưởng tham vọng của con người. Smart City là một thành phố tập hợp gồm rất nhiều thiết bị IoT, với khả năng thu thập và đáp ứng mọi nhu cầu của người dân.

Quản lý giao thông: Các sản phẩm IoT có thể hỗ trợ trong việc tích hợp các thông tin liên lạc, kiểm soát và xử lý thông tin qua nhiều hệ thống giao thông vận tải. Ứng dụng của IoT mở rộng đến tất cả các khía cạnh của hệ thống giao thông, tức là xe, cơ sở hạ tầng, và người lái xe hoặc sử dụng. Internet công nghiệp: Industrial Internet là tiếng vang mới trong ngành công nghiệp, được gọi tắt là IIoT (Industrial Internet of Thing). IIoT hỗ trợ kĩ thuật công nghiệp với các cảm biến, phần mềm lớn để tạo ra những cỗ máy vô cùng thông minh. Máy móc sẽ có tính chính xác và nhất quán hơn con người trong giao tiếp thông qua dữ liệu. Từ những dữ liệu thu thập được giúp các công ty, nhà quản lí giải quyết các vấn đề sớm hơn, đạt hiệu quả cao hơn. IIoT có tiềm năng lớn về kiểm soát chất lượng và tính bền vững. Những ứng dụng trao đổi thông tin giữa nhà cung cấp, nhà phân phối và nhà bán lẻ về thông tin hàng hóa, hàng tồn kho sẽ làm tăng hiệu quả chuỗi cung ứng.

IoT trong nông nghiệp: Với sự gia tăng liên tục của dân số đồng nghĩa với việc nhu cầu sử dụng lương thực tăng lên nhiều lần. Nông dân có thể áp dụng các kỹ thuật mới, công nghệ tiên tiến để tăng sản lượng sản xuất nông nghiệp. Nông nghiệp thông minh có thể nói là lĩnh vực phát triển nhanh nhất với IoT. Những thông tin người nông dân thu được giúp họ có những quyết định đầu tư sáng suốt tránh tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” như hiện nay. Cảm biến độ ẩm, chất dinh dưỡng của đất, mức độ hấp thụ nước góp phần quan trọng vào việc kiểm soát sự tăng trưởng của cây trồng giúp người gieo trồng có thể xác định, tùy chỉnh lượng phân bón cần thiết.

Chăm sóc sức khỏe: Một hệ thống chăm sóc sức khỏe được kết nối cùng các thiết bị y tế thông minh mang lại tiềm năng to lớn cho các công ty đầu tư sản xuất. IoT trong chăm sóc sức khỏe giúp mọi người có cuộc sống khỏe mạnh hơn bằng việc đeo các thiết bị kết nối. Các dữ liệu thu thập được giúp phân tích sức khỏe của người dùng thiết bị kết nối và nhà cung cấp, sản xuất sẽ có được những thiết kế để chống lại bệnh tật. Từ cảm biến thể dục cá nhân đến robot phẫu thuật, IoT trong chăm sóc sức khỏe mang đến những công cụ mới được cập nhật với công nghệ mới nhất trong hệ sinh thái giúp phát triển chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

Bán lẻ thông minh: IoT cung cấp cơ hội cho các nhà bán lẻ kết nối với khách hàng để nâng cao trải nghiệm tại cửa hàng. Điện thoại thông minh sẽ là cách để các nhà bán lẻ duy trì kết nối với người tiêu dùng ngay cả khi ra khỏi cửa hàng. Tương tác thông qua điện thoại thông minh và sử dụng công nghệ có thể giúp các nhà bán lẻ phục vụ người tiêu dùng tốt hơn. Họ cũng có thể theo dõi đường đi của người tiêu dùng bên trong một cửa hàng để cải thiện cách bố trí cửa hàng và đặt các sản phẩm cao cấp ở khu vực có lưu lượng cao.

Tự động hóa: các công xưởng sản xuất xe hơi đã áp dụng công nghệ IoT để cắt giảm hầu hết các công nhân, thay vào đó là các bộ máy tích hợp trí thông minh nhân tạo cho năng suất tăng gấp nhiều lần và độ chính xác cao hơn.

IDC – Một công tổ chức phân tích thị trường nhận định đặt chi tiêu trên toàn thế giới cho IoT ở mức 772,5 tỷ đô la trong năm 2018 – tăng gần 15% trên 674 tỷ đô la sẽ được chi trong năm 2017. IDC dự đoán rằng tổng chi tiêu sẽ đạt 1 ngàn tỷ đô la vào năm 2020 và 1,1 ngàn tỷ đô la vào năm 2021.

Cũng theo tổ chức này, phần cứng sẽ là hạng mục công nghệ lớn nhất trong năm 2018 với $ 239 tỷ đi vào các mô-đun và cảm biến, với một số chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và bảo mật. Dịch vụ sẽ là hạng mục công nghệ lớn thứ hai, tiếp theo là phần mềm và kết nối.

