Người trẻ chung sức về biên giới thời đại dịch

(CTG) Những ngày này, mưa rả rích cứ kéo dài ở miền biên viễn. Trải dài dọc theo tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia có rất nhiều chốt kiểm soát dịch Covid-19 của lực lượng Bộ đội Biên phòng được thành lập tại những vị trí “huyết mạch”, giao cắt những đường mòn, lối mở, nhằm giữ bình yên ở miền biên giới. Cuộc chiến với dịch COVID-19 là một hành trình lâu dài và bền bỉ mà những cán bộ, chiến sĩ biên phòng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, vượt qua mọi khó khăn, vất vả, kiên trì bám chốt bám biên.

 

Thấu hiểu và chia sẻ những điều kể trên, trong những ngày qua, các bạn trẻ TP. HCM và Tỉnh Đoàn Bình Phước đã cùng thực hiện nhiều hoạt động đầy ý nghĩa và thiết thực để chung tay lan tỏa tình người ấm áp trên vùng biên giới.

Chuyện phim về Lá Chắn Thép

Để góp sức cùng lan tỏa, Nhà báo - đạo Diễn Thu Trang, Hãng phim Truyền hình TFS, Đài Truyền hình TP. HCM và ê-kip làm phim đã nhanh chóng lên ý tưởng, bắt tay ngay vào việc xây dựng Phim tài liệu về đề tài chống dịch.

Bí thư Tỉnh Đoàn Bình Phước Trần Quốc Duy (bên phải) - người cùng ĐVTN địa phương chung tay, góp sức trẻ dựng phim về Lá Chắn thép là một thủ lĩnh thanh niên tiêu biểu.

Chuyện phim kể về hành trình chiến đấu với đại dịch Covid-19 đầy gian nan tại các vùng biên giới ở một số tỉnh khu vực phía Nam; qua đó khắc họa đậm nét hình ảnh người chiến sĩ biên phòng cùng mối quan hệ nghĩa tình giữa quân và dân đã tạo nên tấm lá chắn vững vàng tại tuyến đầu chống dịch ở miền biên cương.

Bối cảnh phim trải dài các tỉnh biên giới phía Nam; trong đó có một phần ở các huyện Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước - nơi vốn được mệnh danh là “rừng thiêng nước độc”. Chuyện phim khơi mở cùng nhiều khó khăn, gian khổ của những người lính quân hàm xanh đang ngày đêm trực chiến tại các chốt đường mòn, lối mở, kiên trì bám biên chống dịch, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 từ biên giới.

Đan xen với hình ảnh những người lính biên phòng là câu chuyện thắm tình, đượm nghĩa của các cư dân vùng biên, đặc biệt tại những bản làng của bà con đồng bào dân tộc thiểu số: S’tiêng, Khơme, Chăm... Ở những nơi ấy, sự sẻ chia có khi chỉ là mớ măng rừng, ít rau bản, đôi chậu nước mưa, vài viên thuốc đắng, chút cá khô... nhưng lại là cả một tấm lòng. Từ trong gian khó, có biết bao điều tử tế được sinh sôi, nảy nở.

Ê-kip làm phim đã góp nhặt được những hình ảnh và chi tiết đắt giá trong suốt hành trình trải nghiệm cùng người lính biên phòng: ăn chốt, ngủ rừng, tuần tra xuyên đêm dưới màn sương lạnh, hứng chịu bao mối nguy hiểm từ muỗi, rắn, vắt, côn trùng… trong điều kiện vất vả, thiếu thốn trăm bề. Pha lẫn vào đó là tình yêu, niềm tin, sự lạc quan, vượt khó. Khi nào hết dịch, người chiến sĩ sẽ được trở về thăm gia đình, bạn bè, đồng đội, người thân.

Thắp lửa nơi biên cương

Cùng đồng hành và lan tỏa, nữ nhà văn vượt lên số phận Trần Trà My (SN 1986) dù di chuyển rất khó khăn do cơ thể không lành lặn nhưng đã vượt đường xa, đến tận nơi để thăm và trao tặng chiến sĩ biên phòng ở các chốt chống dịch quyển sách “Tin vào điều tử tế”; đồng thời chia sẻ, động viên các cán bộ, chiến sĩ vững vàng, lạc quan và vượt qua những khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Nằm trong chuỗi các hoạt động truyền cảm hứng, nữ nhà văn đầy nghị lực này đã vượt qua những khiếm khuyết của bản thân để tham gia nhiều dự án, chương trình giao lưu, thiện nguyện có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng như: “Khi Tổ quốc gọi tên”, “Thắp sáng biên cương”, “Chia sẻ yêu thương - Nghĩa tình biên giới”, “Tiếng gọi biên cương”...

