Nỗi đau mang tên “bóng cười” Bài 3: Sống tích cực để tránh xa tệ nạn

(CTG) Bóng cười là chất kích thích, dễ gây nghiện nhưng vẫn được một bộ phận giới trẻ lén lút sử dụng. Khí nitrous oxide (N2O) được bơm vào bóng khiến người hít vào có cảm giác phấn khích, tạo ra những cơn buồn cười ảo. Cũng từ đây, nhiều hậu quả đau lòng đã xảy ra.

Trước những tác hại do việc nhiều bạn trẻ sử dụng khí N2O như một chất kích thích, Bộ Y tế nhất trí với đề nghị của UBND Hà Nội về việc không được sử dụng khí N2O với mục đích vui chơi giải trí vì khí này làm thay đổi trạng thái tâm thần kinh. Dù lệnh cấm đã được ban hành nhưng bằng nhiều con đường, bóng cười vẫn được cung cấp cho giới trẻ với số lượng không giới hạn.

Võ Nguyễn Đan Phương, sinh viên năm thứ hai, lớp Công tác xã hội K38, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Hiểu pháp luật để rèn luyện bản thân

Nguyễn Đan Phương

Những năm gần đầy, tệ nạn xã hội ngày càng có diễn biến phức tạp và có xu hướng bùng phát mạnh trong giới trẻ. Những tệ nạn xã hội như cờ bạc, lô đề, game online, cá độ bóng đá,…đã len lỏi vào đời sống của một bộ phận không nhỏ thanh, thiếu niên. Bản thân tôi cũng là một người trẻ , tôi phản đối trước những hành động đó của nhiều bạn.

Không chỉ là cờ bạc, lô đề, thời gian gần đây, trào lưu "bóng cười", shisha cũng là loại chất kích thích được giới trẻ sử dụng rất nhiều tại các quán cà phê, karaoke. Người hút shisha có nguy cơ hít độc chất, các kim loại nặng và chất gây ung thư gấp 100 lần so với hút thuốc lá thông thường. Điều đáng nói, đã có những thanh niên phải trả giá bằng mạng sống và sức khoẻ vì sử dụng chất kích thích và chất gây nghiện. Tuy nhiên, vẫn có kẽ hở, những khoảng trống để "bóng cười", shisha len lỏi vào đời sống giới trẻ.

Là một thanh niên, tôi cho rằng, bản thân mỗi người cần phải hiểu về luật pháp để ý thức được hành vi của mình trong xã hội. Sự hiểu biết này nhằm ngăn chặn kịp thời những hành động gây nguy hiểm cho, từ đó có ý thức tôn trọng quyền con người nói chung và các quyền dân sự nói riêng, nỗ lực đấu tranh chống lại những cạm bẫy bằng việc rèn luyện lối sống lành mạnh, tích cực cho bản thân.

Nguyễn Minh Quân, sinh viên năm thứ nhất, Khoa Quản trị kinh doanh, Học viện Nông nghiệp: Cơ quan chức năng cần kiểm tra nghiêm ngặt hơn nữa.

Thú thực là từ lâu mình cũng từng sử dụng bóng cười. Bóng cười tạo cho mình cảm giác, phấn khích, vui vẻ nhất thời.

Nhưng cảm giác đó không phải là mãi mãi. Về lâu về dài nó sẽ rất hại cho sức khoẻ bởi nếu dùng nhiều sẽ khiến đầu óc căng thẳng. Nhận thức được điều này, mình quyết định “đoạn tuyệt” với nó.

Hiện tại, bóng cười đã được liệt vào các chất cấm và không được sử dụng tại các điểm vui chơi giải trí. Trước những tác hại của bóng cười gây ra cùng nhiều trường hợp đã tử vong hoặc phải nhập viện cấp cứu, mình ủng hộ lệnh cấm của cơ quan chức năng. Tuy nhiên nhiều bạn thỉnh thoảng vẫn rủ mình đi bar để hít bóng. Có vẻ như cơ quan chức năng chỉ cấm nhưng chưa quản. Vấn đề này, em nghĩ, các cơ quan chức năng cần sát sao hơn nữa vào việc kiểm tra tại các khu vực vui chơi giải trí, nhất là nơi tụ tập của giới trẻ.

Vũ Thị Hiền, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Tập trung vào học tập và làm nhiều việc có ích

Mình đi bar và nhìn thấy rất nhiều bạn sử dụng bóng cưới. Sau đó mình đọc báo được biết, khí bơm vào bóng là chất giống như ma tuý, ảnh hưởng không tốt đến hệ thần kinh và lối sống của giới trẻ bây giờ.

Không ít bạn cho rằng, sử dụng bóng cười làm giảm stress mà không lường hết được tác hại của nó. Mình nghĩ rằng, thay vì tụ tập ở các quán bar và các quán café, karaoke, các bạn nên tập trung hơn cho việc học tập, tham gia hoạt động ngoại khóa, Đoàn, Hội để không sa đà vào tệ nạn xã hội.

Dù mình chưa hít bóng cười nhưng chắc chắn sẽ không bao giờ thử, vì đã là chất kích thích thần kinh, khi mình sử dụng sẽ khiến những hành vi của bản thân không được chuẩn và tạo thói quen tiếp cận tệ nạn xã hội.

Theo TTTĐ