Những thợ trẻ giỏi: Đau đáu đưa công nghệ vào sản xuất

(CTG) Lê Thạch Nam, Trưởng ban IT Công ty TNHH Gia công và Dịch vụ Thép Sài Gòn và Trần Hồ Minh Châu, chuyên viên lập trình và hỗ trợ nghiệp vụ (Trung tâm Kinh doanh VNPT - Quảng Bình) là những kỹ sư trẻ luôn đau đáu để tìm ra những sáng kiến cải tiến đưa công nghệ vào sản xuất, bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

 

“Cây sáng kiến” Minh Châu luôn hào hứng tham gia các hoạt động team building với công ty. Ảnh: NVCC

Lê Thạch Nam là kỹ sư công nghệ thông tin duy nhất ở Công ty TNHH Gia công và Dịch vụ Thép Sài Gòn. Nam được nhận về công ty làm việc thay thế vị trí của người tiền nhiệm đi làm việc ở nước ngoài. Ngày đầu về công ty, Nam đã rơi vào trạng thái căng thẳng, áp lực, khi người tiền nhiệm chỉ có một ngày bàn giao công việc. Trong khi đó ban lãnh đạo công ty thông báo 2 tuần nữa có đoàn chuyên gia Nhật Bản sang làm việc triển khai dự án phần mềm quản lý sản xuất. Nam được giao phụ trách dự án.

“Thực sự tôi hơi hoảng, vì lúc đó sự hiểu biết của tôi về công ty gần như chỉ là con số 0. Để chuẩn bị cho cuộc gặp làm việc với đoàn chuyên gia Nhật, tôi lao vào đọc tài liệu ngày đêm và không ngại ngần cầm giấy bút đi hỏi mọi người ghi chép lại những gì mình chưa rõ”, Nam nhớ lại.

Khi gặp đối tác Nhật, điều khiến Nam lúng túng là ngoại ngữ. Anh phải làm việc thông qua phiên dịch, vì thế nhiều lúc không hiểu hết ý tưởng đối tác truyền đạt và có lúc đã làm không đúng. Day dứt, xấu hổ, anh quyết định đi học thêm tiếng Anh ở trung tâm vào buổi tối và liên tục làm tăng ca vào cả thứ 7, Chủ nhật. Sau 2 tháng, Nam đã có thể giao tiếp cơ bản với đối tác. Và sau 3 tháng, dự án đi vào hoạt động thiết lập quy trình kiểm tra hàng khi ra khỏi công ty bằng thiết bị điện tử chuyên nghiệp thay thế cách làm truyền thống bằng giấy và excel trước đây.

Nói về thành công của mình, Nam chia sẻ, đặc thù công ty là chuyên về gia công, sản xuất và đã có lịch sử 20 năm hình thành, phát triển. “Quá trình 20 năm vận hành không thay đổi, có nhiều thứ đã trở nên cũ kỹ, không hợp thời. Vì vậy, khi vào đây tôi muốn làm nhiều thứ để hiện đại hóa, công nghệ hóa quá trình quản lý, sản xuất. Điều may mắn là ban giám đốc công ty lắng nghe, tạo điều kiện cho tôi thử nghiệm cái mới; chấp nhận thất bại và trao cho tôi cơ hội làm lại”, Nam nói và cho biết đó chính là động lực để anh sáng tạo và gắn bó với công ty.

“Mỗi năm, đối tác Nhật sang công ty kiểm tra một lần. Tôi luôn thẳng thắn “khai ra” với họ những điểm yếu, hạn chế trong công việc. Họ đưa cho tôi list (danh sách) định hướng, giải pháp thay đổi, khắc phục. Nhờ đó, tôi học được cách làm chuyên nghiệp, tiến bộ lên rất nhiều. Những đòi hỏi, áp lực trong công việc thực sự là động lực để mình nỗ lực phấn đấu hoàn thiện bản thân”, Nam chia sẻ thêm.

