Nhà tài trợ duy nhất là Mẹ! Tình nguyện viên duy nhất cũng là Mẹ!

Bị liệt toàn thân từ khi mới sinh ra và không một ngày được đến trường học, Nhưng anh Đỗ Hà Cừ (36 tuổi) vẫn viết sách, làm thơ và mở ra rất nhiều thư viện miễn phí cho cộng đồng.

Trong căn nhà nhỏ ở tổ 35, phường Trần Lãm, TP.Thái Bình, anh Đỗ Hà Cừ (36 tuổi) chỉ nằm một chỗ, chân tay co quắp, chỉ duy nhất 1 ngón tay trỏ có thể cử động. Anh đã nằm liệt như thế từ khi mới sinh ra vì di chứng chất độc da cam. Mọi sinh hoạt của anh đều phải có người hỗ trợ. Mặc dù không một ngày được đến trường, nhưng giờ đây anh viết sách, làm thơ. Đặc biệt anh đã thành lập 15 không gian đọc miễn phí (do người khuyết tật quản lý), để truyền cảm hứng đọc sách đến cho nhiều người, nhất là các em học sinh.

Chiều cuối tuần là nhà anh lại đông vui do có nhiều người đến mượn sách, đọc sách ở không gian đọc Hy vọng do chính anh mở tại nhà mình. Anh nằm liệt trên chiếc xe đẩy nhưng lúc nào cũng tươi cười chào đón mọi người và bàn luận đủ các câu chuyện đang diễn ra trong đời sống xã hội. Mặc dù nói chuyện khó khăn bởi anh phải gồng mình lên mới phát ra âm thanh nhưng anh luôn hào hứng.

Chia sẻ về việc học chữ, anh Cừ kể: “Đến tuổi đi học cả tôi, bố mẹ nghĩ khuyết tật nặng thế này đến cầm bút còn không cầm được thì dạy chữ phỏng ích gì. Tôi cũng nghĩ thế, nhưng một lần nhìn các bạn bị khiếm thị còn cố gắng học chữ nổi, cố gắng đọc sách để hiểu biết hơn. Tôi tự hỏi, tại sao mình con đôi mắt sáng mà mình không cố gắng đọc sách để biết thêm tri thức, mặc dù có thể tri thức ấy chỉ dành riêng cho mình thôi, chả làm được gì cả. Hôm nay thì những tri thức ấy tôi đã vận dụng được để phục vụ cho cộng đồng, cho những người khuyết tật khác như tôi”.

Anh cũng cho biết đến nay đã đọc được hàng ngàn cuốn sách. “Lúc mới biết chữ tôi đọc truyện tranh. Lúc biết nhiều chữ tôi đọc các sách về kỹ năng sống, phát triển phản thân. Lớn lên tôi đọc nhiều tiểu thuyết, truyện kinh điển của Trung Quốc…đặc biệt là về lịch sử Việt Nam”, anh Cừ kể.

Anh Cừ cho biết đến năm 10 tuổi thì anh biết đọc. Lúc nào anh cũng thích có sách trong nhà để đọc. Hoàn cảnh gia đình anh còn khó khăn, anh thường nhờ mẹ lấy những cuốn sách giáo khoa của em trai và mượn thêm sách, báo để đọc. Do bàn tay của anh chỉ có một ngón có thể cử động, khó khăn giở từng trang nên sách anh mượn về thường bị nhàu, hỏng nhiều người vì thế cũng không muốn cho mượn.

“Vốn dĩ thích đọc sách từ bé, trước kia tivi không có, đài cũng không, chỉ có sách là bạn. Sách mượn của hàng xóm, họ hàng cũng hết rồi. Bởi vậy, tôi luôn mong mình có một tủ sách nho nhỏ, thỏa mơ ước được tiếp cận nhiều hơn với cuộc sống bên ngoài”, anh Cừ chia sẻ. Cũng từ đó anh ấp ủ ý tưởng thành lập thư viện đầu tiên ngay tại nhà mình.

