Những công dân trẻ sống cống hiến, trách nhiệm

(CTG) Học tập và cống hiến hết mình với trách nhiệm và niềm đam mê cháy bỏng là cách mà mỗi “Công dân trẻ tiêu biểu” của thành phố mang tên Bác khẳng định trong hành trình phát triển của mình.

 

Tôn Thất Vĩnh với niềm đam mê theo đuổi nghiên cứu khoa học.

Công nghệ hỗ trợ phân tích ảnh y khoa

Tiếp nối đam mê tin học từ những năm học phổ thông, Tôn Thất Vĩnh (sinh năm 1997) tiếp tục theo học lớp Cử nhân tài năng khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM).

Niềm đam mê với nghiên cứu khoa học thật sự thăng hoa khi chàng sinh viên cần mẫn Tôn Thất Vĩnh có cơ hội tham gia nhóm nghiên cứu gồm những thành viên giỏi giang do PGS.TS Trần Minh Triết, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM) trực tiếp dẫn dắt.

“Cây sáng kiến” Nguyễn Ngọc Chiến với những giải pháp cải tiến “lợi hại” giúp nâng cao hiệu quả công việc.

Phan Thị Lan Anh luôn hết mình với công việc chuyên môn và hoạt động phong trào Ảnh: NVCC

Có được nền tảng tốt trong quá trình học tập, nghiên cứu dưới mái trường đại học, Vĩnh đã tạo được nhiều dấu ấn bằng những thành tích ấn tượng tại các kỳ thi quốc gia và quốc tế trong lĩnh vực công nghệ thông tin, khiến thầy cô, bạn bè khâm phục.

Thành phố rất cần những người trẻ “đầu tàu”, có sức lôi cuốn


Đầu năm 2019, Thành Đoàn TPHCM tiến hành công nhận và tuyên dương danh hiệu “Công dân trẻ tiêu biểu TPHCM” năm 2018 đối với 9 cá nhân xuất sắc trên các lĩnh vực hoạt động, như lao động sản xuất, văn hóa văn nghệ, nghiên cứu khoa học…

Anh Phạm Hồng Sơn, Bí thư Thành Đoàn TPHCM nói: “Các bạn công dân trẻ tiêu biểu này sẽ trở thành đầu tàu, tạo sức lôi cuốn, nguồn động lực khơi nguồn và dẫn dắt phong trào bằng chính năng lực và trách nhiệm của mình dù ở bất cứ vị trí công việc nào. Thành phố rất cần những người trẻ như vậy”.

Một trong những thành quả đó là Vĩnh đã đạt hạng 6 kỳ thi quốc tế DAVIS Challenge 2018, kỳ thi quốc tế về lĩnh vực Video Segmentation (phân đoạn vật thể trong video). Công trình nghiên cứu mới của Vĩnh có tên “Phân đoạn tế bào trong ảnh mô bệnh học” là kết quả từ chuyến thực tập hơn 3 tháng tại Mỹ. Trong nghiên cứu của mình, Vĩnh nhận thấy tiềm năng của việc ứng dụng công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI) có thể hỗ trợ các bác sỹ đưa ra phương pháp chữa trị bệnh hiệu quả hơn.

Theo đó, công nghệ này hỗ trợ trong phân tích ảnh y khoa, từ đó có thể đếm được số lượng tế bào, giúp bác sỹ có được những số liệu cụ thể, chuẩn xác hơn trong việc chẩn đoán, điều trị.

“Đề tài này cần khá nhiều thời gian thực hiện, có thể thành công hoặc thất bại, nhưng tôi muốn theo đuổi đến cùng. Kết quả của nó có thể giúp đỡ cho nền y học nước nhà”, Vĩnh khẳng định.

Trực tiếp kèm cặp, hướng dẫn cậu học trò đam mê nghiên cứu khoa học, PGS.TS Trần Minh Triết đánh giá Vĩnh là người có tư duy nhạy bén, nắm bắt rất nhanh những kiến thức, nội dung trong quá trình học. “Đề tài mới mà Vĩnh theo đuổi được ứng dụng trí tuệ nhân tạo phần nào giúp các chuyên gia trong lĩnh vực y tế, sinh học có thể đưa ra những phương pháp tốt, khả quan trong việc phát hiện và điều trị các căn bệnh hiện tại, mở ra những hướng đi tốt đẹp trong tương lai”, PGS.TS Triết cho hay.

Dù với tuổi đời còn rất trẻ, Vĩnh đã có 6 bài báo khoa học quốc tế (tác giả chính 2 bài và đồng tác giả 4 bài) được đăng tải tại các hội nghị khoa học công nghệ máy tính uy tín trên thế giới.

Giờ đây, cậu sinh viên năm thứ tư đang nỗ lực để hoàn thành luận văn tốt nghiệp kết thúc chương trình đại học với mục tiêu đạt kết quả tốt nhất có thể. Đồng thời, Vĩnh vẫn miệt mài theo đuổi, làm việc cùng nhóm nghiên cứu với những đề tài, dự án tiếp theo.

Ðể máy “không nghỉ”

Tốt nghiệp chuyên ngành điện - điện tử, Nguyễn Ngọc Chiến (sinh năm 1989) về làm tại Cảng Bến Nghé (TPHCM) thuộc Tổng Công ty Cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn (SAMCO).

Qua từng năm công tác, chàng nhân viên trẻ Nguyễn Ngọc Chiến luôn năng nổ “đẻ” ra nhiều sáng kiến, cải tiến đột phá với mục tiêu nâng cao hiệu suất công việc cho cơ quan, đơn vị.