Lĩnh vực IoT tạo ra những cơ hội nghề nghiệp gì cho các bạn trẻ, thưa anh?

Theo Cục Thống kê Lao động của Mỹ, tỷ lệ tăng trưởng cho các công việc liên quan đến công nghệ và máy tính dự kiến sẽ tăng trưởng 12% từ năm 2014 đến năm 2024 và bổ sung thêm 488.500 việc làm mới, nhanh hơn mức tăng trưởng trung bình cho tất cả các ngành nghề khác. Và một trong những lý do chính đó là sự tập trung và phát triển của điện toán đám mây, dữ liệu lớn và IoT. Mức lương trung bình cho các ngành nghề này là $814.320 vào tháng 5 năm 2015, cao hơn mức lương trung bình cho tất cả các ngành nghề khác là $36.200.

Các doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực đang cố gắng đưa IoT vào sử dụng trong chiến lược kinh doanh của mình một cách hiệu quả. Vì vậy trong tương lai, nhu cầu về nguồn nhân lực giúp thực hiện và triển khai các công nghệ mới này là rất lớn.

Với sự phát triển của IoT, công nghiệp 4.0 và nhiều lĩnh vực ứng dụng công nghệ khác nữa thì con đường phát triển sự nghiệp cho những người thích làm việc với kinh doanh và công nghệ là cực kỳ rộng mở vì khả năng thích nghi nhanh và làm việc được với nhiều loại hình tổ chức khác nhau.

Hiện tại, số lượng dự án, việc làm về các mảng công nghệ mới như IoT, AI, Bigdata đang tăng lên rất nhanh và mức lương khởi điểm là cao hơn so với các lĩnh vực công nghệ khác.

Ở Việt Nam, nhu cầu nhân lực chất lượng cao ngành Công nghệ Thông tin nói chung và lĩnh vực IoT nói riêng trong vòng 20 năm tới được xác định với quy mô lên tới hàng triệu kỹ sư. Cơ hội nghề nghiệp rộng mở trước mắt các kỹ sư tương lai khi thời gian vừa qua, lĩnh vực này đã thu hút sự quan tâm đầu tư phát triển rất lớn của các tập đoàn viễn thông và công nghệ thông tin lớn trong nước và quốc tế như: Viettel, VNPT, Mobifone, FPT, CMC, Samsung, LG, Intel, Microsoft, IBM, Google…

Các cơ hội việc làm được tạo ra và đang khát nguồn nhân lực chất lượng cao như:

Nghiên cứu viên tại các cơ sở nghiên cứu, phát triển nền tảng, thiết bị thông minh và IoT với vai trò nghiên cứu phát triển sản phẩm, giải pháp mới; kỹ sư lập dự án, thiết kế, lắp đặt, vận hành, bảo trì, giám sát, điều hành kỹ thuật, hỗ trợ khách hàng, kinh doanh các sản phẩm điện tử viễn thông và IoT.

Kỹ sư tại các đơn vị cung cấp dịch vụ, giải pháp mạng, hạ tầng mạng cho hệ thống thông minh và IoT (Viettel, VNPT, FPT…); Các doanh nghiệp kinh doanh thiết bị, giải pháp IoT; Các lĩnh vực khác cần sử dụng, vận hành hạ tầng, nền tảng hệ thống thông minh và IoT: các cơ quan nhà nước, nước ngoài; nông nghiệp, điện lực, ngân hàng, y tế, giao thông, quốc phòng – an ninh.

Lập trình viên, đặc biệt là thiết kế và phát triển các phần mềm cho các hệ thống thông minh và IoT… tại các công ty phần mềm (FPT Software, VNPT Software…)

Để theo đuổi lĩnh vực IoT, các bạn trẻ cần chuẩn bị cho mình những gì?

Để theo đuổi lĩnh vực này theo tôi các bạn cần lưu ý đến những điều sau:

Bạn sẽ có lợi thế nếu học giỏi các môn: Toán học, Phần cứng Máy móc – thiết bị, Phần mềm Máy tính, có kiến thức về mạng viễn thông, cảm biến không dây, lập trình nhúng và lập trình ứng dụng IoT.

Để làm việc, bạn cần phải có kĩ năng và khả năng đưa ra lý luận, sắp xếp thông tin, suy nghĩ khoa học, giải quyết vấn đề, phân tích hệ thống và lập trình, luôn lắng nghe và ham học hỏi có khả năng tự học các công nghệ mới có liên quan.

Có đam mê với việc tìm hiểu, khám phá, phân tích và chế tạo ra các thiết bị cũng như hệ thống IoT có khả năng ứng dụng vào đời sống hàng ngày.

Cuối cùng, hãy tìm cho mình một môi trường học tập thật tốt, có thể trau dồi cho các bạn kỹ năng và kinh nghiệm thực tế, cung cấp những dự án đủ lớn để có cơ hội ứng dụng thực tế.

Nguồn Khởi nghiệp sáng tạo

T.LN1