Những ‘cô Tấm’ về buôn

(CTG) Khắp các buôn làng trong tỉnh Đắk Lắk hiện hữu hàng trăm công trình, phần việc ý nghĩa mang đậm dấu ấn thanh niên. Họ cùng bà con nấu những mâm cơm đầm ấm, vẽ những bức tranh cho trẻ em... Nhiều buôn làng coi họ như “cô Tấm” thời hiện đại.

 

Các thanh niên tình nguyện thuộc Đội công tác xã hội huyện Cư Mgar làm mới điểm trường Ảnh: N.T

17 “bữa cơm ý nghĩa”

Tháng Thanh niên năm nay, cùng với tuổi trẻ cả nước, hàng nghìn bạn trẻ trong tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều hoạt động dân sinh ý nghĩa, tạo sự lan tỏa về tinh thần xung kích, tình nguyện đến người dân. Về các buôn làng mới hiểu vì sao trong các câu chuyện của bà con luôn có hình ảnh màu áo xanh tình nguyện giúp dân làm các công trình, nhà ở; hóa thân thành “cô Tấm” dịu hiền nấu bữa cơm ấm cúng cho những gia đình nghèo khó.

Cuối tuần, trong ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Cháu (90 tuổi, thôn Nam Anh, xã Cư Kpô, huyện Krông Búk), tràn ngập tiếng cười nói của các bạn trẻ thực hiện chương trình “bữa cơm ý nghĩa”. Bà Cháu là cựu thanh niên xung phong, sống đơn thân không con cháu, hằng ngày lủi thủi một mình. “Bữa cơm ý nghĩa được tổ chức 2 lần tại nhà bà, hỗ trợ 1 triệu đồng/lần. Lần nào cũng có hơn 10 cô chú đến hỏi thăm, động viên và tặng quà nữa, tôi vui lắm”, bà Cháu nói.

“Chương trình “ngôi nhà nhân ái” gây quỹ bằng cách tổ chức chương trình văn nghệ, hỗ trợ của các chi đoàn, kêu gọi các mạnh thường quân ủng hộ. Chương trình phấn đấu mỗi năm xây dựng được 1 căn nhà cho những gia đình nghèo khó, nhà ở xuống cấp”.Anh Vũ Minh Cường, Phó chủ tịch Hội LHTN huyện Krông Búk

Chương trình “bữa cơm ý nghĩa” được Đội công tác xã hội huyện Krông Búk phát động với các hoạt động chính: Tu sửa nhà, tổ chức nấu cơm thân mật, trao quà (500 nghìn đồng/hoàn cảnh) cho các gia đình khó khăn, người già neo đơn, bệnh tật. Đến nay, chương trình đã tổ chức được 17 “bữa cơm ý nghĩa” cho 41 hộ khó khăn trên địa bàn, với tổng kinh phí trên 20 triệu đồng.

Xây nhà, thu gom rác

Đứng trước ngôi nhà mới khánh thành, bà Nguyễn Thị Hường (ở thôn 6, xã Tân Lập, huyện Krông Búk) không cầm được nước mắt, nói: “Có nằm mơ tôi cũng không nghĩ sẽ được ở trong ngôi nhà kiên cố thế này. Tôi thực sự cảm ơn những cán bộ đoàn, những thanh niên tình nguyện, nhà hảo tâm đã giúp đỡ”. Bà Hường là mẹ đơn thân nuôi 2 đứa con đang học cấp 1. Gia đình bà Hường chỉ có 2 sào đất sản xuất, thường ngày bà phải đi làm thuê trang trải cuộc sống gia đình và nuôi con.

Anh Vũ Minh Cường, Phó chủ tịch Hội LHTN huyện Krông Búk cho biết: Chương trình “ngôi nhà nhân ái” gây quỹ bằng cách tổ chức chương trình văn nghệ, hỗ trợ của các chi đoàn, kêu gọi các mạnh thường quân ủng hộ. Chương trình phấn đấu mỗi năm xây dựng được 1 căn nhà cho những gia đình nghèo khó, nhà ở xuống cấp. Ngôi nhà của chị Hường là ngôi nhà thứ 13 được làm trên địa bàn huyện.

