KẾT NỐI ĐỂ CÙNG PHÁT HUY TRI THỨC

Trong số 5 giải nhất của chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục 2019 có chuyện đôi bạn thân cách xa nhau nửa vòng Trái đất cùng nghiên cứu một đề tài, chuyện hai thầy trò cùng nhau nghiên cứu đề tài hữu ích cho ngay địa phương mình.

Sinh viên Võ Nguyễn Đình Trí

Hai câu chuyện trên thể hiện sự kết nối để cùng phát huy tri thức từ những người trẻ cho giáo dục nước nhà. Đây cũng được xem là điểm nhấn thành công cho chương trình, không chỉ ở năm 2019 mà còn ở 4 năm liên tiếp chương trình được tổ chức.

Cùng nhau nghiên cứu ở nửa vòng Trái đất

Một năm trước, Võ Nguyễn Đình Trí (Đà Nẵng) cùng cậu bạn thân Nguyễn Quang Đức bước vào "quá trình làm việc điên rồ" lên ý tưởng cho dự án "REBO với sản phẩm sách sinh học lớp 10 ứng dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường". 

Nói là "điên rồ" bởi thời điểm đó đang bước vào giai đoạn nước rút ôn thi cho kỳ thi THPT, mà tối đến cả hai cùng thức thâu đêm mày mò nghiên cứu sản phẩm.

Ba tháng sau, Đình Trí trúng tuyển vào Trường ĐH FPT Đà Nẵng, còn cậu bạn thân Quang Đức quyết định du học Canada. Cùng thời điểm đó, dự án REBO thử nghiệm thành công. 

"Chúng tôi cùng nhau xây dựng chuỗi dự án với mong muốn thay đổi phương thức dạy và học cho học sinh, giáo viên. Sản phẩm đầu tiên là sách sinh học lớp 10 ứng dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường nhằm đo lường mức độ, sự thu hút với học sinh ra sao" - Đình Trí chia sẻ về dự án.

Biên soạn theo chuẩn kiến thức SGK của Bộ GD-ĐT, song điểm ấn tượng ở cuốn sách này là được trình bày theo hình thức infographics với sơ đồ tư duy, phương pháp ghi chú mới sketchnote với màu sắc ấn tượng, đồng thời áp dụng mô hình STEM vừa học vừa thực hành. 

Trí cho biết sách gồm 6 bài học, tổng cộng 3 chương, mỗi bài học tương ứng với 10 thẻ bài AR card. Thẻ bài này được thiết kế để hiển thị hình ảnh 3D khi sử dụng ứng dụng và có màu sắc tương ứng với bài học. Ngoài chức năng hiển thị hình ảnh đơn, học sinh có thể ghép các thẻ bài theo kiến thức để tạo thành hình ảnh 3D chuẩn.

"Nhiều tiết học hiện có chất lượng kém khi học sinh - giáo viên tương tác với nhau không hiệu quả. Chưa kể học sinh tập trung vào các môn toán học, vật lý, hóa học sẽ bỏ qua các môn khác như sinh học, lịch sử, địa lý... Chúng tôi cố gắng hết sức để thay đổi phương thức dạy và học, giúp học sinh trải nghiệm kiến thức từ sách ứng dụng thực tế ảo tăng cường thay vì học nặng kiến thức từ SGK" - Trí chia sẻ về ý tưởng của đôi bạn. 

Sản phẩm đã được thử nghiệm ở nhiều lớp học với hơn 200 giáo viên, học sinh và nhận được những phản hồi tích cực.

Đôi bạn chia sẻ thời gian tới sẽ hướng đến phát triển thêm nhiều sản phẩm sách và công cụ dạy học tích hợp công nghệ thực tế ảo tăng cường ở nhiều môn học khác nhau như địa lý, hóa học, vật lý, toán học... 

Ngoài ra, đôi bạn còn thiết kế hai công cụ hỗ trợ việc học gồm ứng dụng chatbox trên nền tảng Messenger hỗ trợ học sinh tự học tập, kiểm tra kiến thức và bộ công cụ kính hiển vi giấy foldscope cùng các tiêu bản động thực vật sưu tầm kèm theo để thực hành tại chỗ.

Thầy giáo trẻ Văn Thành Đạt đã thuyết phục ban giám khảo vòng chung khảo bằng những đề tài mang tính mới và có tính ứng dụng cao - Ảnh: DƯƠNG TRIỀU

Thầy trò người Kinh sáng tạo từ điển M’Nông - tiếng Việt

Từ Đắk Nông, thầy giáo Văn Thành Đạt (Trường THPT Đắk Glong) cùng cậu học trò Nguyễn Văn Nam đã cùng nhau sáng tạo ra "Bộ từ điển tiếng Việt - M’Nông, M’Nông - tiếng Việt trên điện thoại hệ điều thành Android".

