Nghỉ học vì dịch Covid-19: Học sinh cuối cấp sẽ học thi ra sao?

Trước những diễn biến thực tế của dịch Covid-19, học sinh lớp 12 và các cấp học khác tiếp tục nghỉ đến ngày 15.3. Diễn biến này sẽ khiến việc học, thi của học sinh cuối cấp lớp 9, đặc biệt lớp 12 sẽ ra sao?

Hà Nội cho học sinh cuối cấp học “chính khóa” qua truyền hình

Từ sáng 9.3, Sở GD-ĐT TP.Hà Nội và Đài phát thanh - truyền hình Hà Nội tổ chức sản xuất và phát sóng chương trình học trên truyền hình các môn dành cho học sinh (HS) lớp 9 và lớp 12 ôn luyện, học tập. Lịch phát sóng tuần từ 9 - 14.3 trên kênh 1.
 
Các bài giảng truyền hình là các bài tiếp nối trong chương trình lớp 9 và lớp 12 năm học 2019 - 2020 sẽ góp phần củng cố kiến thức, kỹ năng cho HS trước các kỳ thi tuyển sinh và THPT quốc gia. Lớp 9 gồm các môn ngữ văn, toán và tiếng Anh; lớp 12 gồm các môn ngữ văn, toán, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân và tiếng Anh.
 
Ông Lê Ngọc Quang, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.Hà Nội, cho biết Sở đã huy động gần 50 cán bộ, giáo viên THCS, THPT xây dựng nội dung, thiết kế bài giảng đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng, theo chương trình giáo dục hiện hành và cùng Đài phát thanh - truyền hình Hà Nội ghi hình, chuẩn bị phát sóng. “Đây là các bài giảng mới, tiếp nối các bài học mà các em đã học trước khi nghỉ để phòng, chống dịch Covid-19 chứ không phải ôn lại các bài đã học”, ông Quang nói.
 
Sở GD-ĐT TP.Hà Nội có thể sẽ tiếp tục xây dựng bài giảng để dạy học trên truyền hình đối với các khối lớp khác. Ghi nhận cho thấy sau ngày đầu tiên dạy - học qua truyền hình, nhiều HS Hà Nội có đánh giá khá tích cực: giáo viên giảng bài kỹ, dễ hiểu và tỏ ra có kinh nghiệm về dạy học trực tuyến. Đặc biệt, với dạy học qua truyền hình, không có sự tương tác, HS không nêu thắc mắc để giải đáp ngay được nên rất cần giáo viên dạy đến đâu, HS hiểu đến đó.
 
Trước đó, từ ngày 21.2, Sở GD-ĐT TP.Hà Nội đã triển khai hệ thống ôn tập trực tuyến đối với 7 môn cho HS lớp 8 và lớp 9. Đã có khoảng 120.000 HS tham gia ôn tập (hơn 54%). Theo ông Quang, Sở GD-ĐT đang triển khai hình thức này với HS lớp 12.
 
Với kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, HS Hà Nội sẽ phải dự thi 4 bài độc lập, gồm: toán, ngữ văn, ngoại ngữ và bài thi thứ tư, được chọn ngẫu nhiên thuộc một trong các môn: vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, giáo dục công dân, địa lý.

TP.HCM học trực tuyến, qua truyền hình

HS lớp 12 tại TP.HCM tiếp tục kéo dài thời gian tạm nghỉ đến hết ngày 15.3 thay cho việc trở lại trường vào ngày 9.3.
 
Trong thời gian này, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay các trường tiếp tục đẩy mạnh hình thức dạy học trực tuyến, khuyến khích, hướng dẫn HS tiếp tục theo dõi các bài giảng dưới dạng chuyên đề kiến thức do Sở phối hợp với Đài truyền hình TP.HCM thực hiện phát sóng trong thời gian qua. Những bài giảng này nhằm củng cố, ôn tập kiến thức, giúp HS nâng cao ý thức học tập khi không thể tham gia việc học tại trường.
 
Các chủ đề ôn tập kiến thức dành cho HS lớp 9 và 12 sẽ được tổ chức phát sóng trên kênh HTV Key. Khung thời gian phát sóng cụ thể: buổi sáng vào lúc 8, 9, 10 giờ các môn toán, ngữ văn và tiếng Anh lớp 9. Buổi chiều vào lúc 14, 15, 16 giờ phát các chủ đề ôn tập các môn toán, vật lý, hóa học lớp 12.
 
Nguyễn Mỹ Hương, HS lớp 12 Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM), cho hay: “Qua những bài giảng và bài tập online của giáo viên, em đã ôn được một số kiến thức cũ. Tuy nhiên, việc học online  không thật sự có hiệu quả đối với một HS thích phát biểu và học trực tiếp với giáo viên như em”.
 
Chính vì thế, theo Mỹ Hương, em đã cố gắng tranh thủ ôn lại những bài đã học ở nhà đi cùng với việc trao đổi với giáo viên khi có những bài tập khó mà mình không giải được; hay ôn lại những kiến thức từ các video dạy học trực tuyến trên mạng từ đó từng bước cố gắng lấy lại phong độ học tập chuẩn bị cho các kỳ thi sắp tới.
 
Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Bảo Quốc, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), cho biết: “Quả thật, việc học online chủ yếu nhằm củng cố kiến thức và giúp HS không xao nhãng nhiệm vụ học tập chứ hiệu quả không như mong muốn. Thực tế, có HS, không cần thầy cô nhắc nhở vẫn chủ động ôn bài, học tập, tìm kiến thức nâng cao. Nhưng có những HS, không có giáo viên “thúc” thì lơ là ngay”.
 
Một lãnh đạo Phòng Giáo dục trung học của Sở GD-ĐT TP.HCM cũng nói rằng dù học trực tuyến có hoạt động trao đổi giữa thầy và trò nhưng tương tác không có cảm xúc như lớp học trực tiếp nên hiệu quả không cao. Vì vậy, ông Bảo Quốc cũng nói rằng bên cạnh hình thức kết nối giữa nhà trường, giáo viên với HS thì rất cần sự hỗ trợ, phối hợp của phụ huynh để cùng khuyến khích tinh thần học tập của các em trong giai đoạn này.
 
Trước những ý kiến này, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết trong thời gian cho HS tạm nghỉ học, các trường duy trì liên lạc giữa nhà trường với gia đình và giáo viên. Trong giai đoạn này, liên hệ giữa giáo viên chủ nhiệm với HS rất quan trọng vì ngoài việc giao nhiệm vụ học tập, giáo viên còn hướng dẫn HS tự học qua các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường. Sở GD-ĐT khuyến khích giáo viên giao cho HS các nhiệm vụ học tập có sự kết hợp giữa việc ôn tập, hệ thống hóa kiến thức và việc vận dụng kiến thức trong phòng, chống bệnh dịch Covid-19.
 
8 địa phương tiếp tục cho học sinh lớp 9 và 12 nghỉ học
 
Theo Bộ GD-ĐT, đến ngày 9.3, đã có 63/63 tỉnh, TP tiếp tục cho HS mầm non, tiểu học và THCS tiếp tục nghỉ học đến hết ngày 15.3. Trong đó, có 8 tỉnh, TP: Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thừa Thiên-Huế, Sơn La, Tiền Giang và TP.HCM cho toàn bộ HS từ mầm non tới THPT, giáo dục thường xuyên nghỉ học đến hết ngày 15.3.
 
Có 55/63 tỉnh, TP cho HS THPT đi học trở lại từ ngày 9.3, trong đó một số tỉnh chỉ cho HS lớp 12 đi học, còn khối 10 và khối 11 tiếp tục nghỉ, như: Tuyên Quang, Vĩnh Long, Thái Bình.
Bộ GD-ĐT cho biết nếu cần thiết sẽ có chỉ đạo phù hợp về khung kế hoạch thời gian năm học.
 
Củng cố kiến thức bằng các phần mềm học trực tuyến
 
Ngày 9.3, Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng cho biết trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, HS các cấp tại Đà Nẵng tiếp tục nghỉ học và được hướng dẫn học tập tại nhà thông qua các phần mềm miễn phí học trực tuyến của VNPT, Viettel, FPT.
 
Đối với HS lớp 12, Sở GD-ĐT tiếp tục có văn bản hướng dẫn các đơn vị trường học kết nối, củng cố bài học cho HS thông qua ứng dụng vnEduTeacher và vnEduConnect (ứng dụng dùng cho điện thoại), hỗ trợ giáo viên giao bài tập cho HS từ file ảnh hoặc bài tập file Word, nhận bài và chấm điểm bài tập cho HS qua mạng internet.
 
Bên cạnh đó, mạng xã hội học tập ViettelStudy cũng được cung cấp miễn phí để nhà trường, giáo viên kết nối với HS củng cố kiến thức. Thông qua hệ thống này, giáo viên có thể tổ chức lớp học trực tuyến qua hình thức livestream bài giảng, đưa các nội dung bài học, bài kiểm tra (dưới dạng video, tài liệu, câu hỏi ôn tập…) lên hệ thống, xem kết quả bài tập của HS. HS cũng có thể tham gia lớp học trực tuyến, ôn tập, xem kết quả bài kiểm tra, xem phần kiến thức còn hổng, trao đổi với giáo viên và các bạn ngay sau khi làm bài.
 
Công ty cổ phần FPT cũng sẽ hỗ trợ hình thức học online miễn phí trên hệ thống giáo dục trực tuyến vioEdu (vio.edu.vn) trong thời gian tạm nghỉ học để phòng dịch. Hệ thống vioEdu cung cấp kho video bài giảng hoạt hình với nhiều tình huống thực tế bám sát nội dung chương trình của Bộ GD-ĐT...
 
Hiện tại rất nhiều học sinh cuối cấp lo lắng vì nghỉ học dài ngày để tránh dịch Covid-19 ảnh hương đến lịch học và thư cử.
 
Nguồn TNO
T.LN2