Sự tham gia của My trong những dự án, chương trình nói trên nhằm truyền thông điệp tử tế đến mọi người, phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ cùng chung tay san sẻ với các đối tượng, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn; “Tiếp lửu” cho các cán bộ, chiến sĩ biên phòng cùng các lực lượng phối hợp khác tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ ở các chốt đường mòn, lối mở khu vực biên giới để phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Góp sức trẻ để cùng dựng phim

Chung tay tạo nên một Lá Chắn Thép ở miền biên viễn là lực lượng Đoàn thanh niên, đại diện là anh Trần Quốc Duy - Bí thư Tỉnh Đoàn Bình Phước - một trong những gương mặt trẻ tiêu biểu.

Anh từng là Đại sứ sinh viên quốc tế, Đại sứ hữu nghị tại TP. Brisbane (bang Queensland, nước Úc), Đại sứ Hội nghị Thượng đỉnh kinh tế các thành phố Châu Á - Thái Bình Dương, Đại sứ thiện chí của Hành trình thiện nguyện “Khát vọng rừng xanh” và là lãnh đạo đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam trong hàng chục Chương trình giao lưu thanh niên quốc tế…

Đồng hành trong hành trình hướng về biên cương lần này, Bí thư Tỉnh Đoàn Bình Phước Trần Quốc Duy đã “chắp bút” thiết kế lộ trình thực hiện các cảnh quay; cùng các bạn trẻ tỉnh nhà đến thăm các chốt biên phòng và thực hiện công tác vận động, tuyên truyền chống dịch ở các bản làng của bà con đồng bào dân tộc S’tiêng; vận động xã hội hóa lắp đèn năng lượng mặt trời thắp sáng tại một số điểm chốt trong rừng sâu.

“Đây là lần thứ hai mình tham gia làm phim tài liệu. Lần này, những người trẻ chúng mình kỳ vọng sẽ có thể cùng tạo nên một bộ phim đầy thực tế, để lại ấn tượng trong lòng công chúng, góp phần giúp mọi người hiểu và chia sẻ với những khó khăn của các lực lượng tuyến đầu ngăn dịch nơi biên giới, qua đó đoàn kết một lòng, chung tay chiến đấu, từng bước đẩy lùi dịch Covid-19”, Bí thư Tỉnh Đoàn Bình Phước Trần Quốc Duy bộc bạch với vẻ hào hứng khó tả.

Anh Trần Quốc Duy - Bí thư Tỉnh Đoàn Bình Phước (bên trái, phía ngoài cùng) cùng công ty Yến Sào Nam Phú (huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) lắp đèn năng lượng mặt trời trong đêm để nhanh chóng “thắp sáng biên cương”.

Bên cạnh việc truyền cảm hứng, hình thành tư duy tích cực, lý tưởng và khát vọng sống đẹp đến với những người lính biên phòng đang tham gia làm nhiệm vụ tại các đồn, chốt..., các bạn trẻ đã nhiệt tình vận động các nguồn lực xã hội, gặp gỡ, động viên, san sẻ khó khăn với các chiến sĩ biên phòng, người dân vùng sâu, vùng xa, các bản làng dân tộc ít người chịu sự tác động của dịch bệnh Covid-19...

Dịch Covid-19 bủa vây đã tạo ra những thời khắc lịch sử khó quên của dân tộc Việt; trong đó, tình cảm, vai trò và trách nhiệm của thế hệ trẻ trong công cuộc cùng cộng đồng chung tay chống dịch đã được thể hiện rõ. Với lý tưởng của những người trẻ tuổi, họ đã hành động bằng nhiều cách khác nhau với mong muốn chia sẻ, lan tỏa tinh thần yêu nước, yêu quê hương, Tổ quốc.

Được biết, trong quá trình ghi hình, Tỉnh Đoàn Bình Phước đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh để chuẩn bị các khung cảnh phù hợp nhằm góp phần tạo nên một bộ phim mang tính chân thực cao dựa trên nguyên tắc dù dàn dựng hay tái hiện các sự kiện, sự việc thì vẫn phải tôn trọng sự thật đến mức tối đa.

Thắng Trân
Tỉnh Đoàn Bình Thuận