Cả hai thầy trò đều là người Kinh, qua quá trình tiếp xúc với đồng bào M’Nông, điều thầy trò trăn trở là nếu việc dạy chữ dân tộc bị mai một, con em M’Nông sau này sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi học tiếng dân tộc mình. Do đó, thầy trò cùng nhau lên ý tưởng gìn giữ tiếng nói của đồng bào M’Nông, thu thập dữ liệu tiếng M’Nông đảm bảo nguồn từ vựng chính xác.

"Từ những lợi ích mà công nghệ đem lại, thầy trò chúng tôi sáng chế sản phẩm tiện ích, góp phần nhỏ trong việc gìn giữ tiếng nói của đồng bào M’Nông" - thầy Đạt chia sẻ ý tưởng ban đầu. Anh cho biết trong quá trình nghiên cứu, nội dung tra cứu từ tiếng Việt qua tiếng M’Nông đã hoàn thiện, nhưng khi tra cứu ngược lại từ tiếng M’Nông qua tiếng Việt hoặc thêm từ thì không thể thực hiện.

"Chúng tôi suy nghĩ về công cụ hỗ trợ cho phép người dùng gõ được các ký tự đặc biệt của tiếng M’Nông ứng dụng trên điện thoại" - thầy giáo miền cao nguyên chia sẻ. Từ suy nghĩ đó, hai thầy trò sáng chế ra "bàn phím M’Nông" cho phép gõ các ký tự phổ biến, ngoài ra gõ được 12 ký tự đặc biệt trong ngôn ngữ M’Nông. 

Thầy Đạt cho biết toàn bộ cơ sở dữ liệu của bộ từ điển tiếng Việt - M’Nông, M’Nông - tiếng Việt được nhập thủ công hoàn toàn với hơn 13.000 từ được kiểm định các mục từ, ngữ pháp chính xác, đảm bảo tính khoa học.

Năm 2018, bộ từ điển hoàn thiện và được ứng dụng thử nghiệm tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Đắk Nông. Thầy Đạt chia sẻ ưu điểm của công trình này là tiện lợi, dễ sử dụng, đặc biệt được sử dụng ở trạng thái offline phù hợp với bà con M'Nông trong việc tra cứu ngôn ngữ mọi lúc mọi nơi.

Khó nhất là vốn từ, cả hai thầy trò đã đến từng trung tâm văn hóa, nhờ chuyên gia, thầy cô và nhờ chính đồng bào M’Nông góp ý để hoàn thiện sản phẩm. "Hoàn thiện sản phẩm rồi, chúng tôi giới thiệu ngược lại cho đồng bào sử dụng, có như thế họ mới góp ý được cho chúng tôi đúng - sai ở đâu" - thầy giáo Đạt chia sẻ.

Thầy Đạt cho biết không gì vui sướng hơn khi nỗ lực của hai thầy trò được xã hội ghi nhận. Điều thầy mong muốn là các bạn trẻ tiếp tục phát triển nhiều hơn nữa sản phẩm ở địa phương, qua đó bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc mình.

Đồng hành suốt 4 chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục, ông Nguyễn Quân - nguyên bộ trưởng Bộ KH-CN, thành viên ban giám khảo - nhận xét công trình "REBO với sản phẩm sách sinh học lớp 10 ứng dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường" và "Bộ từ điển tiếng Việt - M’Nông, M’Nông - tiếng Việt trên điện thoại hệ điều thành Android" là các công trình có đầu tư công phu, ứng dụng công nghệ giáo dục tiên tiến.

Với công trình sách sinh học, nhóm tác giả chú trọng vào môn học ít học sinh quan tâm để thay đổi phương pháp dạy và học là rất tốt. Với phần mềm từ điển tiếng Việt - M’Nông, ông Quân gợi ý nếu nghiên cứu bổ sung ứng dụng nhận diện giọng nói trên điện thoại thông minh, tra cứu bằng giọng nói sẽ thuận tiện hơn nữa.

--------

Chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục" do Trung ương Đoàn, Bộ GD-ĐT, báo Tuổi Trẻ và Công ty CP Tập đoàn Thiên Long tổ chức.

Chương trình dành cho các tác giả trẻ người Việt trong và ngoài nước, không quá 35 tuổi, có nghiên cứu về đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập, sáng chế công cụ phục vụ giảng dạy và học tập, nghiên cứu, công trình nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học giáo dục, có tính mới và có tính khả thi.

Sau 4 năm tổ chức, đã có 15 công trình đoạt giải nhất kèm tiền thưởng 100 triệu đồng/giải để phát triển công trình và hàng chục giải thưởng cho các công trình lọt vào vòng chung khảo.

Nguồn: Tuoitreonline

T.LN