Nam sinh lớp 12 chế tạo thiết bị chống quên trẻ em trên ôtô

(CTG) Từ nhỏ, khi xem tivi thấy thuyền chạy trên mặt nước Mùi đã hiếu kỳ muốn biết vì sao chiếc thuyền to lớn mà không bị chìm, rồi thấy người ta chế tạo ra ô tô, xe máy Mùi muốn biết nguyên lý hoạt động của chúng ...

 

Tự chế đồ chơi cho mình

Khác với suy nghĩ của tôi trước lúc gặp, nam sinh lớp 12 Thân Qúy Mùi - Trường THPT Lương Phú – huyện Phú Bình – tỉnh Thái Nguyên người sáng chế thiết bị chống quên trẻ em trên ôtô có một ngoại hình thư sinh, ẩn sau cặp kính cận là đôi mắt lém lỉnh với tính cách hài hước.

Mùi sinh ra ở huyện Phú Bình, bố mẹ làm nghề buôn bán bởi vậy Mùi đã tái chế những tấm bìa các tông đựng hàng của bố mẹ thành những chiếc xe đồ chơi cho mình từ lúc còn học cấp 1.

Mùi nói: "Lúc nhỏ, khi xem chương trình khoa học công nghệ trên truyền hình xong em đã tháo tung những chiếc ôtô đồ chơi của bố mẹ mua cho để lấy động cơ lắp ráp vào chiếc xe bằng bìa các tông tự tạo, nhằm thỏa mãn ý thích xe của mình. Rồi lớn lên, những lúc rảnh em cũng hay mày mò, thiết kế cho vui. Mãi đến khi đọc báo, biết câu chuyện một học sinh ở Trường tiểu học Gateway (Hà Nội) bị quên trên xe ô tô dẫn đến tử vong, tiếp đến sự việc tương tự đó xảy ra ở Bắc Ninh rất may em bé đó không sao. Em đã nảy ra ý tưởng mình cần làm gì đó có tính thực tiễn để giúp các em khi bị bỏ quên trên xe ô tô”.

Nam sinh Thân Quý Mùi Trường THPT Lương Phú – huyện Phú Bình – tỉnh Thái Nguyên.

Ý tưởng xuất phát từ những câu chuyện thực tế của cuộc sống, Mùi đem chia sẻ với người anh họ của mình. Nhận được lời động viên, cổ vũ từ anh, Mùi đã say sưa nghiên cứu.

“Em phải mất hai tháng để hoàn thành sản phẩm của mình. Lâu nhất là lập trình để thiết bị có thể hoạt động được. Kiến thức về lập trình của em gần như không có, nên em đã phải nhờ sự cố vấn của thầy giáo bộ môn, bạn của anh trai học về công nghệ thông tin. Bên cạnh sự giúp đỡ của anh về nguyên lý hoạt động của các động cơ giúp em để hoàn thiện sản phẩm của mình”, Mùi cho biết.

Do sinh sống ở huyện, để mua được thiết bị cho công trình, Mùi tự mình lên thành phố Thái Nguyên – cách nhà 40km để tìm kiếm. "Cũng may, các thiết bị để dùng cho công trình của em khá đơn giản nên em không quá khó khăn để tìm. Tuy nhiên, do thử nghiệm nhiều lần bị cháy, quá trình đi mua cũng mất khá nhiều thời gian", Mùi nói.

Sau 5 lần thử nghiệm đến lần thứ 6 sản phẩm “Thiết bị chống để quên trẻ trên ôtô” mới thành công. Cơ chế hoạt động của “Thiết bị chống quên trẻ em trên ôtô” như sau: ôtô dừng hoạt động, thiết bị chống quên trẻ em trên ôtô bắt đầu hoạt động. Khi có người mắc kẹt trên xe đang cố đi lại tìm cách thoát ra thì thiết bị sẽ nhận tín hiệu như: có tiếng động hoặc người di chuyển khi xe đã dừng hoạt động. Từ đó, cảm biến chuyển động sẽ nhận diện được hoạt động rồi báo về cho aduno. Và aduno sẽ chuyển về cho modul sim và modul sim sẽ báo về cho: phụ huynh, nhà trường hoặc cùng lúc có thể báo cho nhiều người để giải cứu.

