Luật Thanh niên cần chú trọng hướng đến đối tượng đặc thù

(CTG) Theo anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Thường trực TƯ Đoàn, một trong những mục tiêu quan trọng mà Luật Thanh niên sửa đổi cần chú trọng là đưa ra được những chính sách mới mang tính đột phá, phù hợp với đặc thù của thanh niên, tạo điều kiện cho thanh niên phát huy được quyền, nghĩa vụ trong xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước.

 

Ngày 8/1 tại Đà Nẵng, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Bộ Nội vụ, Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức Hội nghị Tình hình thực hiện Luật Thanh niên và những kiến nghị cho Luật Thanh niên (sửa đổi).

Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng tại hội thảo.

Tại Hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, về quyền và nghĩa vụ của thanh niên, dự thảo Luật lần này chưa có điểm mới, chưa có những chính sách đột phá, đặc thù đối với thanh niên, có phần lặp lại những điều đã nêu trong các luật và bộ luật khác.

Theo GS.TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, dự thảo Luật Thanh niên chưa khắc phục được hạn chế của Luật Thanh niên năm 2005, quy định quyền của thanh niên còn chung chung, đúng cho mọi công dân chứ chưa thể hiện được các quyền đặc thù cho một đối tượng đặc thù là thanh niên.

“Nên rà soát lại những điều mà các luật khác đã quy định xem còn lại gì để từ đó xây dựng chính sách. Cũng cần có các chính sách cụ thể hơn về các đối tượng thanh niên đặc thù”, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, nêu ý kiến.

 

Bí thư thường trực TƯ Đoàn Nguyễn Anh Tuấn (bìa trái) trao đổi về các quan điểm sửa đổi Luật Thanh niên với các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: Giang Thanh

Còn theo ông Vũ Trọng Kim, Ủy viên Ủy ban Tư pháp Quốc hội, nguyên Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn, dự thảo Luật tiếp cận các vấn đề thanh niên còn dàn trải, chưa đi vào trọng tâm.

“Thanh niên là công dân Việt Nam. Hiến pháp đã quy định quyền và nghĩa vụ công dân đầy đủ. Vì vậy, ở đây chúng ta nên nhấn mạnh tính đặc thù của đối tượng thanh niên, từ đó đưa ra chế định về quyền và nghĩa vụ thanh niên. Chính sách thanh niên nên xoay quanh 2 trục: Bồi dưỡng và phát huy (sử dụng) thanh niên, nên tránh những điều mà luật khác đã có quy định”, ông Kim nêu ý kiến.

Theo Bí thư Thường trực T.Ư Đoàn, Nguyễn Anh Tuấn, Luật Thanh niên sửa đổi lần này cần đề cập đến những đối tượng thanh niên đặc thù, đưa ra được những chính sách mới mang tính đột phá so với các luật chuyên ngành đã được quy định.

“Nên tiếp cận ở 2 nhóm: Một là chính sách dành cho những nhóm thanh niên tiên tiến, tinh hoa của xã hội để khuyến khích những người giỏi, tài năng, có phẩm chất đặc biệt đóng góp cho xã hội; Thứ hai là nhóm thanh niên yếu thế, thiếu cơ hội phát triển so với các bạn khác như thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên ở vùng sâu vùng xa vùng khó khăn, thanh niên khuyết tật.... Các chính sách đặc thù cần hướng đến những đối tượng thanh niên như vậy, tạo điều kiện để họ tham gia, phát huy năng lực phẩm chất của mình”, anh Tuấn chia sẻ.

Theo TP