Quy định mới về vị trí việc làm và biên chế công chức

(CTG) Nghị định 62/2020/NĐ-CP (có hiệu lực từ 20-7-2020) về vị trí việc làm và biên chế công chức có những nôi dung đáng chú ý.

1. Căn cứ xác định vị trí việc làm

Vị trí việc làm được xác định căn cứ vào:

- Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức;

- Mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm, quy mô hoạt động; phạm vi, đối tượng phục vụ; quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

(Quy định cũ tại Nghị định 36/2013/NĐ-CP còn dựa vào mức độ hiện đại hóa công sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc và ứng dụng công nghệ thông tin; Vị trí địa lý; tính chất, quy mô, cơ cấu dân số; tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa; chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; tình hình an ninh - trật tự; Thực trạng bố trí, sử dụng đội ngũ công chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị).

2. Phân loại vị trí việc làm

Vị trí việc làm được phân loại theo 02 cách:

- Theo khối lượng công việc (Vị trí việc làm do một người đảm nhiệm; nhiều người đảm nhiệm hoặc kiêm nhiệm).

- Theo tính chất, nội dung công việc (Lãnh đạo, quản lý; Nghiệp vụ chuyên ngành; Nghiệp vụ chuyên môn dùng chung; hỗ trợ, phục vụ) – Đây là nội dung mới so với Nghị định 36.

3. Điều chỉnh vị trí việc làm

Việc điều chỉnh vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức được thực hiện trong các trường hợp sau:

- Cơ quan, tổ chức có sự thay đổi một trong các căn cứ xác định vị trí việc làm.

- Cơ quan, tổ chức được tổ chức lại theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

(Quy định cũ tại Nghị định 36/2013 còn thực hiện điều chỉnh vị trí việc làm khi cơ quan, tổ chức, đơn vị được tổ chức lại hoặc giải thể theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; Thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện; tình hình phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, áp dụng khoa học kỹ thuật, đô thị hóa, an ninh trật tự).

4. Căn cứ xác định biên chế công chức

Biên chế công chức được xác định dựa vào:

- Vị trí việc làm và khối lượng công việc của từng vị trí việc làm;

- Mức độ hiện đại hóa về trang thiết bị, phương tiện làm việc và ứng dụng công nghệ thông tin;

- Thực tế việc sử dụng biên chế công chức được giao;

- Đối với cơ quan, tổ chức ở địa phương, ngoài các căn cứ quy định tại điểm a, b, c khoản 2 Điều này còn phải căn cứ vào quy mô dân số, diện tích tự nhiên, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và đặc điểm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

(Quy định cũ tại Nghị định 21/2010/NĐ-CP còn dựa vào quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của luật chuyên ngành để xác định biên chế công chức; tuy nhiên nhìn chung không có nhiều thay đổi lớn).

5. Điều chỉnh biên chế công chức

Việc điều chỉnh biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức được xem xét trong các trường hợp:

- Cơ quan, tổ chức có sự thay đổi một trong các căn cứ xác định biên chế công chức (Nghị định 21/2010 không quy định trường hợp này)

- Thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

- Thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện.

Ngoài những nội dung đã nêu trên thì Nghị định 62/2020/NĐ-CP cũng quy định mới về thời gian giửi kế hoạch biên chế công chức hằng năm.

Cụ thể, chậm nhất là ngày 15 tháng 6 hằng năm, các bộ, ngành, địa phương phải gửi hồ sơ kế hoạch biên chế công chức về Bộ Nội vụ để thẩm định.

(Điều 9 Nghị định 21/2010/NĐ-CP của Chính phủ thì mốc thời gian quy định là chậm nhất ngày 20/7 của năm trước liền kề).

Theo NLĐ