Những bước chân tình nguyện: Giúp người dân thay đổi môi trường sống

(CTG) Những bước chân tình nguyện của sinh viên đã in dấu khắp P.Long Phước, Q.9, TP.HCM những ngày qua. Để rồi từ đó, môi trường sống nơi đây đã có những chuyển biến khởi sắc.

 

Nhóm sinh viên tình nguyện Trường cao đẳng Kỹ nghệ 2 xây dựng công viên. LÊ THANH

Xử lý nước nhiễm phèn cho người dân

Những sinh viên (SV) tình nguyện Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM tham gia chiến dịch tình nguyện hè với tâm thế “phải giúp người dân”. Lâm Ngọc Như Lam, SV Khoa Môi trường, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho biết cuộc sống của một số người dân ở P.Long Phước khó khăn, nhất là tình cảnh phải chịu đựng sống chung với nước phèn nên đội tình nguyện quyết định thực hiện công trình lọc nước phèn cho người dân.

Hàng chục SV các ngành môi trường, sinh học - công nghệ sinh học… áp dụng những kiến thức đã học để xử lý nước. Lam kể: “Chúng mình đã vận dụng những vật liệu như: cát, mangan, than hoạt tính, sỏi, khay nhựa… để xử lý nước phèn. Sau đó lọc nước qua 5 lớp, để nước sau khi được xử lý sẽ không còn phèn, có thể sử dụng trong ăn uống sinh hoạt mà không lo bị ảnh hưởng đến sức khỏe”.

Võ Hoàng Ân, SV Khoa Vật lý - Vật lý kỹ thuật, cho biết: “Thấy cảnh cơ cực của người dân nên chúng tôi quyết tâm phải thực hiện công trình này cho hoàn chỉnh. Rất vui vì sau khi công trình hoàn thành, bà con nhìn những dòng nước sạch, không bị nhiễm phèn trong tâm trạng phấn khởi. Nhìn hình ảnh đó, mình cũng thấy vui lây”.

Còn Đặng Huỳnh Như, SV Khoa Sinh học - Công nghệ sinh học, chia sẻ: “Dù mỗi người học mỗi chuyên ngành khác nhau, nhưng chúng tôi có chung một mong muốn là cùng giúp đỡ người dân. Đáng mừng là nguồn nước sau khi được xử lý, khử trùng bằng vi sinh đã loại bỏ hoàn toàn mùi phèn. Trong đội, ai ai cũng vui mừng, vì vừa góp phần thay đổi được chất lượng sống của người dân nơi đây”.

Theo Nguyễn Lê Quốc Huy, SV Khoa Môi trường, trong đợt tình nguyện này, các nhóm SV tình nguyện đã thực hiện 8 công trình lọc nước phèn với kinh phí 5 triệu đồng mỗi công trình.

Biến bãi rác thành công viên

Không chỉ được sử dụng nước sạch, một số người dân ở P.Long Phước còn ngỡ ngàng khi thấy một… công viên bỗng nhiên xuất hiện bên hông chợ.

Huỳnh Như, SV năm nhất Trường CĐ Kỹ nghệ 2, cho biết ngày đầu tiên đi tình nguyện, đặt chân đến P.Long Phước, cảm thấy rất buồn vì nhiều người dân nơi đây phải sống cạnh những bãi rác lộ thiên, bốc mùi hôi thối.

“Thế rồi nhóm đã nghĩ cách biến bãi rác thành công viên. Sau khi dọn dẹp những đống rác khổng lồ, tụi mình cắt cỏ, cải tạo lại mặt đất và xây dựng lại để biến thành một khuôn viên bắt mắt”, Như kể.

Như cho biết thêm bản thân là con gái, lại học ngành nhà hàng chứ không liên quan đến xây dựng, nhưng vì mong muốn góp sức mình vào công việc tình nguyện chung, nên cũng không ngần ngại cầm bay để xây tường, phụ hồ như các tình nguyện viên khác.

Theo chị Nguyễn Thị Thu Diễm, Bí thư Đoàn P.Long Phước, công trình xây dựng công viên được làm từ diện tích đất (trước đây là bãi rác tự phát của người dân - PV) có diện tích 120 m2, có kinh phí xây dựng gần 150 triệu đồng.

“Ở công viên này sau khi hình thành sẽ có bồn hoa, ghế đá, dụng cụ tập thể dục cho người dân… Ngày hoàn thành, có lẽ người dân ở đây đi qua đi lại sẽ ngạc nhiên và ngỡ ngàng lắm. Vì họ không thể ngờ một bãi rác trước đây toàn mùi hôi và ô nhiễm lại được thay thế bằng một công viên chỉn chu”, chị Diễm kỳ vọng.

Chia sẻ với PV, nhiều hộ dân thổ lộ một cách phấn khởi, rằng họ sắp có nơi tập thể dục, ngồi nghỉ ngơi... Sau khi công viên được hoàn thành, người dân ở đây sẽ có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, không xả rác bừa bãi như trước nữa.

Trước đây nước bị phèn nên ăn uống và tắm rửa cũng lo. Nhưng từ nay, nước đã được khử phèn, tôi cũng như bà con ở đây vui lắm.

Nguyễn Thị Hòa (ngụ 93B, KP.Phước Hậu, P.Long Phước)

Từ nhỏ đến giờ, phải sống chung với cảnh nước phèn làm ố quần áo, nấu ăn không còn ngon… nên đời sống cũng chịu nhiều khổ sở, thiệt thòi. Nhưng may quá, giờ thì nguồn nước đã được thay đổi rồi.

Nguyễn Thị Diệu (40 tuổi, nhà ở KP.Long Đại)

Lúc trước hầu như người dân khu này không dám mặc áo trắng vì nước phèn sẽ làm áo ngả màu. Nhưng giờ nước đã được xử lý, người dân rất mừng. Cảm ơn những sinh viên tình nguyện đã chung tay thay đổi môi trường sống cho người dân nơi đây.

Đỗ Thị Mỹ Linh (ngụ KP.Long Đại)

Theo TN