Theo đuổi phương châm “Sống là không chờ đợi”, sáu năm công tác tại đơn vị kể từ năm 2012, Nguyễn Ngọc Chiến luôn nỗ lực học hỏi, tìm ra những sáng kiến chuyên môn mới giúp doanh nghiệp tiết kiệm hàng tỷ đồng. Chỉ riêng trong năm 2018, giải pháp then chốt của Chiến đã làm lợi cho doanh nghiệp mình số tiền xấp xỉ 1,6 tỷ đồng.

Sau nhiều năm vận hành, hệ thống điện điều khiển xe nâng PPM sử dụng qua các rơ-le đã xuống cấp, dây điện “lão hóa” dễ gây chập cháy. Nhiều lần sửa chữa làm cho hệ thống trên xe không còn giống như trong sơ đồ ban đầu, gây khó khăn và tốn nhiều thời gian để khắc phục khi có hỏng hóc. Trong khi đó, kinh phí thuê ngoài để nâng cấp xe là một con số rất lớn. Trước thực tế đó, Ngọc Chiến đã đề ra giải pháp nâng cấp hệ thống điện xe nâng container sử dụng bộ xử lý trung tâm PLC S7-200 để giải quyết theo hướng hiện đại hóa.

Anh Chiến cho biết, bộ xử lý trung tâm PLC S7 - 200 là loại PLC rất tiên tiến hiện nay, giá thành lại rẻ. Hơn nữa, công nghệ mới này tạo sự kết nối giữa máy tính với PLC, giúp nhân viên có thể dễ dàng giám sát chương trình vận hành online, từ đó giúp chẩn đoán lỗi nhanh, rút ngắn thời gian sửa chữa khi xảy ra sự cố. Cường độ hoạt động ổn định của xe đã giúp nâng cao năng suất xếp dỡ hàng hóa tại cảng Bến Nghé. Giải pháp đã giúp cắt giảm đến 240 giờ dừng xe/ năm và tiết kiệm chi phí đầu tư sửa chữa cho cảng số tiền hơn 1,1 tỷ đồng.

“Trực tiếp làm việc, vận hành máy móc đã giúp bản thân mình hình thành thói quen lúc nào cũng cố gắng tìm hiểu, am tường thiết bị với mong muốn làm sao mình và đồng nghiệp tránh phải sửa chữa nhiều lần. Điều dễ thấy là một khi giảm thời gian dừng máy thì đã góp phần tăng năng suất bốc xếp của thiết bị, giúp doanh thu đơn vị tăng lên, do đó lương của mình cũng được tăng lên”, anh Nguyễn Ngọc Chiến phấn khởi nói về động lực để mình luôn nỗ lực cống hiến.

Đó chỉ là một trong những hiến kế mới nhất của anh nhân viên kỹ thuật Nguyễn Ngọc Chiến.

Giải quyết hiệu quả thủ tục hành chính

Tốt nghiệp ngành Tài chính Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế TPHCM, Phan Thị Lan Anh (sinh năm 1989) tiếp tục trau dồi, học lên cao học trước khi trải qua hành trình nhiều năm công tác tại Kho bạc Nhà nước TPHCM. Theo đuổi phương châm “tìm ra những sáng kiến mới trong cách làm việc và cuộc sống”, Phan Thị Lan Anh luôn nỗ lực trau dồi, học hỏi nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt đều đặn đóng góp các sáng kiến có giá trị qua mỗi năm công tác. Những đóng góp thiết thực của Lan Anh đã giúp giải quyết hiệu quả các thủ tục hành chính tại đơn vị, tiết kiệm tài nguyên và nâng cao hiệu năng của hệ thống quản lý ngân sách và kho bạc.

Năm 2018, sáng kiến “Thiết lập danh mục mã dự phòng theo dõi chi tiết tài khoản dự toán chi thường xuyên của đơn vị sử dụng ngân sách khối An ninh, quốc phòng trên hệ thống TABMIS” đã được Hội đồng sáng kiến cấp Bộ Tài chính thông qua.

Được triển khai thực hiện từ tháng 8/2018 tại Kho bạc Nhà nước TPHCM và 24 kho bạc quận, huyện, sáng kiến giúp công tác quản lý, tổng hợp báo cáo và đối chiếu với các đơn vị sử dụng ngân sách được thuận lợi, giảm bớt khối lượng xử lý công việc cho cán bộ công chức, tạo thuận lợi cho việc hạch toán, và đối chiếu với cơ quan có liên quan.

Năm 2015, Lan Anh đề xuất sáng kiến cấp Bộ là phần mềm ứng dụng “Thiết lập mẫu biểu theo dõi tình hình sử dụng dự toán đến chi tiết của các đơn vị sử dụng ngân sách theo thông báo thẩm tra của Sở Tài chính”. Phương pháp này giúp việc kiểm soát chứng từ được nhanh chóng, chính xác, chặt chẽ và đảm bảo không vượt dự toán được giao của từng nhiệm vụ chi.

Ngoài thực hiện công việc chuyên môn, Phan Thị Lan Anh còn là một công chức trẻ được đồng nghiệp yêu mến, một thủ lĩnh Đoàn năng nổ, xung kích với các hoạt động phong trào của đơn vị. Cô Bí thư Chi đoàn hăng hái phát động và tham gia tích cực các hoạt động cộng đồng như Ngày thứ bảy tình nguyện giải quyết thủ tục hành chính, Kỳ nghỉ hồng, các hoạt động về nguồn, đền ơn đáp nghĩa...

Theo TP