Đồng thời, cảm biến nhiệt lúc này cũng hoạt động để đo được nhiệt độ bên trong xe, nếu vượt qua mức mình cài đặt gây nguy hiểm cho người bị mắc kẹt trong xe (bị quên trong xe) thì cảm biến nhiệt sẽ kích hoạt để điều hòa không khí để chờ người đến giải cứu.

Theo như thử nghiệm trên mô hình khi sử dụng dòng diện bằng ác quy 12v, thiết bị này có thể chạy liên tục từ 12 đến 14 tiếng.

Mùi cũng tâm sự: "Vì em sống ở huyện, việc đưa đón học sinh bằng ôtô chưa phổ biến, bởi vậy cơ hội để ứng dụng vào các xe đưa đón học sinh còn bị hạn chế. Em mong muốn khi đưa công trình “Thiết kế, chế tạo thiết bị chống quên trẻ em trên xe ôtô" của mình tham dự cuộc thi "Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2020” sẽ nhận được những góp ý, đánh giá từ Hội đồng Ban giám khảo để hoàn thiện hơn và có cơ hội được sử dụng rộng rãi".

Đề tài khoa học kỹ thuật được nhiều người đón nhận

Khi Mùi đưa đề tài đến tham dự Ngày hội khoa học của trường, đề tài của em đã không được chọn đi tham dự cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học. Tuy nhiên, thầy giáo bộ môn Vật lý của em đã đứng ra thuyết phục ban giám hiệu bởi vậy đề tài của em đã được đưa đi tham dự.

Sau khi tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật giành cho học sinh THPT lần thứ VIII công trình sáng kiến của Mùi đã giành giải Nhì cấp tỉnh.

“Khi đi tham gia dự giải cấp tỉnh, sau khi thuyết trình về đề tài của mình em đã được hội đồng đánh giá rất cao và có tính khả thi. Bất ngờ hơn, em được giải Nhì cấp tỉnh. Lúc đó em vui lắm. Lần đầu tiên tham dự, được thỏa thích đam mê nghiên cứu khoa học của mình”.

Theo như chia sẻ của thầy Kiều Thanh Bắc giáo viên môn Vật lý - Trường THPT Lương Phú chia sẻ: “Thực sự khi thấy đề tài của Mùi đưa lên tham gia Ngày hội nghiên cứu khoa học của trường tôi thấy tính nhân văn rất cao. Đặc biệt, đề tài được đưa ra sau khi có sự cố quên học sinh trên xe ở Hà Nội dẫn đến tử vong, rồi ở Bắc Ninh nữa nên tôi thấy cần phải hỗ trợ em để em có thể phát triển ý tưởng của mình tốt hơn”.

Thầy Kiều cũng cho biết thêm, mới đầu thiết bị chỉ kêu khi có hiện tượng quên trẻ trên xe. Sau đó tôi đã gợi ý cho Mùi nếu trường hợp kêu nhưng không ai phát hiện ra, nhắn tin chuông bé không nghe thấy thì sao? Từ những gợi ý đó Mùi đã cái tiến thêm chức năng gọi điện.

Sau khi cải tiến, đến thời điểm này "Thiết bị chống quên trẻ em trên xe ôtô" có thể một lúc gọi điện cho nhiều người đến giải cứu.

Chia sẻ thêm về cậu học sinh của mình, thầy Bắc cũng cho biết Mùi là cậu học trò hiền lành, ham học hỏi. Trong các hoạt động nghiên cứu khoa học của trường Mùi cũng tích cực tham gia.

Bài viết kể về câu chuyện “Thiết kế, chế tạo thiết bị chống quên trẻ em trên xe ôtô”. Đây cũng là công trình dự thi Chương trình tri thức trẻ vì giáo dục năm 2020. Tác giả của công trình gồm: Nhóm trưởng – người đưa ra sáng kiến: Thân Qúy Mùi; Thành viên viên nhóm: Đỗ Bảo Ngọc. Người hướng dẫn: Giáo viên môn Vật lý - Kiều Thanh Bắc.

Hành trình Tri thức trẻ vì giáo dục là cuộc thi do BTC chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục cùng nhãn hàng Bizner của Tập đoàn Thiên Long thực hiện.

 

Theo CL