Tiết kiệm hàng tỷ đồng cho đơn vị

Chàng kỹ sư trẻ Trần Hồ Minh Châu (SN 1989) được xem là “cây sáng kiến” của Trung tâm Kinh doanh VNPT Quảng Bình. Hơn 3 năm công tác, anh đã có hơn 10 sáng kiến tập trung vào việc ứng dụng công nghệ thay thế cách làm truyền thống nhằm tăng năng suất, hiệu quả công việc, giảm chi phí sản xuất.

Minh Châu từng có 4 năm làm cho một công ty Mỹ, có trụ sở tại Đà Nẵng với mức lương hấp dẫn và môi trường làm việc lý tưởng. Nhưng với lời mời công việc từ VNPT Quảng Bình, chàng trai trẻ quyết định chuyển việc “theo tiếng gọi quê hương”. Tại đây, anh đã thực hiện hàng loạt dự án, sáng kiến, góp phần giúp VNPT Quảng Bình làm việc chuyên nghiệp, hiện đại và làm hài lòng khách hàng.

Với sáng kiến “Triển khai hệ thống thu hộ tự động toàn quốc cước dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin” của Minh Châu, VNPT Quảng Bình là đơn vị viễn thông đầu tiên trên cả nước thực hiện phương thức thu cước điện thoại hàng tháng thông qua dịch vụ ngân hàng.

Trước thực tế nhiều đơn vị viễn thông sử dụng nhân viên đi thu cước điện thoại từng khách hàng. Cách làm này vừa mất thời gian, mất thêm chi phí nhân công, khiến quá trình thu cước bị chậm trễ, bất cập. Minh Châu đề xuất với ban giám đốc phối hợp với các ngân hàng triển khai hệ thống thu cước điện thoại tự động bằng cách trừ tiền vào tài khoản khách hàng. Khi đưa ra sáng kiến này, bên cạnh sự ủng hộ, anh cũng bị nhiều ý kiến chỉ trích, phản đối. Trong đó có đội ngũ nhân viên thu cước trước nguy cơ thất nghiệp. Để giải quyết vấn đề này, Châu đề xuất chuyển tất cả nhân viên thu cước sang nhân viên sale, phát triển thị trường.

Để triển khai sáng kiến thành công, thuyết phục đối tác ngân hàng cũng là một quá trình thử thách. “Lúc đầu, ngân hàng họ tỏ ra e ngại về tính bảo mật dòng tiền nhưng chúng tôi đã thuyết phục được họ bằng hệ thống bảo mật tuyệt đối an toàn, tin tưởng”, Châu kể. Hiện đã có 6 ngân hàng bắt tay thực hiện. Sự thành công của sáng kiến đã giúp giảm nhân lực về quản lý, giảm thời gian so với hình thức thu cước cũ và đảm bảo dòng tiền được đưa về nhanh chóng qua ngân hàng, ví điện tử. Sau 3 năm tiết kiệm được khoảng 1 tỷ đồng cho dịch vụ thu cước. Đặc biệt, hiện sáng kiến của kỹ sư trẻ Minh Châu đã được nhân rộng ra 20 tỉnh, thành khác nhau.


Minh Châu còn có sáng kiến đáng chú ý là: “Xây dựng website cung cấp chi tiết cước dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin thay thế bản in giấy”. Hiện, VNPT Quảng Bình có gần 100 ngàn khách hàng. Với cách làm truyền thống in ấn phiếu chi tiết gói cước dịch vụ viễn thông gửi khách hàng, mỗi tháng phải mất khoảng 80 triệu đồng. Với việc xây dựng website, bỏ hình thức in ấn, sáng kiến này góp phần tiết kiệm mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

“Khi vào đây tôi muốn làm nhiều thứ để hiện đại hóa, công nghệ hóa quá trình quản lý, sản xuất. Điều may mắn là ban giám đốc công ty lắng nghe, tạo điều kiện cho tôi thử nghiệm cái mới; chấp nhận thất bại và trao cho tôi cơ hội làm lại”. Kỹ sư Lê Thạch Nam

“Bên cạnh việc làm lợi, tiết kiệm cho đơn vị, mục tiêu cao nhất trong những sáng kiến của tôi là để phục vụ khách hàng, làm khách hàng hài lòng là trên hết”.  Kỹ sư Trần Hồ Minh Châu

Theo TPO