Ngoài những công trình trên, tuổi trẻ Đắk Lắk còn để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong lòng người dân ở các buôn làng vùng sâu xa bằng các công trình ý nghĩa khác, như: “Ngôi nhà tình bạn”, “Ngôi nhà nhân ái”..., mang lại niềm vui cho các em học sinh nghèo, học giỏi.

Các thanh niên tình nguyện làm điểm vui chơi cho thiếu nhi Ảnh: PV

Gặp anh Y Hlý, Phó bí thư Đoàn xã Cư Pơng (huyện Krông Búk) trong buổi chiều khi anh đang bận bịu với công việc thu gom rác thải lên chiếc xe công nông đưa đến bãi rác tập trung của huyện cách đó 20km. Anh Hlý cho biết: “Bây giờ người dân đã có ý thức về việc bảo vệ môi trường sống xanh, sạch. Trước đây, mọi người có thói quen vứt rác bừa bãi, giờ không còn nữa”.

Nhận thấy các phế thải nông nghiệp gây ô nhiễm, độc hại môi trường, anh Y Hlý đứng ra thành lập CLB Môi trường xanh với mục tiêu vận động thanh niên tham gia làm sạch rác ở các tuyến đường trong xã. Từ CLB Môi trường xanh, anh Y Hlý đã có sáng kiến chuyển đổi thành mô hình hợp tác xã (HTX). Đầu năm 2017, HTX thanh niên Cư Pơng ra đời với hoạt động thu gom rác thải, cùng các dịch vụ kinh doanh nông nghiệp. Đến nay, HTX ký hợp đồng thu gom rác cho hơn 400 hộ gia đình với mức phí 20.000 đồng/hộ/tháng.

Vẽ tranh “dụ” học sinh tới trường

Về huyện Cư Mgar, đến các điểm trường trong những ngày này, ấn tượng nhất là các lớp học sống động như trong chuyện cổ tích. Các thanh niên tình nguyện thuộc Đội công tác xã hội huyện Cư Mgar đã làm mới nhiều lớp học qua từng bức tranh vẽ, nội dung là những câu chuyện cổ tích. Những bàn tay khéo léo của những họa sỹ không chuyên đã biến bức tường trường học cũ kỹ bám đầy rêu thay thế bằng bức tranh sinh động.

Anh Nguyễn Minh Quý, đội trưởng Đội công tác xã hội huyện Cư Mgar cho biết, nhiều lần cả nhóm đi tình nguyện vào buôn làng, nhìn khuôn mặt ngây thơ trong veo của các em trong phòng học với những bức tường lem nhem, loang lổ vết bẩn khiến nhiều người không khỏi xót xa. Chương trình vẽ điểm trường cho các em thiếu nhi được thực hiện đầu năm 2017. Mỗi quý, nhóm chọn một ngày cuối tuần, khoảng 30 bạn tình nguyên viên lặn lội vào buôn làng sơn vẽ trên tường những hình ảnh sinh động. Đến nay, nhóm đã vẽ được gần 10 điểm trường.

“Ở các vùng sâu vùng xa thường xảy ra tình trạng học sinh bỏ học, giáo viên phải đến từng nhà vận động. Chương trình vẽ điểm trường góp phần giảm tỷ lệ học sinh bỏ học. Khi có tranh trên tường như níu giữ các em nán lại ngắm nhìn rồi mới vào lớp”, anh Quý cho biết.

 

Tháng Thanh niên năm 2020 với chủ đề “Thanh niên Đắk Lắk tình nguyện, sáng tạo vì cộng đồng”, tuổi trẻ toàn tỉnh đã ra quân thực hiện nhiều công trình, phần việc thiết thực: Thực hiện 5km công trình “thắp sáng đường quê”; tạo dựng 10 điểm vui chơi cho thiếu nhi; xây dựng và bàn giao 5 nhà tình nghĩa, nhà nhân ái cho hộ nghèo; hỗ trợ 3 dự án khởi nghiệp cho thanh niên; trồng ít nhất 10.000 cây xanh...

Theo TP