Thế rồi anh đã vận động được một số tổ chức, cá nhân ủng hộ sách, báo. Đến tháng 7.2015, không gian đọc mà anh mơ ước đã ra đời với tên gọi “Hy vọng”. Từ vài trăm cuốn sách đầu tiên giờ đây, “Hy vọng” đã trở thành địa chỉ quen thuộc với nhiều học sinh tỉnh Thái Bình với 4.000 đầu sách, đa dạng từ truyện thiếu nhi đến sách tham khảo phổ thông, tiểu thuyết, sách lịch sử và luôn mở cửa miễn phí cho những người yêu sách, đặc biệt là các thanh thiếu nhi trên địa bàn.

Mỗi chiều cuối tuần, những người đam mê sách tại TP.Thái Bình lại tìm đến đây để được trao đổi, mượn sách và gặp gỡ, trò chuyện với anh thủ thư mê sách. Ngoài giờ học, nhiều học sinh tự nguyện làm các tình nguyện viên, giúp đỡ anh Cừ nhập sách mới, sắp xếp giá sách hay ghi sổ danh sách độc giả mượn, trả sách.

Anh Cừ tâm sự, từ ngày có không gian đọc anh thấy cuộc sống ý nghĩa hơn. “Từ khi thành lập tủ sách thì tôi vui, thứ nhất tôi đọc nhiều sách, thỏa mãn niềm đam mê của mình đã ao ước. Sau này tôi được tiếp xúc với nhiều bạn yêu sách như mình và thế giới bên ngoài nhiều hơn để truyền cảm hứng đọc sách cho mọi người”, anh Cừ phấn khởi chia sẻ.

Đặc biệt từ ngày có không gian đọc và kết nối được với nhiều người khuyết tật như mình, anh Cừ đã nảy ra ý tưởng thành lập những không gian đọc tương tự cho người khuyết tật quản lý để lan tỏa đam mê đọc sách, xa hơn là hình thành văn hóa đọc cho mọi người, đặc biệt là học sinh, sinh viên.

Từ không gian đọc “Hy vọng”, đến nay đã anh Đỗ Hà Cừ đã giúp 15 thủ thư đặc biệt hình thành 15 không gian đọc miễn phí ở Thái Bình, Hải Dương, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Đắk Nông. Trong đó có không gian đọc “Niềm tin” của chị Nguyễn Thị Lan Hương (26 tuổi) tại xã Đông Hợp, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình; Không gian đọc Vũ Long của Trần Vũ Long (9 tuổi), ở xóm Ông Khiêu,  xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương; Không gian đọc Ước Mơ của chị Trần Thị Mượt (28 tuổi), thôn Văn Quan, xã Duyên Hải, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình… Các không gian đọc này đều do người khuyết tật quản lý đã thu hút nhiều bạn trẻ đến đọc sách và mang lại niềm vui lớn lao cho cuộc sống của họ.

Chị Vũ Hương, mẹ của Trần Vũ Long ở Cẩm Giàng, Hải Dương cho biết, con trai khuyết tật bẩm sinh, biết nghị lực của Đỗ Hà Cừ nên đã kết nối với anh. Nhờ sự giúp đỡ của anh Cừ một thư viện nhỏ mang tên con trai chị đã đi vào hoạt động. Từ đó con chị đã trở nên vui vẻ, hoạt bát hơn khi có nhiều bạn bè đến đọc sách và trò chuyện.

Suốt 5 năm qua, lúc đầu vận động sách gặp nhiều khó khăn, anh Cừ phải viết email đi xin khắp nơi, từ các công ty sách, đến các nhà xuất bản, các nhà hảo tâm. “Muốn vận động sách cho người khuyết tật cũng rất khó, vì phải thuyết phục nhà tài trợ. Để vận động sách tôi viết bài kêu gọi trên mạng. Tôi viết chậm, khó khăn lắm, có khi cả đêm mới viết được 1 bài. Có những đêm tôi viết đến 4 sáng, người toát hết mồ hôi, ướt hết áo. Mẹ tôi ngồi cạnh phải thay áo mới đi ngủ. Sáng mai lại làm, lại ướt”, anh Cừ kể.

Để vận động được người khuyết tật mở tủ sách anh Cừ còn bỏ tiền túi ra thuê xe cho những người khuyết tật chưa bao giờ ra khỏi nhà, đến thăm quan các mô hình tủ sách do anh thành lập, từ đó làm động lực để họ vượt qua mặc cảm tự ti, vươn lên trong cuộc sống. Có người khuyết tật thích mở nhưng bị bố mẹ ngăn cản, anh lại phải đến từng nhà thuyết phục gia đình họ…

Mặc dù khó khăn như thế nhưng anh Cừ vẫn cố gắng mỗi ngày. “Những người khuyết tật như mình đang khao khát được tiếp xúc với nguồn kiến thức dồi dào từ những nguồn sách ấy, bao nhiêu người ở nông thôn khao khát được đọc sách thì làm sao mình có thể nản chí được”, anh Cừ trải lòng.

