Phát triển kỹ năng đọc tài liệu tiếng Anh chuyên ngành cho sinh viên trường Quân sự

(CTG) Tiếng Anh đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống hàng ngày từ việc giao tiếp đến những cơ hội trong học tập, làm việc, mở rộng các mối quan hệ… Việc nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học viên, sinh viên là việc làm hết sức cần thiết để thế hệ trẻ Việt Nam hội nhập nhanh chóng với thế giới.

 

Tiếng Anh chuyên ngành từ lâu đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của phần lớn sinh viên các trường đại học bởi tầm quan trọng và ý nghĩa thiết thực của nó. Tuy nhiên, bất kể nỗ lực cố gắng của cả thầy và trò, kỹ năng đọc của hầu hết sinh viên chưa đáp ứng được yêu cầu của môn học. Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quá trình dạy và học môn đọc hiểu tiếng Anh chuyên ngành như: tài liệu, phương pháp giảng dạy, phương pháp học tập, ý thức của sinh viên, v.v… Thạc sỹ Trương Thúy Hằng - Thiếu Tá - Trưởng Bộ Môn Ngoại Ngữ Tiếng Việt và Thạc sỹ Phạm Thị Thanh Thúy - Đại úy – Giảng viên bộ Môn Ngoại Ngữ Tiếng Việt - Khoa Khoa học cơ bản - Trường sĩ quan kỹ thuật quân sự đã nghiên cứu và chỉ ra một số khó khăn trong việc đọc hiểu tài liệu tiếng Anh chuyên ngành từ góc độ giảng viên, người học, để từ đó đưa ra một vài gợi ý giúp giảng viên, sinh viên nâng cao và sử dụng kỹ năng đọc hiểu của mình hiệu quả hơn.

Ngày nay, tự định hướng học tập được xem là một phương pháp tích cực giúp học viên chủ động tham gia quá trình học tập để đạt được kĩ năng tư duy có hệ thống. Bên cạnh đó, phương pháp này khuyến khích người học chủ động đi xa hơn các thông tin đã có dựa trên suy nghĩ và hiểu biết có sẵn của mình, người học tự chủ động giao tiếp và nắm bắt thông tin thông qua các bài đọc; bước kế tiếp là xây dựng hội thoại hỏi đáp, các cuộc thảo luận để vận dụng kiến thức bên ngoài thực tế. Vì vậy có thể nói rằng, sử dụng phương pháp tự định hướng học tập đã đóng một vai trò hết sức quan trọng trong quá trình phát triển các kỹ năng ngôn ngữ; đặc biệt là trong quá trình tiếp nhận kiến thức chuyên ngành trước khi sản sinh ngôn ngữ…

Theo Anderson (2013), các tài liệu tiếng Anh chuyên ngành phục vụ cho kỹ năng đọc cần có cấu trúc ngữ pháp đơn giản dễ hiểu và người học không nhất thiết phải có một vốn từ rộng để đọc và hiểu chúng. Tuy nhiên, việc tìm kiếm các tài liệu tiếng Anh chuyên ngành dạng này không dễ một chút nào. Vì vậy, nhà trường đã đầu tư kinh phí và công sức rất nhiều vào nghiên cứu tìm tòi phát triển các nguồn tài liệu thích hợp, đáp ứng yêu cầu giảng dạy tiếng Anh chuyên ngành kỹ thuật quân sự. Trong bài báo này cũng đề cập tới vai trò của việc pháp triển và thay đổi nội dung của các tài liệu nhằm đạt được hiệu quả cao nhất trong giảng dạy tiếng. Dựa trên công trình nghiên cứu của Anna Ching Shyang Chang và Sonia Millett (2013), chúng tôi đã xây dựng chương trình tiếng Anh chuyên ngành hướng tới chú trọng phát triển kỹ năng đọc trôi chảy với việc đọc có yêu cầu về thời gian nhất định và đọc lặp lại để tạo sự thuần thục. Kỹ thuật đọc này có thể cùng lúc phát triển các kỹ năng ngôn ngữ còn lại. Nó thường chiếm khoảng từ 15 – 20 phút thời gian trên lớp. Mục đích chính là hướng tới cải thiện khả năng đọc trôi chảy, lưu loát, tốc độ đọc nhanh giúp học viên tự tin vào năng lực ngôn ngữ, hình thành sự tự ý thức trong học tập.

