'Máu lên não' với đủ kiểu cá tính của sếp, bỏ việc hay hóa giải?

(CTG) Một trong những lý do nghỉ việc, chán nản của nhân viên là do mối quan hệ công việc với sếp không suôn sẻ, nảy sinh mâu thuẫn hoặc có những điều ức chế không thể nói được.

 

"Mình vô công ty chỉ biết cắm cúi làm việc, ai ngờ một ngày nghe đủ chuyện thị phi mà sếp nói về mình. Sốc thật sự, mình đã nộp đơn nghỉ việc mà không lưu luyến gì" - Ngọc Lan (25 tuổi, nhân viên một công ty chuyên về tổ chức tiệc cưới, Q.3, TP.HCM) ngán ngẩm khi nhắc tới sếp cũ.

Dám "thân" với sếp lớn?

Sếp nữ trực tiếp của Lan 40 tuổi, phong cách làm việc cũng trẻ trung, chuyên nghiệp nhưng tính cách rất thất thường. "Ngày tôi mới vô làm, sếp hỏi mình có quen biết ai trong đây không, mình nói không. Sếp căn dặn tập trung làm việc, đừng tạo bè phái. Mình ngạc nhiên lắm nhưng cũng ừ hử cho qua chuyện", Lan kể.

Tính tình Lan vô tư, thẳng thắn nên không ít lần đã để sếp hiểu lầm mà cô không để ý. Lan nói: "Anh trai mình làm bên lĩnh vực nhà đất. Có lần sếp lớn - là nam - muốn mua nhà nên hỏi mọi người trong cữ cà phê sáng là có ai rành đất khu vực quận 12 không. Mình mới nói để về hỏi anh trai, rồi sau đó tư vấn cho sếp mua được căn ưng ý".

Nhưng chuyện đó được truyền đi, trở thành "con Lan nó ghê lắm, nó kiếm nhà cho sếp để lấy lòng", hoặc "chắc nó cũng được gì đó trong vụ này", hay "còn nhỏ mà bày đặt thân với sếp lớn". Sếp lớn mỗi lần đi công tác nước ngoài về luôn có quà cho mọi người, ai cũng có phần nhưng Lan luôn bị các chị chọc ghẹo. Rồi sếp lớn cũng hay chuyện trò với Lan, vì cô hay đi du lịch, biết nhiều câu chuyện thú vị.

"Cho tới khi sếp nữ mỉa mai sao sáng nay cả cái Lan và sếp lớn đều ngáp dài ngáp ngắn, mặc áo giống nhau, mình mới bắt đầu thấy có vấn đề. Tính mình không thích đùa nên phản ứng lại ngay", Lan kể.

Vậy là từ đó, chị đối xử với Lan khác hẳn, cố tình không duyệt ý tưởng của cô, kéo cả phòng đi ăn trưa trừ Lan, rồi những lời xì xào to nhỏ. Tình trạng kéo dài cả nửa năm, Lan cảm thấy quá mệt mỏi, không biết làm sao để giải tỏa nên đành nghỉ việc.

Còn Ngọc Dương (25 tuổi, hiện làm công việc tự do) sau một năm làm nhân viên marketing online cho một sàn giao dịch bất động sản cũng đã nghỉ việc. "Ban đầu sếp tuyển mình để lập kế hoạch marketing online cho công ty, làm cho công ty được biết tới nhiều hơn trên mạng, quản lý fanpage", Dương kể.

Nhưng sau đó ba tháng, khi Dương đang làm tốt nhiệm vụ, sếp bắt đầu áp doanh số cho cả nhóm. Sau mấy lần cô "điều đình" không được, sếp còn dọa giảm lương, Dương và một đồng nghiệp nữa đã xin nghỉ.

Dương chia sẻ: "Sếp không nói thẳng tụi mình bắt buộc phải kinh doanh sản phẩm công ty. Mỗi lần mình tỉ tê rằng tụi em không muốn bị áp doanh số, sếp lại hứa sẽ điều chỉnh. Rồi đâu lại vào đó. Mình thấy hai bên không hiểu nhau nên thôi vậy".

