Những người “đưa đò” sáng tạo Bài 5: Gieo những hạt giống “vàng”

(CTG) Rất nhiều người mong đánh giá giáo dục “được mùa” không chỉ bằng thành tích cao trong học tập, trên trường quốc tế mà còn nâng tầm tri thức, nhân cách, văn hóa của con người. Những giáo viên trẻ bằng nhiều phương pháp đổi mới đã và đang gieo những hạt giống “vàng” trên cánh đồng “trồng người” ấy.

 
Tư vấn tuyển sinh trước kỳ thi THPT quốc gia 2019
 
Hài hòa “dạy chữ” và “dạy người”
 
Không phải ngẫu nhiên mà ở nhiều trường học có treo khẩu hiệu “Vì sự nghiệp 10 năm trồng cây, vì sự nghiệp trăm năm trồng người”. “Trồng người” chính là chiến lược lâu dài, quan trọng, có tính định hướng tương lai mà Đảng và Nhà nước ta lâu nay vẫn chú trọng.
 
Năm nay, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cũng nhấn mạnh: “Trước hết, phải khẳng định quan điểm giáo dục toàn diện có tính xuyên suốt từ truyền thống tới hiện đại trong nền giáo dục của Việt Nam. Thầy cô nào, trường lớp nào, ông bà, cha mẹ nào cũng đều mong muốn giáo dục học sinh, con em mình vừa giỏi, vừa ngoan, vừa "hồng", vừa "chuyên". Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận học sinh có biểu hiện lệch chuẩn về đạo đức, lối sống, gây ra một số vụ việc khiến xã hội lo ngại, bức xúc”.
 
Bộ trưởng đã phân tích nguyên nhân có nhiều, nhưng phải kể đến là môi trường học đường bị lây nhiễm bởi tệ nạn xã hội, một bộ phận giáo viên, cán bộ quản lý sa sút đạo đức nhà giáo, thiếu sát sao tư vấn tâm lý cho học sinh. Các thầy cô còn coi nặng về "dạy chữ" mà chưa quan tâm đúng mức đến "dạy người". Nội dung, phương pháp, hình thức dạy và học môn đạo đức còn nặng lý thuyết, thiếu tính nêu gương.
 
Thực tế đã chứng minh, không phải tất cả những người có trình độ cao thì tương đương với văn hóa cao. Ngược lại, không phải tất cả những người có trình độ thấp thì cư xử sẽ thiếu văn minh. Đó cũng chính là lí do tại sao, ở Hà Nội, nơi tập trung rất nhiều trí thức cũng vẫn có hiện tượng ứng xử lệch chuẩn mà thành phố đã ban hành hai Bộ quy tắc ứng xử dành cho công chức, viên chức, người lao động và nhân dân để khuyến khích mọi người phát huy nét đẹp tâm hồn, văn hóa, nhân cách của người Hà Nội.
 
Hài hòa giữa việc “dạy chữ” và “dạy người” sẽ đem đến cho chúng ta những thế hệ con người vừa có trình độ cao vừa có tâm hồn đẹp, nhân cách đẹp. Suy rộng ra, bất kì một quốc gia, dân tộc nào không thể phát triển mà chỉ dựa trên kinh tế, công nghiệp.
 
Quốc gia, dân tộc ấy sẽ luôn luôn tồn tại, hướng về phía trước trong mọi sóng lớp thời gian nếu như mang trong mình giá trị văn hóa.
 
Do vậy, để con người có nền tảng văn hóa bên cạnh nền tảng trí thức thì giáo dục của chúng ta cũng phải làm tốt công tác đào tạo cả về văn hóa, nhân cách. PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Dự án hỗ trợ đổi mới Giáo dục phổ thông - RGEP (Bộ GD&ĐT) Tính đến hết năm học vừa qua (2018-2019), Bộ GD&ĐT đã tích cực triển khai thực hiện nhiều công tác, đặc biệt là biên soạn CTGDPT (chương trình giáo dục phổ thông) mới theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh (gồm CT tổng thể và các CT môn học). CTGDPT đã được Bộ GD&ĐT ban hành tại Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT.
 
Ông Thành cũng cho biết đây là lần đầu tiên CTGDPT được xây dựng một cách đồng bộ các môn học, hoạt động giáo dục ở tất cả các cấp, lớp học; Nội dung giáo dục thiết thực, tăng cường hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục tích cực, chú trọng giáo dục đạo đức và giá trị sống, kỹ năng sống, bảo đảm mục tiêu hài hoà “dạy chữ” và “dạy người”.
 
Theo đó, CTGDPT mới mang tính mở, có thời lượng dành cho nội dung giáo dục địa phương, giao quyền chủ động cho các nhà trường xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện thực tiễn. Công tác bồi dưỡng cán bộ quản lí và giáo viên cũng được Bộ chú trọng.
 
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019 – 2020 vừa diễn ra đầu tháng tám, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết các ý kiến phát biểu thống nhất cao với dự thảo Báo cáo.
 
Theo đó, xác định năm học mới 2019 - 2020 toàn ngành tiếp tục thực hiện theo lộ trình 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản đã đề ra, quyết tâm khắc phục và tạo sự chuyển biến căn bản các vấn đề về GD&ĐT mà xã hội quan tâm, dư luận bức xúc, trong đó tập trung thực hiện tốt 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong đó có việc đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên.
 
Như vậy, đây chính là một trong những nhiệm vụ chiến lược mà ngành giáo dục Việt Nam hướng tới.
 
Luôn khuyến khích các phương pháp giáo dục nhân văn
 
Đó là chủ trương, đường lối mà Bộ cũng như Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đặt ra. Đây cũng là yếu tố then chốt trong công cuộc đổi mới giáo dục của nước nhà.
 
Vì có các phương pháp giáo dục tân tiến, đi sâu vào lòng người thì chính là người dạy đang gieo vào tâm hồn, tính cách của các thế hệ học trò những bài học làm người. Khi ấy, kiến thức là bạn đồng hành trong việc con người phát triển và hoàn thiện mình. Khi ấy, văn hóa chính là điều kiện cần và đủ để phát triển giáo dục.
 
Sự tận tâm với nghề, sáng tạo trong công tác giảng dạy của các thầy cô giáo đã nêu trong những bài trước là cả một quá trình nỗ lực không mệt mỏi và ngày càng tiến bộ.
 
Những sáng kiến này cũng đã được đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ghi nhận bằng nhiều hình thức. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng kiểm nghiệm, đánh giá và nêu gương bằng giải thưởng "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo" trong nhiều năm qua. Điều này chẳng những khiến giáo viên trẻ cảm thấy được trân trọng, mình đang đi đúng hướng và tiếp tục hăng say cống hiến.
 
Cùng với hoạt động này, Bộ và Sở cũng đã khuyến khích, tạo điều kiện để đội ngũ giáo viên liên tục trau dồi, học hỏi lẫn nhau. Những mô hình hay, việc làm tốt ấy sẽ được nhân rộng lên mãi để cốt lõi cuối cùng giáo viên vững nghề, tâm huyết, nỗ lực đào tạo nên những thế hệ người Việt giỏi kiến thức, tốt nhân cách, đẹp tâm hồn, khỏe thể chất. Có như thế người Việt Nam, nước Việt Nam mới là nước sáng tạo và đứng vững với vị thế của mình trên trường quốc tế.
 
Theo TTTĐ