Một số yêu cầu đối với giáo viên khi thực hiện kỹ thuật đọc tài liệu ESP:

1. Một bài đọc với yêu cầu thời gian rõ ràng.
2. Bảng tổng hợp đánh giá về điểm số và mức độ hiểu thông qua các bài đọc
3. Đồng hồ đo và báo thời gian; máy thu âm
4. Từ điển

Quá trình chuẩn bị

1. Quyết định tài liệu ESP mà học viên phải đọc.

- Lựa chọn một bài đọc trong chương trình có yêu cầu thời gian rõ ràng, hoặc tìm kiếm bài đọc bên ngoài nhằm mở rộng kiến thức phù hợp nội dung chương trình. Người dạy phải đọc và nghiên cứu trước khi lên lớp để xác định mức độ phù hợp đối với trình độ của học viên. Bài đọc nên sử dụng lượng từ và các cấu trúc ngữ pháp học viên có thể nắm bắt được. Không quá đánh đố người học. Cần thiết có sự phân loại trình độ học viên ở mức tương đối chính xác. Người học có năng lực kém sẽ dần dần phát triển và hoàn thiện năng lực ngôn ngữ của mình. Theo Millet (2017), người dạy nên lựa chọn một bài đọc không quá dài, có lượng từ phù hợp từ khoảng 300 đến 400 từ. Bài đọc phải được thiết kế bao gồm các câu hỏi với việc phân bổ thời gian hợp lý. Thông thường một bài đọc sẽ có khoảng từ 4 đến 10 câu hỏi tùy theo yêu cầu về độ khó của các câu hỏi cần kiến thức dàn trải hay kiến thức tổng hợp. Các loại câu hỏi thường ở dạng có nhiều sự lựa chọn (multiple choice) hay loại câu hỏi tập trung vào ý chính của bài khóa.

2. In và phát cho học viên bảng tổng hợp đánh giá về điểm số và mức độ hiểu thông qua các bài đọc. (Lưu ý: bảng mẫu ở hình 1 chỉ có 5 hàng, trên thực tế có thể tạo thêm nhiều hàng dựa trên số lần yêu cầu học viên thực hành đọc).

Tiến trình thực hiện

Giáo viên hướng dẫn lần đầu khoảng 2 lần. Sau đó, yêu cầu học viên thực hành giải quyết vấn đề của họ để tìm câu trả lời cho các dạng câu hỏi.

1. Phát cho học viên bài đọc và bảng tổng hợp đánh giá.

2. Yêu cầu người học ghi lại tựa đề của bài đọc và ngày tháng trên bảng tổng hợp đánh giá.

3. Người học thường được yêu cầu tự đề ra các nguyện vọng và mục tiêu môn học cụ thể ngay từ đầu giờ học. Vào đầu học kỳ, khi tiếp cận với chương trình tiếng Anh chuyên ngành, học viên nhìn chung là ít nhận thức được khả năng đọc tài liệu ESP của mình đang ở mức nào về lượng từ họ có thể đọc được trong một phút hoặc việc đương đầu với những trở ngại trong quá thực hiện mục tiêu phát triển kỹ năng đọc. Vì vậy, người dạy nên khuyến khích học viên hoàn thành các bài đọc có độ dài 200 từ trong một phút ở các bài đọc đầu tiên (Anderson, 2013). Ở trong các bài đọc tiếp theo, độ khó và lượng từ cũng như các thuật ngữ chuyên ngành cần tăng lên để hoàn thiện mục tiêu phát triển kỹ năng.

4. Yêu cầu học viên đọc thầm các nội dung và lưu ý về thời gian. Khi người học hoàn thành xong bài đọc, họ sẽ tự biết và tự so sánh về tốc độ đọc qua các bài khóa. Yêu cầu học viên không nên cố gắng để tìm hiểu nghĩa của các từ vựng bằng việc tra từ điển.

5. Học viên tiến hành đọc thầm và đọc càng nhanh càng tốt. Để cá nhân học viên có thể chủ động có thể cho họ sử dụng đồng hồ để bấm giờ (stopwatch).

