Khởi nghiệp từ 2 chỉ vàng dành dụm và chiếc xe đạp cà tàng

(CTG) Khởi nghiệp thì thiếu nhiều thứ, từ nguồn vốn, kinh nghiệm đến cách quản trị nhân sự… Vậy làm thế nào để giải quyết được những vấn đề đau đầu này?

Anh Cô Gia Thọ (trái) chia sẻ tại chương trình - HOA NỮ

Và câu chuyện khởi nghiệp từ 2 chỉ vàng dành dụm và chiếc xe đạp cà tàng của anh Cô Gia Thọ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long, được chia sẻ tại chương trình YAB Share do Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM tổ chức ngày 26.9. đã truyền nhiều cảm hứng và bài học kinh nghiệm cho người trẻ.

Hóa giải những tiếc nuối thành suy nghĩ tích cực

Mở đầu buổi chia sẻ, người điều phối chương trình giới thiệu sơ lược về câu chuyện khởi nghiệp của anh Cô Gia Thọ, trong đó có nhắc đến chi tiết là anh bắt đầu với số vốn chỉ có 2 chỉ vàng dành dụm và làm nên Tập đoàn Thiên Long của ngày nay. Nhưng anh Thọ cũng chia sẻ thêm: “2 chỉ vàng thì chưa đủ vì còn có chiếc xe đạp cà tàng mà 2 sườn xe rỉ sét, và đạp xe đi khắp thành phố. Sau 2 năm, 1981 mới dành dụm số vốn ít ỏi để thành lập một cơ sở sản xuất gia đình và cho đến thời điểm hiện nay đã được 40 năm”.

Theo anh Thọ, khởi nghiệp vào thời điểm đó cũng có cái khó, nhưng cũng có thuận lợi. Thời điểm đó không có nhiều sự lựa chọn, nhiều ngành nghề và kỹ thuật cao như bây giờ. Bạn trẻ khởi nghiệp ngày nay nhiều lựa chọn hơn nhưng sự cạnh tranh cũng khốc liệt hơn.

Những doanh nhân trẻ đặt câu hỏi cho anh Cô Gia Thọ - HOA NỮ

Khi được hỏi có một cơ hội nào trong quá khứ anh đã bỏ qua và giờ cảm thấy tiếc nuối? Anh Thọ cũng thẳng thắn chia sẻ: “Trong sự phát triển của sự nghiệp cũng có những việc mà mình muốn làm để theo kịp thời đại. Và cũng có những sự lựa chọn đã làm nhưng thất bại và có nhiều thất bại rất đáng sợ và hối tiếc...”.

Từ đó anh Thọ khuyên: “Ai cũng sẽ có hối tiếc nhưng phải biết hóa giải nó thành suy nghĩ tích cực hơn. Bắt đầu với những suy nghĩ 'à không sao, hôm nay mình thấy vui' thì lúc đó mới tạo cho mình động lực để có thể tiếp tục. Chính vì thế, bất cứ hoàn cảnh nào, dù thất bại, dù phải hối tiếc thì hãy hóa giải nó thành những suy nghĩ tích cực hơn”.

Cần có phương pháp riêng để quản lý nhân sự

Tại buổi chia sẻ, câu chuyện về nguồn vốn và cách quản trị con người được các bạn trẻ rất quan tâm và đặt câu hỏi. Về vấn đề này anh Thọ cũng chia sẻ từ chính kinh nghiệm của mình.

Anh kể: “Khởi đầu từ con số không, bản thân ý thức được kỹ thuật của mình không đủ, vì mình không phải từ dân kỹ thuật ra, cũng không là người chuyên nghiệp gì trong kinh doanh… Nên muốn làm được cần phải tập hợp nhiều người để cùng nhau xây dựng và phát triển”.

Theo anh Thọ ai cũng có 1 cách sử dụng con người riêng, trong đó có nhiều phương pháp, nhưng quan trọng hơn hết vẫn là sự tín nhiệm. Sự đãi ngộ không chưa đủ mà còn phải suy nghĩ là mình cho đi trước và nhận về sau, nhường cho người ta 6 mình nhận về 4. Muốn đạt được sự tin tưởng ở mức độ cao là phải lợi người trước, chứ không phải lợi kỷ trước.

“Thứ 2 là trong việc tin tưởng, làm sao để trong đội ngũ nhân sự chủ chốt của mình phải tôn trọng lẫn nhau, một khi con người được tôn trọng và có sự thân thiết nữa thì sức mạnh gắn kết là rất lớn...”, anh Thọ nhấn mạnh.

Anh Thọ cho rằng ai cũng có những tiếc nuối nhưng hãy biến nó thành những suy nghĩ tích cực    - HOA NỮ

Anh Thọ chỉ ra thông thường một công ty nhỏ mới khởi nghiệp rất khó khăn để quản lý nhân sự của mình, và bị cạnh tranh với các công ty hiện có về chế độ đãi ngộ. Bởi một thực tế là nếu đầu quân vào công ty khởi nghiệp thì phải chấp nhận những rủi ro có thể xảy ra thay vì vào làm cho một công ty đã ổn định.

“Nên cần có những phương pháp của riêng mình. Có thể trả công không bằng các công ty đã lớn mạnh nhưng mình có những chế độ chẳng hạn như phân hoa hồng hay cổ phần cho những người đóng góp cho công ty. Khi đó, họ tiến hành công việc sẽ nghĩ rằng đang làm cho chính mình, trong lợi nhuận chung có lợi nhuận riêng. Họ làm có lợi nhuận và họ được hưởng”, anh Thọ cặn kẽ.

Anh Thọ còn cho rằng: “Từ đó sẽ có sự cạnh tranh, có người ra đi và ở lại. Và những người ở lại sẽ là những người rất tinh hoa. Đây là mô hình có thể phù hợp cho những doanh nghiệp mới khởi nghiệp còn nhỏ, trẻ”.

Một bạn trẻ tại chương trình đặt câu hỏi: “Tại sao trong suốt quá trình kinh doanh của mình, anh chỉ tập trung vào đúng 1 ngành thay vì đa ngành?”

“Bạn hỏi tôi tại sao không phát triển đa ngành? Điều này thực ra cũng xuất phát từ cá tính, bản chất con người. Khi làm điều gì cũng phải tự hỏi bản thân 'Mình có sở trường hay không? Mình làm lĩnh vực đó có tốt hay không?'... Tập trung một nghề là tốt nhưng không phải là thượng sách. Phải có nhiều nghề, mà nhiều nghề có liên quan đến nhau thì độ an toàn sẽ cao hơn”, anh Thọ khuyên.

Ngày 26.9, Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM chính thức ra mắt chuỗi chương trình YBA Share nhằm lan tỏa tinh thân đồng hành và kiến tạo của thế hệ doanh nhân đi trước đến các doanh nhân thế hệ tiếp theo.

Chương trình sẽ được tổ chức 6 số, bắt đầu từ tháng 9.2019 - 8.2020. Mỗi số, YBA Share sẽ là những câu chuyện, trải nghiệm thực tế khác nhau, những câu chuyện đời thường và triết lý sống mà những “cây đại thụ” sẽ chia sẻ đến những bạn trẻ khởi nghiệp, doanh nhân trẻ. Số đầu tiên với chủ đề "Chuyện chưa bao giờ kể" đã diễn ra để mở đầu cho chuỗi chương trình.

Theo TN