Chia sẻ về mong muốn của mình anh Cừ cho biết, năm 2020 anh muốn vận động thành lập được 14 tủ sách cho người khuyết tật. “Hiện nhiều người khuyết tật cũng mong muốn mở tủ sách như tôi nhưng gia đình họ nghèo nên không cho làm. Thành lập mỗi tủ sách phải có hàng chục triệu đồng và có nguồn kinh phí hỗ trợ hàng tháng để họ chi trả tiền văn phòng phẩm, điện nước …phục vụ cộng đồng. Vì thế tôi lên mạng kêu gọi hỗ trợ nhưng cũng khó lắm, có khi kêu gọi hàng tháng trời chỉ được vài triệu đồng thôi”, anh Cừ bày tỏ.

Năm nay anh Cừ 36 tuổi cũng là 36 năm mẹ anh bà Nguyễn Kim Sơn (67 tuổi) mẹ anh đã gian nan “chiến đấu” với số phận cùng con. Bà kể, bà là một kỹ sư thủy lợi còn chồng là một quân nhân từng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Bà lấy chồng năm 1983 thì năm 1984 sinh ra Cừ là đứa con đầu lòng của mình. Khi mới sinh, trông Cừ lành lặn như bao đứa trẻ khác, nhưng đến 4 tháng tuổi thì bà nhận ra có điều bất thường vì cứ đặt đâu Cừ chỉ nằm bất động ở đó, không thể nhấc được đầu lên. 

Bà đóng một cái nôi gỗ cho Cừ nằm, đặt lên xe đạp, đi khắp các tỉnh Thái Bình, Hải Phòng, Hà Nội... chữa trị. Nhưng đến năm 5 tuổi, hy vọng chữa khỏi bệnh cho Cừ bị dập tắt khi anh được kết luận bị di chứng chất độc da cam từ bố.

"Đêm nào tôi cũng nằm ngắm con. Thấy nó trắng trẻo, bụ bẫm, lòng tôi càng thấy đau, thấy tiếc. Bạn tôi bảo nếu là tôi, họ sẽ nằm khóc suốt ngày. Tôi nói nếu nằm khóc một ngày, hai ngày hay một tháng, một năm, hai năm rồi cũng nín thôi. Nhưng mình sinh ra con khuyết tật là lỗi của mình chứ không phải do con, vì vậy mình phải nỗ lực làm sao cho con bớt khổ đau", bà Sơn trải lòng.

Khi ấy chồng bà sức khỏe yếu, nên hầu như một mình bà lo cho Cừ. Mỗi sáng, trước khi đi làm, bà lo cơm nước, vệ sinh cho Cừ. Buổi trưa, bà đạp xe hơn 3km về nhà, rồi lại đi làm ca chiều. Thương mẹ, Cừ đòi ăn bánh mì, ăn rau giảm cân, để bà không phải vất vả bế bồng. Thấy con gầy tọp đi, bà Sơn mắng "mày nhẹ đi, nhưng mẹ nặng lòng lắm".

Thấy con muốn biết chữ bà đã tìm cách dạy con. Mỗi ngày trước khi đi làm, bà in bảng chữ cái thật to, dán ở chân ghế, đặt trước mặt Cừ. “Dạy chữ cho Cừ rất khó, tôi phải nghĩ ra cách khác để dạy con chứ không thể dạy theo cách thông thường bởi con không thể cầm, nắm để viết chữ. Mỗi ngày tôi dạy một chữ. Để luyện kỹ năng ngôn ngữ, tôi cùng con đọc thuộc thơ Tố Hữu. Nó tỷ phú thời gian, lại giỏi học lỏm nên cũng nhanh biết lắm", bà vừa kể vừa nhìn con âu yếm.

