Nối lại 'đứt gãy' cho áo dài nam

(CTG) Để phá bỏ định kiến đã chế ngự tư duy và cách nhìn y phục áo dài nam từ gần một thế kỷ, có lẽ nên nhìn áo dài đàn ông trên phương diện thời trang và việc nối lại sự 'đứt gãy' là cần thiết.

Áo dài nam xuất hiện trong chương trình Áo Dài - Di sản văn hóa Việt Nam do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch tổ chức tháng 6-2020 tại Hà Nội - Ảnh: HÙNG PHONG

Những ngày qua, có nhiều ý kiến trái chiều quanh việc ngành văn hóa Thừa Thiên Huế thử nghiệm nam công chức mặc áo dài 5 tà (ngũ thân) vào thứ hai đầu mỗi tháng.

Chợt trong tôi đặt ra một câu hỏi: Đàn ông tại sao lại không mặc áo dài? Dĩ nhiên đây là một câu hỏi không dễ trả lời xác đáng. Và rồi trong lòng lại muốn nói: mặc được thì nên mặc, chứ không chỉ thử, sao lại không?

Áo dài nữ bao đời nay đã có những cách tân, phát triển, nay đang rực rỡ như thế nào có lẽ không cần bàn. Áo dài nam cũng đã có từ rất lâu, cho đến lúc Âu phục "chiếm cứ" thời thuộc Pháp. Người Tây và người theo Tây khi ấy muốn cải tiến trang phục để chứng tỏ tinh thần cách tân mạnh mẽ, không nệ truyền thống.

Đó là lý do thời trang nam nước ta bị "đứt gãy" một thời gian dài.

Nhưng nó đâu có xa lạ với người Việt, nó là của người Việt, là thời trang của đàn ông Việt. Những lễ lạt, cưới hỏi, cúng bái xóm đình... người ta vẫn mặc đều. Có ai thấy chối mắt vì xấu xí, ngược đời, kỳ cục gì đâu; thay vào đó là sự trân trọng.

Hình ảnh vua Hàm Nghi suốt đời gắn liền với tà áo dài Việt năm xưa, nhìn lại thấy thật phong cách và tự tin, hoặc những mẫu áo dài nam trên các sàn thời trang thời nay hay hình ảnh của nhiều người, ở nhiều lĩnh vực, trong đó có giới trẻ lúc kết hôn, cho thấy áo dài nam vẫn là trang phục thời trang rất Việt và rất đẹp.

Có vài sự không tiện dụng mà nhiều người nhắc đến như sự tốn kém, nóng nực, vướng víu, không phù hợp môi trường làm việc... Có ý kiến còn liên tưởng đến hình ảnh ông lý trưởng cường quyền với "dân đen" một thời quá vãng...

Những ý kiến ấy dù đúng hay không, theo tôi, đều có cách giải quyết. Xét tính tiện lợi, tôi nghĩ y phục Tây và áo dài nam nào khác gì nhau trên phương diện thực dụng. Bộ veston có khi còn đắt tiền hơn và cũng không thoải mái hay thoáng mát hơn; bộ áo dài nam cũng đâu có luộm thuộm hay quá nóng, áo dài còn bảo vệ trọn cả thân người.

Để phá bỏ định kiến đã chế ngự tư duy và cách nhìn y phục áo dài nam từ gần một thế kỷ, có lẽ nên nhìn áo dài đàn ông trên phương diện thời trang.

Trên phương diện này ta có thể khách quan hơn khi nhìn nhận thời trang có thể thay đổi, sự thay đổi này không chỉ một chiều, mà có thể quay về, trở lại cho phù hợp với phong cách của người mặc, phù hợp với ý thức bản sắc văn hóa của mình.

Với cách nhìn đó, tôi thấy thời trang ấy thích hợp với người Việt Nam, hay chí ít đối với con người và cảnh sắc xứ Huế.

Tất nhiên để áo dài nam đi vào cuộc sống, cụ thể là trong giới công sở Huế, chúng ta cần vận dụng tư duy và nghệ thuật cũng như kỹ thuật để triển khai, cải tiến cách tân sao cho phù hợp với hoàn cảnh và môi trường làm việc thời nay.

Vấn đề chính ở đây là có điều chỉnh được sự mặc định hình ảnh người đàn ông gắn liền Âu phục từ thời Tây thuộc đến bây giờ hay không. Ở một góc nhìn khác, tôi còn nghĩ có khi cứ bám vào Âu phục như hiện nay mới là cổ hủ. Chính ý tưởng áo dài nam trở lại là có tính "cách mạng".

Tôi nghĩ đến Nhật Bản, Ấn Độ... đều có trang phục truyền thống. Còn Việt Nam thì đang theo Tây trên phương diện Âu phục, ý thức về thời trang đang thiếu nét truyền thống. Ở góc độ truyền thống và bản sắc, việc trở lại giá trị của người Việt âu cũng không có gì quá đáng, nếu không nói là hợp lý.

Nối lại sự "đứt gãy" là việc cần thiết. Văn hóa không chết; văn hóa tuôn chảy không ngừng và thường biến hóa, khi trội, khi lặn. Có những giá trị trong dòng chảy của truyền thống có khi bị chê là cổ hủ, là lạc hậu, có khi được phong là thời thượng, là văn minh.

Theo TTO