6. Sau khi trả lời xong hệ thống câu hỏi của bài đọc hiểu. Giáo viên sẽ yêu cầu người học đọc 1 đoạn có nội dung liên quan đến bài đọc và tiến hành thu âm lại tốc độ đọc trong 1 phút. Nếu đoạn liên quan đến bài đọc quá dài, cần cân đối lại thời gian thực hiện việc đọc có thu âm theo tỷ lệ: (tổng số lượng từ của đoạn cần đọc/ thời gian trên giây) x 60.

7. Người học sau khi hoàn thành việc ghi âm sẽ tiến hành bôi đậm hoặc đánh dấu lại các thuật ngữ mà mình không hiểu trong quá trình đọc. Tra nghĩa của từ trong từ điển và ghi chú lại. Điều này đảm bảo lần đọc tiếp theo sẽ ít trở ngại hơn về từ vựng chưa biết. Như đã đề cập ở trên, lượng từ không biết ở mỗi học viên là hoàn toàn khác nhau do trình độ tiếp nhận kiến thức ngôn ngữ khác nhau.

8. Sinh viên dựa vào mức độ hiểu của mình về nội dung bài khóa. Học viên có thể tự đặt câu hỏi cho các học viên khác trả lời để cùng nhau kiểm tra lại nội dung kiến thức.

9. Người học tự kiểm tra câu trả lời hoặc người dạy hướng dẫn phương án trả lời. Người học ghi lại điểm số về mức độ hiểu của họ. Ví dụ: nếu người học trả lời đúng 8 trong 10 câu chính xác, họ có thể viết 80 % trên bảng đánh giá.

Bảng đánh giá.

Kết thúc việc hoàn thành 1 bài khóa, người học có thể tự định hướng cho mình phương pháp học có hiệu quả nhất và luôn thúc đẩy họ trong quá trình học tập trong tương lai. Bởi không ai hoặc không có gì có thể là tác nhân tác động 1 cách tích cực trong việc học tập nghiên cứu bằng chính người học tự ý thức và hoàn thiện nó 1 cách xuất sắc nhất. Chỉ có người học mới tự xác định mục tiêu rõ ràng và ghi nhận quá trình tiếp nhận ngôn ngữ của mình 1 cách chính xác, họ mới đề ra các biện pháp khắc phục trở ngại để phấn đấu đạt được mục tiêu trong học tập.

Từ kết quả thực tế thu được thông qua các kỳ thi, hiện nay học viên của trường Sĩ Quan Kỹ Thuật Quân Sự đã từng bước thay đổi cách học ngoại ngữ, hoàn thiện các kỹ năng cần thiết đáp ứng nhiệm vụ yêu cầu trong nghiên cứu, học tập thuộc lĩnh vực kỹ thuật quân sự ở hiện tại và hướng tới trong tương lai. Qua điều này giúp ta thấy được vai trò của người giáo viên là hết sức quan trọng, Chính vì vậy, mỗi giáo viên cần cố gắng hết sức trong giảng dạy và nghiên cứu nhằm quyết định đến sự tự định hướng học tập và phát triển năng lực ngôn của học viên tại trường Sĩ Quan Kỹ Thuật Quân Sự.

Tài liệu tham khảo

Anderson, N. J. (2013). Practical English language: : Reading. In McGraw-Hill. New York.
Chang, A, and Millett, S. (2013). Improving reading rates and comprehension through timed repeated reading. Reading in a Foreign Language , 25 (2).
Millett, S. (2008). A daily fluency programme. Modern English teacher .
Millett, S. (2017). Speed readings for ESL learners 500 BNC. (English Language Institute Occasional Publication No.28). In Victoria, New Zealand: School of Linguistics. Victoria University.
Nation, P. (2009). Reading faster. International Journal of Reading faster. International Journal of English Studies 9 (2) , 131-144.

Abstract:

On the basis of thoroughly grasping and actively implementing Directive No.89/CT-BQP of the Minister of Defense on "On a number of urgent tasks to improve the quality of foreign language teaching and learning in the military school system." To strengthen the direction of the issue, Military Technical Officer has been making many changes in the methods for innovation and quality improvement in order to satisfy the standard of output. This article focuses on the self-orientation towards learning process of the cadets as well as improving reading skill of English for Specific Purposes materials at Military Technical Officer.
Keywords: Orientating to learning process, language competence, understanding level.

Thạc sỹ Trương Thúy Hằng , Thạc sỹ Phạm Thị Thanh Thúy
Trường Sĩ quan Kỹ Thuật Quân Sự