Đặc biệt khi Cừ có em, lúc bà Sơn dạy em Cừ học thì Cừ cũng ngồi bên học mót. “Tôi học được đến hết kiến thức lớp 5 thì các môn tự nhiên không tự học được nữa vì không ngồi dậy, không vẽ viết được. Rồi mẹ dạy tôi viết bằng máy tính. Lúc đầu tôi không gõ được bàn phím, phải nằm úp xuống để gõ chuột trên bàn phím ảo nhưng cũng không ăn thua vì đau bụng lắm. Sau đó, mẹ thiết kế tấm đệm khâu ở sàn nhà để tôi có thể nằm ngửa sử dụng con chuột bay (như chiếc điều khiển nhưng được tích hợp cảm ứng) gõ trên tivi tiện lợi hơn rất nhiều", anh Cừ chia sẻ.

Đến 11 tuổi, anh Cừ đã biết đọc thông thạo, lúc ấy mẹ anh thuê truyện về cho anh tự đọc. Đọc hết tủ sách của nhà, bà Sơn sang hàng xóm, đến thư viện tỉnh, mượn sách cho con. Hết sách mượn, không có tiền mua, bà cùng con lên mạng xin, mượn sách của các nhà xuất bản.

Thấy con muốn khám phá thế giới bên ngoài, bà Sơn không quản thời gian đặt con lên xe đẩy và đưa đi khắp nơi trong thành phố, chỉ cho con biết đâu là sân vận động, đâu là nhà văn hóa… Thấy con thích xem bóng đá, bà Sơn từng hàng chục lần bắt xe khách, đưa Cừ đến các sân vận động Lạch Tray, sân Mỹ Đình, Hàng Đẫy... để con được thỏa mong muốn. Mùa World Cup, con trai thức đến gần sáng xem, khi hết trận, quay lại, vẫn thấy mẹ đang nhìn mình. Cừ giật mình hỏi sao mẹ chưa ngủ, bà bảo: "Mẹ sợ mày đánh rơi điều khiển, không nhặt được".

“Từ học tập cho đến mọi sinh hoạt, kể cả đêm ngủ, mẹ cũng nằm với tôi vì tôi không lật đi lật lại được. Những đêm tôi viết bài đến gần sáng, mẹ cũng nằm chờ  vì con chuột máy tính rơi ra thì mẹ cũng nhặt hộ. Tôi hay toát mồ hôi kể cả trời lạnh. Cứ một lúc mẹ lại dậy thay áo, thay xong mới ngủ tiếp, rồi lại dậy thay”, anh Cừ xúc động chia sẻ.

Rồi thấy Cừ có ý tưởng mở thư viện sách tại nhà bà đã dành toàn bộ thời gian ủng hộ. Khi sách tài trợ về đến nơi, hàng chục thùng sách, bà lại gò lưng mang vác, sắp xếp. Thấy bà cùng con mở thư viện, có người bĩu môi: "Đã nuôi một thằng liệt, còn định phục vụ báo cô thiên hạ"; "mở thư viện miễn phí cho rác nhà ra à?". Ngay cả bố anh cũng không đồng ý và phản đối quyết liệt. Nhưng thương con bà Sơn vẫn quyết tâm làm.

“Lúc đầu nhà tôi chỉ có nhà tài trợ duy nhất là mẹ, tình nguyện viên duy nhất cũng là mẹ. Vì thương con mẹ làm tất cả!”, anh Cừ kể. Khi hỏi anh có bao giờ bị mẹ mắng không, anh Cừ cười nói: "Mẹ không quen nói những lời tình cảm. Mẹ hay quát, mắng khi tôi sai lầm. Mẹ chỉ quen thể hiện yêu thương bằng hành động!”. Còn bà Sơn thì nhìn con và …mắng: “Còn đánh cho ý chứ. Cãi ác lắm!”.

Không chỉ đam mê đọc sách, anh Cừ còn làm thơ. Những vần thơ giản dị của anh được mẹ ghi lại, đến nay đã có hơn 100 bài và trong những bài thơ đó, phần lớn anh dành tình cảm cho người mẹ vĩ đại của mình. Sau mỗi bài thơ anh lại ký tên Người con bất hiếu: Đỗ Hà Cừ.

Khi hỏi về mong muốn của mình, bà Sơn mộc mạc nói: “Tôi chỉ mong Cừ khỏe mạnh để thực hiện được ước mơ của mình, còn nó muốn đi đâu tôi cùng đi cùng!”

Nguồn TNO

T.LN3