Nuôi lợn rừng, Bí thư đoàn xã ở Hà Tĩnh thu 200 triệu đồng/năm

(CTG) Gắn bó với chăn nuôi hơn 10 năm cùng biết bao thăng trầm, tới nay, đàn lợn rừng của anh Nguyễn Văn Đức (SN 1988), Bí thư Đoàn xã Cẩm Phúc (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã ổn định đầu ra, cho thu nhập cao.

Đàn lợn rừng của Bí thư Đoàn xã Cẩm Phúc Nguyễn Văn Đức cho thu nhập 200 triệu đồng/năm

Năm 2009, anh Nguyễn Văn Đức nhập về giống lợn rừng với 4 con heo nái và 1 con heo đực, bắt đầu triển khai mô hình chăn nuôi.

Mọi việc tưởng chừng như khá thuận lợi khi đàn heo của anh phát triển rất tốt, sinh sôi nhanh. Tuy nhiên, thời điểm đó, đầu ra sản phẩm còn rất hạn chế, chi phí duy trì đàn lợn lại cao, vì vậy anh không thể tiếp tục duy trì mô hình.

Năm 2013, anh Đức đành “bán rẻ” đàn lợn rừng, chỉ còn nuôi khoảng 20 con để cầm chừng.

Dù bắt đầu nuôi lợn rừng từ cách đây khá lâu, từ năm 2009, nhưng đầu ra không ổn định khiến anh phải chuyển hướng đầu tư sang lợn thương phẩm, tuy nhiên kết quả vẫn không được như mong muốn

Vẫn quyết tâm với nghiệp chăn nuôi, Nguyễn Văn Đức mạnh dạn vay mượn, đầu tư gần 1 tỷ đồng nuôi lợn thương phẩm. Tuy nhiên, duy trì được tới năm 2016 thì dịch bệnh, giá cả, một lần nữa khiến anh gần như trắng tay.

Thất bại nối tiếp thất bại, nhưng với tâm huyết của tuổi trẻ, đồng thời trên cương vị là Bí thư Đoàn xã kiêm Bí thư Chi bộ vùng giáo (thôn 7), anh Nguyễn Văn Đức không cho phép mình nản chí, phải biết đứng lên sau thất bại để làm gương cho mọi người.

Không nản chí, anh Nguyễn Văn Đức tìm tòi kiến thức, học hỏi kinh nghiệm,

nghiên cứu đầu ra, quay trở lại phát triển đàn lợn rừng

 

“Đây là một khoảng thời gian khó khăn, nhưng cũng là lúc để tôi ngẫm lại. Lợn rừng là một giống lợn có giá thành cao, sức đề kháng cao, đứng vững trước các loại dịch bệnh, tại sao mình lại chỉ nuôi cầm chừng, bán lợn rừng để duy trì lợn thương phẩm” – anh Đức hồi nhớ.

 

Ngay sau đó, anh đã tham gia nhiều lớp tập huấn, tìm hiểu các kiến thức, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình kinh tế khác, nghiên cứu đầu ra sản phẩm, quay trở lại phát triển đàn lợn rừng.

 

Cũng thời điểm đó, xã Cẩm Phúc đang “nước rút” về đích nông thôn mới nên Tổ chức Đoàn được giao phụ trách xóa bỏ vườn tạp, chỉnh trang vườn hộ.

 

“Trên địa bàn có rất nhiều vườn tạp bỏ hoang khiến tôi luôn trăn trở và cũng từ đấy nảy sinh ý định tận dụng các vườn tạp để mở rộng quy mô chăn nuôi và trồng các loại thức ăn cho đàn lợn. Như vậy vừa “xóa bỏ vườn tạp” xây dựng Nông thôn mới, vừa phát triển kinh tế cho bản thân”.

 

Anh Đức liên hệ với chủ các vườn tạp, cải tạo vườn để trồng các loại rau màu...

... và các loại ngô, sắn, cỏ cho đàn lợn, tạo nguồn thức ăn tự nhiên

Khi có được sự đồng ý của lãnh đạo địa phương cũng như các chủ vườn, anh bắt tay vào triển khai ý tưởng. Tới nay, đã tận dụng được 6 vườn tạp để trồng sắn, ngô, các loại cỏ cho lợn và các loại rau màu khác…, mở rộng quy mô chuồng trại với 6 điểm nuôi. Cao điểm, mô hình chăn nuôi của anh đạt gần 120 con lợn rừng.

Việc làm của anh giúp xóa bỏ vườn tạp, kết hợp phát triển kinh tế gia đình

Tự túc được nguồn thức ăn cho đàn lợn, đảm bảo sạch, tự nhiên, nói không với các loại cám tăng trọng, thực phẩm bẩn… nên đàn lợn của anh luôn chắc thịt, thơm, dai và có chất lượng cao.

Chất lượng làm nên thương hiệu, tới nay, đàn lợn của anh “nuôi không kịp bán”, cho thu nhập 200 triệu đồng/năm.

Nguồn thức ăn đảm bảo nên đàn lợn của anh luôn cho chất lượng thịt cao

Nói về hướng phát triển trong tương lai, anh Đức dự định tăng quy mô đàn, chuồng trại, kết hợp với các mô hình kinh tế khác để phát triển thương hiệu, đưa sản phẩm của mình ra thị trường ngoại tỉnh.

Anh cũng muốn nhân rộng mô hình nuôi lợn rừng, tận dụng vườn tạp, giúp các ĐVTN, phụ nữ trong xã phát triển kinh tế, từng bước vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.

 

Theo BHT