 

 

Sếp như "bà cô chồng khó tính"

"Sếp của mình nói nhiều, hay bắt bẻ hệt như một bà cô chồng khó tính vậy", Thu Uyên (23 tuổi, Q.4, TP.HCM) than thở.

Sau khi hết thời gian thực tập, Uyên được công ty nhận vào làm nhân viên copywriter (viết bài quảng cáo). Cô kể: "Mới vừa tốt nghiệp, mình xin vào công ty luôn, từ đó đến nay cũng được hơn một năm rồi. Trước giờ chưa từng làm việc nơi nào khác nên với người sếp hiện tại, mình vừa thương vừa ghét".

Thương vì lúc còn chân ướt chân ráo bước vào công ty, cô được dẫn dắt, chỉ bảo nhiều điều. Cô nhớ lại: "Mình hì hục cả buổi mới viết được một mẩu quảng cáo, sếp sửa và chỉ nhiều tuyệt chiêu để mình tiến bộ hơn. Nhưng khi mình vào làm chính thức, sếp bỗng nhiên đổi tính đổi nết, từ một người chị hiền dịu trở thành bà cô chồng khó tính".

Uyên kể, nhiều lúc một ngày cô viết hàng chục bài quảng cáo cho khách hàng, từ sáng đến chiều tối. Vừa gửi bài qua email cho sếp lúc chiều ở công ty, chưa về đến nhà đã nhận được điện thoại bắt sửa, làm lại… ngay lập tức.

"Chỉ toàn lỗi lặt vặt, rất nhỏ, nhưng lãnh đạo cũng đánh dấu đỏ rồi trả bài về, đòi sửa chữa, bổ sung. Mình viết cả chục bài là đã quá định mức, lúc đó mới cần sếp là người tổng duyệt, chăm chút cuối cùng chứ", Uyên nói.

Còn theo Tấn Thành (25 tuổi, nhân viên IT), điều đáng sợ nhất ở cấp trên là đùn đẩy việc và hay ghim. "Làm sếp thì phải khó tính, nếu không, lính sẽ nhờn. Và nhân viên làm việc sai, không hiệu quả thì sếp mới la rầy. Nhân viên có áp lực của nhân viên, sếp có cái khó của sếp, nên điều này hoàn toàn có thể chấp nhận và thông cảm được", Thành cho biết.

Tuy nhiên, lãnh đạo của Thành mắc tật hay càm ràm và nhớ rất dai, hay nhắc lại những sự việc nhỏ nhặt. Thành kể, có lần làm một phần mềm cho khách, anh lập trình sai một dòng lệnh, mất cả ngày mới giải quyết được.

"Đây là lỗi mà không ai muốn mắc phải. Chuyện đã qua rồi thì thôi, nhưng sếp cứ nhắc đi nhắc lại. Công ty tổ chức cho nhân viên du lịch, mọi người đang vui vẻ thì sếp lại đá đểu mình về vụ đó, mình rất ngượng và cảm thấy ám ảnh", Thành nói.

Không những thế, những chuyện riêng tư của nhân viên cũng được sếp của Thành quan tâm quá mức. Tính sếp hay bông đùa, nhưng nhiều khi đụng chạm tự ái người khác. "Một chị trong công ty đi làm lại sau khi nghỉ sinh. Vừa đi ngang phòng bảo vệ là sếp đã la lên trời ơi sao nay mập vậy. Một anh mới chia tay người yêu, sếp biết được, và thế là cả công ty đều biết", Thành nói.

Bí kíp giúp tránh "máu dồn lên não"

Sau 15 năm gắn bó từ công việc nhân viên quảng cáo cho đến quản lý website một công ty tin học tại quận 1 (TP.HCM), chị Nguyễn Minh Châu (39 tuổi) hiện đã trở thành "sếp nhỏ". Chị nói: "Hồi mới vô làm mình cũng ức chế, thầm trách sếp không tâm lý này nọ. Từ ngày làm quản lý, mình hiểu rõ làm sếp cũng có những nỗi khổ, áp lực, cũng như làm lính cũng có những điều bực bội, dễ sinh mâu thuẫn".

