Lựa chọn học nghề để khởi nghiệp

(CTG) Trên bước đường lập thân, lập nghiệp, nhiều bạn trẻ hiện nay không còn "khăng khăng" cho rằng, lựa chọn tốt nhất là phải qua ngưỡng cửa đại học. Thay vào đó, họ sớm mạnh dạn lựa chọn cho mình lối đi từ học tập một nghề yêu thích, đam mê và tiếp tục nỗ lực dấn thân.

 

Với Hoàng Tiến Dũng, niềm vui lớn nhất chính là truyền ngọn lửa đam mê cho các bạn trẻ.

Chọn con đường học nghề

Sau khi tốt nghiệp THPT, Hoàng Tiến Dũng (SN 1995, Đức Ninh Đông, TP. Đồng Hới, Quảng Bình) quyết định lựa chọn nghề chế biến món ăn tại Trường cao đẳng Du lịch Huế. Sau khi tốt nghiệp vào năm 2016, Dũng bắt đầu hành trình làm bếp tại các nhà hàng, quán ăn ở TP. Huế.

Sau khi đảm nhận vị trí bếp chính, trong quá trình làm việc, Dũng đã có cơ hội áp dụng những kỹ thuật cắt tỉa được học tại trường và dần biến những củ, quả "vô hồn" trở thành các tác phẩm nghệ thuật. Dũng xem đây như một sở thích, niềm vui để quên đi những giây phút mệt mỏi sau ngày làm việc căng thẳng.

Cuối tháng 6/2016, Dũng bắt đầu chuyển công tác vào Đà Nẵng với công việc chính là đứng bếp và cắt tỉa, trang trí bàn tiệc. Tuy nhiên, sau 1 tháng, Dũng gặp tai nạn khiến sức khỏe suy giảm, không thể đứng bếp được nữa. Suy sụp vì đam mê không trọn vẹn, nhưng may mắn, Dũng nhận được sự giúp đỡ tận tình của một người anh trong nghề và được nhận vào giảng dạy bộ môn cắt tỉa cho một công ty tư nhân. Từ đó, Dũng cảm thấy thích thú và càng lúc càng đam mê với bộ môn này, tay nghề cũng vì thế được nâng cao hơn rất nhiều. Dũng nung nấu quyết tâm theo đuổi nghề cắt tỉa rau, củ, quả nghệ thuật.

Năm 2017, Dũng được một trường đào tạo nghề ở Hà Tĩnh mời về giảng dạy bộ môn cắt tỉa rau, củ, quả nghệ thuật. Trong thời gian làm việc ở đây, Dũng đã tham gia một số sự kiện lớn của tỉnh, như: các hội chợ, triển lãm quy mô lớn… Mô hình từ rau, củ, quả của Dũng được vinh dự đạt giải ấn tượng và được lên trang đầu của Báo Hà Tĩnh 2 năm liền (2018-2019).

Tháng 6-2018, Dũng cũng tham gia cuộc thi cắt tỉa rau, củ, quả do Hội đầu bếp miền Trung tổ chức và nhận được huy chương đồng. Đây vừa là niềm vui vừa là động lực để Dũng cố gắng hơn. Hơn 2 năm sau, Dũng quyết định nghỉ công tác tại trường để theo đuổi đam mê của mình và tập trung tham gia cuộc thi Top Chef 2019 được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh. Dũng đăng ký phần thi cắt tỉa và đoạt huy chương đồng, bước ngoặt để Dũng phấn đấu và phát triển bộ môn này mạnh hơn nữa.

Truyền cảm hứng khởi nghiệp từ học nghề

Sau khi hoàn thành cuộc thi, Dũng trở về Quảng Bình tham gia thỉnh giảng tại Trường cao đẳng nghề Quảng Bình một thời gian. Với đam mê và dự định sẽ truyền cảm hứng để phát triển bộ môn này tại miền Trung, Dũng đã quyết tâm mở các lớp dạy riêng để truyền đạt kỹ năng và nâng cao tay nghề cho các bạn trẻ đam mê với bộ môn này tại 4 tỉnh: Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Quảng Bình và Hà Tĩnh.

Trong thời gian đầu, vấn đề khó khăn lớn nhất của Dũng là tuyển sinh học viên, bởi do tính chất công việc của nghề bếp nên thời gian rảnh rỗi của các bạn là khá ít, một số bạn thì ở quá xa, một số bạn tuy đam mê nhưng không có điều kiện để học. Từ khi mở lớp đến nay, Dũng đã đào tạo riêng 30 học viên chuyên sâu về bộ môn cắt tỉa rau, củ, quả nghệ thuật tại các tỉnh: Quảng Nam, Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh. Hầu hết các bạn hiện đang làm việc tại những khách sạn lớn, có điều kiện trau dồi kỹ năng.

Trong tương lai, Dũng rất mong muốn nghề cắt tỉa rau, củ, quả nghệ thuật sẽ phát triển mạnh mẽ ở khu vực miền Trung bởi cuộc sống ngày càng hiện đại, nhu cầu thưởng thức sẽ ngày càng cao. Là một người đầu bếp, rất cần phải nâng cao giá trị của món ăn, đưa nghệ thuật trang trí lên một tầm cao mới và duy trì được nét văn hóa ẩm thực truyền thống. “Công việc có vất vả đến đâu, chỉ cần có đam mê, ý chí và sự kiên trì, chắc chắn bạn sẽ thành công. Có rất nhiều con đường để thành công, nhưng thành công hay thất bại đều do bản thân mình quyết định”, Dũng khẳng định.

Dù không học đại học mà theo đuổi học nghề, nhưng những bạn trẻ như Hoàng Tiến Dũng vẫn miệt mài với nghề nghiệp mà mình đã lựa chọn và ngày càng sáng tạo, thăng hoa hơn. Theo anh Nguyễn Hữu Long, Chủ tịch Cộng đồng Khởi nghiệp Quảng Bình, Giám đốc Công ty Tập đoàn khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (VINSI CORP), hiện nay, đại học không còn là cánh cửa cuối cùng trên bước đường khởi nghiệp của các bạn trẻ. Họ có thể học nghề mà mình yêu thích và đam mê theo đuổi.

Do đó, VINSI CORP thường xuyên phối hợp với các cấp bộ Đoàn, địa phương tổ chức những buổi tư vấn phân luồng học sinh, định hướng nghề nghiệp, đào tạo kỹ năng sống. Tham gia các lớp tập huấn này, các em có cơ hội nhận thức rõ con đường nghề nghiệp tương lai và xác định hướng đi phù hợp. Sắp tới, VINSI CORP sẽ phối hợp với các trường đào tạo nghề trong tỉnh để có sự tư vấn, hướng nghiệp cụ thể, chi tiết hơn cho các bạn học sinh.

Tuy nhiên, trên thực tế, để đón đầu xu hướng học nghề của thanh niên, tiếp cận gần hơn với các đối tượng có nhu cầu, đặc biệt là các nghề về du lịch, các trường đào tạo nghề cần có những đổi mới mạnh mẽ, nhất là trong truyền thông, quảng bá về nghề, đào tạo theo địa chỉ, đổi mới nội dung, hình thức học nghề… Ngoài ra, sự kết hợp với các tổ chức đoàn thể thanh niên trong hướng nghiệp, đào tạo kỹ năng sống cũng là một kênh quan trọng để khâu phân loại học nghề đạt hiệu quả cao./.

Tỉnh Đoàn Quảng Bình