Những cách làm sáng tạo giúp dân hiểu pháp luật

(CTG) Về với bà con xã Duy Tân (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam), những bản tin pháp luật do Ðoàn trường ÐH Kinh tế (ÐH Ðà Nẵng) tổ chức thực hiện luôn cuốn hút đông đảo bà con lắng nghe. Khi là thông tin về những vụ án tổ chức đánh bạc, lúc là những thông tin về lừa đảo, chiếm đoạt tài sản... giúp bà con nâng cao hiểu biết pháp luật.

Phiên tòa giả định tại xã Duy Tân (huyện Duy Xuyên) do Ðội tuyên truyền pháp luật tổ chức

là hình thức để nâng cao hiểu biết pháp luật cho người dân. Ảnh: NVCC

 

Từ ngày có bản tin, bà con xã Duy Tân “hóng” nghe đài phát thanh hơn, quan tâm đến các vấn đề an ninh trật tự trên địa bàn, nâng cao tinh thần cảnh giác”, anh Trần Quốc Công, Phó Bí thư Đoàn xã Duy Tân, nói.

 

Phiên tòa giả định tuyên truyền pháp luật

 

Đội tuyên truyền pháp luật của Đoàn trường ĐH Kinh tế đã đến tận từng nhà để khảo sát tình hình an ninh của địa phương, đồng thời tổng hợp những vướng mắc pháp lý của người dân. “Sau khi nắm bắt những vấn đề người dân có liên quan đến pháp luật, chúng mình sẽ tổng hợp lại để gửi lên Ban chỉ đạo chiến dịch cùng bàn bạc, đưa ra những tư vấn và phương án xử lý phù hợp cho người dân”, bạn Nguyễn Văn Tuấn, sinh viên ĐH Kinh tế, phụ trách Đội tuyên truyền pháp luật, nói.

 

Các tình nguyên viên còn lên ý tưởng, thiết kế các poster ngộ nghĩnh hướng dẫn cách phòng chống, xử lý khi giẫm phải kim tiêm; phòng chống bạo lực học đường, cách phòng chống xâm hại trẻ em... dán ở trường Tiểu học Duy Tân (xã Duy Tân) để tuyên truyền kiến thức và kỹ năng hiệu quả cho các em nhỏ.

 

Không những thế, Đội tuyên truyền pháp luật còn tổ chức phiên tòa giả định tại hội trường UBND xã Duy Tân nhằm củng cố, nâng cao kiến thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân địa phương. Phiên tòa thu hút sự tham gia của người dân và đặc biệt là các em học sinh trên địa bàn. Diễn ra như một phiên tòa lưu động thực thụ tại địa phương từ cách bày trí bàn ghế đến trang phục, chỉ khác một điều là những thẩm phán, hội thẩm nhân dân, thư ký phiên tòa, kiểm sát viên hay luật sư đều là sinh viên.

 

“Phiên tòa diễn ra có sự phối hợp tư vấn của TAND TP Đà Nẵng, được tổ chức đúng như các phiên tòa trong thực tế. Bằng hình thức này, chúng em muốn nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật của người dân và các em học sinh. Thông qua việc tổ chức phiên toà, chúng em - những sinh viên ngành luật cũng được áp dụng những kiến thức đã học trên ghế nhà trường để tổ chức xét xử của một vụ án, học hỏi kinh nghiệm và kỹ năng từ các anh chị ở TAND thành phố”, Tuấn nói thêm.

 

Giúp địa phương lập đề án phát triển du lịch

 

Một đội chuyên môn khác cũng được duy trì trong các Chiến dịch Mùa hè xanh của Đoàn trường ĐH Kinh tế là Đội phát triển du lịch. Tập hợp các bạn sinh viên đến từ nhiều khoa chuyên ngành, dưới sự tư vấn của các giảng viên khoa Du lịch của trường, các năm qua, Đội đã xây dựng các đề án phát triển du lịch cho các địa phương mà chiến dịch đóng quân. Nhiều đề án được chính quyền địa phương hiện thực hóa và áp dụng hiệu quả.

 

“Chúng em sẽ đi tiền trạm trước tại địa phương để tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, dân cư, địa điểm du lịch nổi tiếng... Sau đó sẽ bàn bạc cùng các thầy cô hướng dẫn lên phương án đưa các địa điểm du lịch vào đề án, xây dựng các ấn phẩm quảng bá du lịch địa phương...”, bạn Phan Thị Mỹ Hạnh, SV ĐH Kinh tế, Đội trưởng Đội phát triển du lịch, chia sẻ.

 

Để xây dựng đề án, các chiến sĩ áo xanh của Đội phát triển du lịch rong ruổi khắp những đường lớn, đường nhỏ ở Duy Xuyên, tìm đến những địa điểm du lịch, trò chuyện cùng những nghệ nhân làng nghề truyền thống. Máy ảnh, laptop, máy quay... là “vũ khí” của Đội. “Vì đặc thù công việc nên các thành viên trong Đội đều “đi ngày cày đêm”. Mỗi bạn có một thế mạnh riêng về quay phim, chụp ảnh, làm nội dung, thiết kế... bởi vậy, ai giỏi mảng gì sẽ tập trung làm tốt mảng đó”, Hạnh nói.

 

Kết quả của hơn 10 ngày liên tục khám phá mọi ngóc ngách của Duy Xuyên là bản đề án phát triển du lịch huyện cùng 2 ấn phẩm du lịch, đó là cuốn sách giới thiệu về du lịch và ẩm thực, 1 bản đồ du lịch địa phương và một video quảng bá du lịch. “Bản đề án nêu rõ mục tiêu, phương hướng và đề xuất để góp phần phát triển du lịch Duy Xuyên thông qua thực tiễn mà chúng em tìm hiểu được. Bộ sản phẩm giới thiệu du lịch có thể sử dụng để đặt và chiếu tại các địa điểm du lịch, đồng thời, giúp chính quyền địa phương giới thiệu thông tin với các nhà đầu tư. Sau khi báo cáo với đại diện chính quyền huyện Duy Xuyên, tụi em đã chuyển hết toàn bộ đề án để địa phương có thể sử dụng”, Hạnh chia sẻ.

 

 Theo TPO