Chị kể, thời làm nhân viên, không ít lần chị và cấp trên bất đồng quan điểm về giao diện mới của website, về độ dài của các bài đăng, thời gian trực... Biết sếp nóng tính và hơi cố chấp nên chị cứ để nói hết quan điểm rồi mới đưa ra ý kiến, chứng minh bằng những con số, tài liệu với một thái độ hòa nhã, tôn trọng. Dần dần, sếp cũng nhẹ nhàng hơn, và sau này dù chị có làm sai cũng không bị chỉ trích nặng lời nữa.

Còn với email bàn công việc mà có thể khiến "máu dồn lên não", chị thường khoan trả lời và đi uống nước, suy nghĩ nội dung email và xem lại quá trình làm việc của mình có gì không ổn hay không, sau đó mới bình tĩnh trả lời.

"Tập luyện như vậy rất khó, vì cái tôi của mình lớn lắm, dễ che mờ lý trí. Nhưng tôi luôn cố nghĩ mình phải hành xử văn minh, nhìn nhận đúng bản chất vấn đề. Vậy là sau vài lần, cái tôi cũng xẹp xuống", chị nói.

Theo chị Minh Châu, môi trường làm việc phần nào cũng giống cuộc sống ngoài đời, cũng có nhiều kiểu người với những tính cách, lối sống và cách làm việc khác nhau. Sếp cũng không ngoại lệ. "Bạn trẻ mới ra trường, chưa có vốn sống, kinh nghiệm trong môi trường lao động nên dễ hoang mang. Nhưng nếu nhìn nhận vấn đề đơn giản hơn thì nhiều khi chẳng có gì đáng sợ cả", chị cho biết.

"Nhiều người khi mâu thuẫn với lãnh đạo đã chọn cách nghỉ việc. Thế nhưng cuộc sống vẫn phải tiếp tục, và nếu trong cuộc đời mà bạn trẻ gặp thất bại lần đầu đã buông tay như vậy thì sẽ không thể làm được điều họ mong muốn, mơ ước. Người sếp chỉ là một yếu tố trong rất nhiều yếu tố liên quan đến công việc mà thôi. Chị Nguyễn Minh Châu"

Chị chia sẻ: "Khi bị sếp la mắng, không cùng quan điểm, hiểu lầm, o ép, việc đầu tiên bạn trẻ nên làm là giữ bình tĩnh bằng cách không tranh cãi, không tỏ thái độ hằn học, không tâm sự với đồng nghiệp để tránh tam sao thất bản, suy nghĩ thấu đáo xem có đúng là mình bị bức bách do sếp, hay là mình tự suy luận như vậy. Lý do của sự việc là gì, mình có làm gì khiến sự việc trầm trọng hay không, có phải do sếp đang khẩn trương nên hơi quá đáng hay là do mình không thạo việc, mình chảnh không chịu lắng nghe...".

Nếu là do sếp, người sếp sẽ nhận ra và ngày hôm sau sẽ "dịu dàng" với nhân viên. Nếu là do nhân viên thì dĩ nhiên cần làm việc tốt hơn để cả hai bên quên đi những điều không đáng nhớ.

Chị Châu cũng cho rằng, trong mối quan hệ với sếp, quan trọng là bạn trẻ cứ sống và làm việc một cách chuẩn mực, rèn luyện năng lực và cách đối nhân xử thế rồi công việc và các mối quan hệ trong công ty sẽ dần tốt hơn.

"Khi bối rối, bạn trẻ không nên tìm lời khuyên hoặc chat chit, đi uống bia giải sầu và nói xấu sếp với những người cũng trẻ dại như mình, sẽ nhận những lời khuyên phiến diện rồi đưa ra quyết định nông nổi. Nếu không tự giải đáp được tình huống, có thể tìm tới những người nhiều kinh nghiệm sống để giải tỏa và có hướng đi đúng", chị nói.

Theo TTO