Những mô hình tiêu biểu: Hiệu quả từ kinh tế thanh niên

(CTG) Nhờ được 'thổi lửa' tinh thần khởi nghiệp và hỗ trợ của Hội LHTN VN tỉnh Hòa Bình mà nhiều người trẻ ở địa phương này đã điều hành những dự án kinh tế mang lại giá trị lớn cho cộng đồng.

Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo của tỉnh Hòa Bình đã khích lệ nhiều thanh niên khởi nghiệp - Ảnh: NVCC

Dưới đây là 2 mô hình khởi nghiệp tiêu biểu trong hơn 100 mô hình khởi nghiệp thành công của tỉnh Hòa Bình.

Chủ một dự án có thu nhập hàng tỉ đồng

Chị Trịnh Thị Thanh Hòa (32 tuổi, ở TT.Đà Bắc, H.Đà Bắc, Hòa Bình) vốn là thạc sĩ về khoa học cây trồng, với kiến thức kinh doanh bằng 0, nhưng trong quá trình khởi nghiệp đã được sự hỗ trợ của Hội LHTN VN tỉnh Hòa Bình, nay trở thành chủ một dự án có thu nhập hàng tỉ đồng mỗi năm và tạo việc làm cho 250 hộ dân.

Chị Hòa cho biết: “Trong quá trình làm cán bộ khuyến nông, tôi nhận thấy sự thay đổi của khí hậu ngày càng gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, chẳng hạn hạn hán khiến nhiều cây trồng trước đây không thích ứng được, người dân thì bỏ đất đi làm thuê nhiều nên đã trăn trở việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng”.

Chị nghiên cứu và thấy cây sachi (một loại cây leo lưu niên, cho hạt có thể ép dầu) phù hợp với khí hậu và mang lại nguồn lợi kinh tế cao nên đã thành lập dự án để phát triển vùng cây sachi và thành lập Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Hòa Bình.

Sân chơi cho bạn trẻ

Chị Phạm Thị Ngọc Ánh, Phó chủ tịch thường trực Hội LHTN VN tỉnh Hòa Bình, cho biết việc xây dựng các mô hình kinh tế thanh niên là góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động trẻ, góp phần giải quyết việc làm cho thanh niên tại địa phương; đồng thời cung cấp cho thị trường các loại sản phẩm hàng hóa năng suất và chất lượng cao…

Trong 5 năm, toàn tỉnh Hòa Bình đã hỗ trợ, xây dựng mới 112 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ; tổ chức 112 lớp tập huấn cho 3.450 hội viên, thanh niên, thành viên HTX, tổ hợp tác, CLB thanh niên phát triển kinh tế; 43 buổi tọa đàm giúp thanh niên phát triển kinh tế...

Ban đầu chị Hòa gặp khó khăn về vốn sản xuất; về quản trị dòng tiền vì chưa có kiến thức chuyên sâu về tài chính; về công nghệ sản xuất… “Tôi đã được Hội cho tham gia chương trình thanh niên khởi nghiệp, được tập huấn về quản trị kinh doanh, được hỗ trợ kết nối tham gia Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Hòa Bình. Từ đó, tôi giao lưu học hỏi với các anh chị đi trước và được giúp đỡ, tư vấn rất nhiều”, chị Hòa cho hay.

Đặc biệt, năm 2018, dự án của chị tham gia Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên tỉnh Hòa Bình lần 1 đã đạt giải nhì. Qua các hoạt động hỗ trợ như mời chuyên gia về tập huấn khởi nghiệp: xây dựng kế hoạch kinh doanh, marketing... hỗ trợ trong quá trình thi đến khi kết thúc chương trình, đã giúp chị có nhiều kiến thức trong kinh doanh. Từ đó, dự án của chị đã đạt được kết quả là trồng 60 ha cây sachi bắt đầu cho thu hoạch cung cấp thị trường trong và ngoài nước, với doanh thu trên 1 tỉ đồng vào năm 2018.

Năm nay, chị bắt đầu xây dựng xưởng sản xuất chế biến sản phẩm dầu sachi omega, làm hạt dinh dưỡng và một số sản phẩm phụ khác từ cây sachi. Dự án của chị đã giải quyết được công ăn việc làm cho 250 hộ nông dân và giúp họ tham gia liên kết hình thành thói quen sản xuất hàng hóa theo chuỗi liên kết giá trị; đồng thời tạo ra được sản phẩm có lợi cho sức khỏe con người có nguồn gốc hoàn toàn từ thiên nhiên.

Đổi đời từ việc trồng cây dược liệu

Cũng là người được hỗ trợ khởi nghiệp thành công, chị Nguyễn Thùy Linh (33 tuổi, ở H.Yên Thủy, Hòa Bình), chủ dự án Trồng và sản xuất các sản phẩm dược liệu thương hiệu Bình An, cho biết do thấy địa phương có nhiều cây dược liệu quý như xạ đen, gai leo… nên chị đã trồng để bán ra thị trường.

Tuy nhiên, việc tìm đầu ra rất khó khăn. Sau đó, chị đã nghiên cứu để chế biến thành sản phẩm trà và quyết định khởi nghiệp. “Quá trình này không ít gian nan vì tôi chưa biết công bố sản phẩm ở đâu, đăng ký bản quyền như thế nào… và đặc biệt khó khăn về vốn ban đầu. Sau đó, tôi đã được tổ chức Hội kết nối hỗ trợ vốn và tạo điều kiện gặp gỡ các doanh nhân thành đạt, được tập huấn học hỏi kinh nghiệm và đã tìm được đầu ra của sản phẩm…”, chị Linh tâm sự.

Giờ đây, Công ty cổ phần dược liệu Bình An do chị và các cộng sự gây dựng đã có thương hiệu trên thị trường và giúp nhiều hộ dân đổi đời từ việc trồng cây dược liệu để làm nguyên liệu xản suất.

Theo TN