Mô hình nuôi hươu lấy nhung của chàng trai dân tộc Tày

(CTG) Tận dụng nguồn thức ăn sẵn có từ những trụ tiêu sống xanh tốt của gia đình, anh Nguyễn Sinh Nghiệp (35 tuổi, dân tộc Tày, ngụ ấp Tân Phước, xã Tân Tiến, H.Bù Đốp, Bình Phước) đã mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi hươu lấy nhung bước đầu cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Anh Nghiệp đang chăm sóc đàn hươu của gia đình. ẢNH: H.G

Hơn 10 năm làm cán bộ thú y xã, anh Nghiệp có nhiều cơ hội gặp gỡ bà con nông dân cũng như tham gia các cuộc hội thảo, lớp học ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp. Cũng chính vì lý do đó, anh Nghiệp đã đầu tư vào nhiều mô hình như nuôi heo, dê, rắn, thỏ…Tất cả tuy phát triển tốt nhưng đầu ra thiếu ổn định khiến anh không thể duy trì được lâu dài.

Đầu năm 2017, trong một lần ghé thăm người bạn đang làm tại một cơ sở chuyên nuôi hươu lấy nhung ở tỉnh Lâm Đồng, được nghe tư vấn về mô hình này anh Nghiệp nhận thấy đây là mô hình chăn nuôi hiệu quả, đầu ra của nhung hươu cũng như thịt hươu thương phẩm được cơ sở bao tiêu nên anh quyết định gom góp tài sản, vay tiền ngân hàng đầu tư gần 130 triệu đồng mua 7 con hươu giống từ Lâm Đồng về nuôi. “Mình thấy mô hình này phù hợp tại địa phương vì nguồn thức ăn của hươu rất dồi dào, nhất là nguồn thức ăn từ nọc tiêu sống nên mình mạnh dạn đầu tư chuồng trại mong phát triển kinh tế gia đình cũng như ‘đi đầu’ để anh em hàng xóm cùng làm, cùng nhau phát triển kinh tế”, anh Nghiệp chia sẻ.

Ngoài chuồng trại được đầu tư kiên cố, sạch sẽ, anh Nghiệp còn mua cả máy nghe nhạc để mở cho hươu nghe. Anh Nghiệp cho biết hươu là loài vật hoang dã nên rất nhát người. Việc mở nhạc cho hươu nghe nhằm giúp vật nuôi này gần gũi hơn với con người, đồng thời giúp hươu ăn, ngủ được, không quậy phá… giúp cho việc phát triển nhanh hơn.

Mô hình chăn nuôi hiệu quả

Cũng Theo anh Nghiệp, nuôi hươu tương đối dễ, ngoài việc đảm bảo tốt về chuồng trại thì thức ăn của hươu chủ yếu là lá keo, cẩm, xoan đào … là những cây xanh được người dân sử dụng làm nọc tiêu. Với gần 2.000 trụ tiêu của gia đình thì nguồn thức ăn cho 7 con hươu là “dư sức”. Bên cạnh đó hươu cũng ít khi bị bệnh, lâu lâu có thể bị khô mũi hoặc bị cảm. Chỉ cần để ý một chút là có thể nhận biết các dấu hiệu trên cũng như cách chữa trị. Sau gần 3 năm, tuổi hươu sẽ bắt đầu cho thu hoạch nhung. Con trưởng thành mỗi năm thu được 2 lần, mỗi lần trung bình từ 0,5 – 0,6kg nhung. Với giá nhung hươu trên thị trường hiện nay khoảng 2,5 triệu đồng/lạng thì mỗi năm một con hươu cho thu nhập từ 25 – 30 triệu đồng tiền lộc nhung. Chưa kể giá trị thịt thương phẩm hiện nay cũng gần 500.000/kg, giá hươu giống dao động từ 15- 25 triệu đồng/con. Chỉ trong vòng một năm, đàn hươu của gia đình anh Nghiệp đã cho thu nhập cả vốn lẫn lãi trên 100 triệu đồng.

“Với đầu ra ổn định, trong thời gian tới tôi sẽ tiếp tục phát triển nhân rộng mô hình này, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ các bạn đoàn viên, thanh niên địa phương mong muốn ‘khởi nghiệp’ từ hươu nhằm giúp nhau phát triển kinh tế bền vững”, anh Nghiệp chia sẻ.

Ông Nông Thanh Hùng - Phó chủ tịch Hội nông dân xã Tân Tiến cho biết: “Xã có diện tích đất tương đối rộng, thức ăn sẵn có phù hợp với việc phát triển mô hình trang trại vừa và nhỏ. Trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục nghiên cứu, nhân rộng mô hình này, đồng thời làm việc với ngân hàng chính sách xã hội nhằm tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, giúp nông dân địa phương mở rộng đàn hươu”.

Theo TN