Những người “đưa đò” sáng tạo Bài 4: Cảm hóa học sinh bằng sự tôn trọng và tình cảm chân thành

(CTG) Từ một học sinh cá biệt trở thành một học sinh chăm ngoan, từ một học sinh học kém, chỉ sau vài tháng đỗ vào trường THPT công lập thừa tám điểm, đỗ vào đại học và được học bổng. Đó là một trong những học trò được cô Phùng Thị Vui, giáo viên dạy Văn của trường THCS Ngọc Lâm (Long Biên, Hà Nội) cảm hóa.

Cô khiến em nghĩ cần thay đổi bản thân

Nguyễn Tùng Lâm hiện là sinh viên năm thứ ba trường Đại học Nội vụ. Lâm kể với chúng tôi rằng cậu có bố là quản giáo trại giam nên rất cứng rắn trong việc dạy con cái, chỉ cần Lâm sai một lỗi nhỏ cũng bị bố đánh.

Gia đình càng nghiêm khắc, Lâm càng tỏ ra ngỗ ngược. Từ nhỏ đến năm lớp tám, hầu như Lâm không học hành gì, chỉ biết chơi, nghịch ngợm, phá phách. Đến lớp chín cô Phùng Thị Vui làm chủ nhiệm, Lâm bắt đầu có sự thay đổi.

Lâm vẫn nhớ mãi, đó là một buổi ôn thi vào lớp 10. Lớp chia thành hai nhóm học yếu và học khá, Lâm ở nhóm yếu. “Khi đó cô Vui rất căng thẳng vì lớp của em yếu nhất của khối chín năm đó. Em bất cần lắm, đứng dậy hỏi cô một câu: “Cô ơi, bài cô giảng ở vở nào?”. Lúc đó, cô lặng người. Em nhìn thấy nỗi buồn dâng đầy trong mắt cô.

Cô giáo Phùng Thị Vui và học trò năm học 2013 - 2014

Khi các bạn về hết, cô bước đến ngồi gần em, hỏi han về việc ôn thi, sau đó phân tích cho em hiểu, việc học hành sẽ quyết định tương lai của mình. Nếu chăm chỉ học tập thì sẽ đạt được những gì... Trong câu chuyện, cô gần như một người mẹ chứ không chỉ là giáo viên”, Lâm chia sẻ.

Nước mắt rưng rưng khi nhắc đến cô giáo, Lâm kể một lần khác, trong giờ của cô Vui, cậu chỉ nghịch và ngồi ăn quà vặt, không học nên bị cô đuổi ra ngoài. Ngay lập tức mẹ gọi điện mắng Lâm. Cậu sợ bố mẹ đánh nên nhất quyết không về nhà.

“Em định ra gầm cầu Long Biên để ngủ, hôm sau rồi tính tiếp. Nhà em ở Thạch Cầu, phía ngoài bãi sông. Nhà cô cách nhà em 20km, đường đi khó và hoang vắng nhưng cô vẫn đến tận nơi tìm và thuyết phục em, hứa với em sẽ không có chuyện gì xảy nếu em chịu về nhà.

Sợ em không nghe lời, cô Vui đưa em về và cô nói chuyện với bố mẹ em rất lâu. Sau đó, lần đầu tiên bố mẹ gọi em xuống nói chuyện như một người lớn đàng hoàng. Em không nghĩ là bố mẹ thay đổi nhanh thế. Nhờ có cô mà cách dạy con của bố mẹ em khác hẳn, bản thân em cũng sang trang mới. Từ khi gặp cô đến bây giờ, em cảm thấy con người em hài hòa hơn, không còn ngỗ ngược, trẻ con và nghịch ngợm nữa”, Lâm cho biết.

Qua những lần đó, Lâm cảm nhận được cậu chưa bao giờ nhận được sự sẻ chia, thông cảm nào chân thành và sâu sắc như thế. Sự tận tâm đó của cô Vui làm cho Lâm thấy cần phải thay đổi. Không chỉ là những lời động viên, cô luôn gần gũi chỉ bảo bài vở, cho Lâm thêm động lực để quyết tâm hơn.

Khi đã quyết tâm, cứ chiều khi đi học về, ăn cơm xong Lâm lại ngồi vào học. Mỗi lần mệt mỏi, thấy bài vở khó khăn Lâm lại nghĩ đến những lời cô Vui khuyên nhủ nên cố gắng không ngừng nghỉ.

“Em học đến ngày học đêm, đến mức gia đình cũng ngạc nhiên và bất ngờ. Từ năm lớp một đến năm lớp tám, chưa một lần nào em đạt học sinh tiên tiến, nhưng đến lớp chín, em đã là sinh giỏi. Vào thời điểm ôn thi dồn dập, cô Vui dành càng nhiều sự quan tâm cho em.

Cô cho ôn thi nhưng không đẩy áp lực lên học sinh, cô chỉ hướng cho học sinh đến cái gì tốt nhất. Cô cho học sinh thấy nếu mình cố gắng thì mình đạt được gì, không cố gắng thì mình sẽ ra sao để học sinh tự hiểu. Cô không ép chúng em phải học cái này, cái kia, cô chỉ cho động lực để chúng em tự thúc bản thân mình học”, Lâm kể.

Kết quả như mong đợi, Lâm đã đỗ vào trường THPT Phúc Lợi thừa tám điểm, riêng điểm môn Văn, cậu đạt 8,5 điểm. “Người đầu tiên mà em gọi điện báo tin là cô Vui chứ không phải là bố mẹ em. Em vừa nói chuyện với cô vừa khóc, nhờ có cô mà em được ngày hôm nay”.

Cho đến bây giờ, dù lớn rồi, nhiều lúc gặp khó khăn trong cuộc sống, Lâm vẫn luôn tìm đến cô Vui, để nghe cô khuyên bảo. Có những chuyện không thể nói với mẹ nhưng Lâm lại kể với cô, cô như một người mẹ, một người bạn. Lâm cảm động nói: “Nhiều hôm nghĩ về cô Vui, em nhớ lại những kỉ niệm cô trò, em nằm khóc, em chưa gặp được giáo viên nào tốt như thế”.

Học trò là động lực để phấn đấu

Cùng lớp của Lâm (năm học 2013 – 2014) còn có thêm hai em học sinh nữa cũng rất đặc biệt, cũng được cô Vui cảm hóa, bây giờ cũng đã trở thành con ngoan, trò giỏi.

Cách đây hai năm cũng có học sinh Lưu Hồng Quân, hiện đang học trường THPT FPT có hoàn cảnh đặc biệt. Quân sống tình cảm nhưng nhiều lần chứng kiến bố đánh mẹ, rồi em thấy mẹ em không phản kháng nên tâm lý tiêu cực.

Quân muốn chống đối lại bố, thậm chí nếu khỏe em còn muốn đánh lại bố để bảo vệ mẹ. Những u uẩn trong hoàn cảnh riêng khiến Quân rất lỳ, không nói chuyện với ai. Biết được điều đó, cô Vui phải nói chuyện tỉ tê, tâm sự rồi phân tích thiệt hơn cho Quân “Nếu con thương mẹ con phải học hành chăm chỉ”… Năm đó, Quân thi đạt 49 điểm, hiện đang học trường THPT FPT.

Cô Phùng Thị Vui còn khiến những học sinh học môn Văn học của cô có hoàn cảnh đặc biệt hiểu ra ý nghĩa của cuộc sống và không đi lệch hướng. Em Đào Ngọc Anh cá biệt, muốn bỏ học nhưng nhờ được cô giáo chủ nhiệm và cô Vui khuyên nhủ, dạy dỗ, em đã vượt qua được giai đoạn khó khăn trong cuộc đời, đang học rất giỏi tại trường THPT Nguyễn Gia Thiều.

Riêng về Lâm, cô Vui cho biết: “Khi Lâm vi phạm nội quy nhà trường trong giờ chào cờ, tôi đã mời bố cháu đến để giải quyết. Tuy nhiên lúc gặp phụ huynh, nhìn cách dạy con rất nghiêm khắc và cứng nhắc, tôi thấy rằng, nếu mình không sát sao hoặc không gần để cảm hóa con thì nó sẽ bị thiệt thòi và đi lệch hướng. Tôi nói chuyện, chia sẻ với con, con cũng cởi mở và con thay đổi từng ngày. Đó chính là động lực để tôi thấy yêu nghề hơn”.

Cô Vui cũng kể lại, năm cô chủ nhiệm cũng là năm đầu tiên dạy lớp chín, cô bị áp lực vì ở trường toàn cô giáo giàu kinh nghiệm, trong khi bản thân cô vẫn là giáo viên trẻ. Nhiều phụ huynh cũng lăn tăn, họ lo con học cuối cấp mà cô thì chưa có kinh nghiệm ôn thi…

“Vì vậy cứ 7h15 là tôi có mặt ở lớp để cùng các con truy bài, sau đó tôi quan tâm và dành nhiều thời gian hơn cho những em có hoàn cảnh đặc biệt. Nhìn cô nói, cách cô làm, học sinh hiểu ra và tự điều chỉnh hành vi của chúng”.

Từ việc quan tâm đến tình cảm, tâm tư của các em học sinh nên thầy cô giáo với các em không chỉ là “nỗi ám ảnh” về điểm số, bài vở nữa mà như người mẹ, người chị, người bạn lớn tuổi. Cô Vui kể, Lâm rất tình cảm, cứ buổi trưa ở lại hoặc buổi chiều là pha một cốc nước chanh rồi để một tờ giấy ở phía dưới đặt trên bàn giáo viên: “Con mời cô uống nước” hoặc “Cô uống nước cho đỡ mệt”…

Học sinh của cô Vui cho biết mỗi giờ Văn cô dạy các em còn học được rất nhiều bài học làm người. Khóa học đó, học sinh hiểu cô, các bạn đều bảo nhau cố gắng học vì bản thân mình, nhiều học sinh ở lớp này đã đỗ thủ khoa lớp 10” cô Vui xúc động cho hay.

Nhiều lứa học sinh trưởng thành từ sự dạy dỗ của cô Vui giờ vẫn gắn bó với cô như người thân yêu trong gia đình, đi xa đều mua quà về biếu cô. Dù chỉ là những món quà nhỏ nhưng khiến cô Vui rất cảm động. “Tôi cảm thấy mình phải nghĩ đến các em nhiều hơn, phải có trách nhiệm hơn. Các em chính là động lực để tôi phấn đấu”, cô Vui tâm sự.

(Còn nữa)

Theo TTTĐ