Số hóa truyền máu hạn chế sự cố

(CTG) Làm sao hạn chế được sự cố truyền nhầm nhóm máu, vừa an toàn cho người bệnh, vừa nhanh chóng cung cấp máu cứu người...? Một nhóm bác sĩ đã sáng tạo ra chương trình hạn chế sự cố truyền máu bằng quy trình số hóa.

Từ những trăn trở, nhóm tác giả đến từ Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ, mà tiên phong là bác sĩ Nguyễn Thị Minh Thy - trưởng khoa huyết học - đã miệt mài nghiên cứu thành công đưa công nghệ 4.0 vào thực hành an toàn truyền máu (gọi là phần mềm GCLP-BLOOD).

Rút ngắn quy trình cấp phát máu

Với quy trình số hóa an toàn truyền máu này, tất cả các túi máu nhập kho đều được nhân viên quét mã vạch, chỉ cần 30 phút đã hoàn tất nhập kho cả trăm túi máu, công việc này trước đây phải mất 120 phút để nhân viên ghi chép bằng tay.

Giờ đây chỉ sau vài thao tác, mẫu máu và hồ sơ xin lĩnh máu đã được thực hiện giao nhận theo tiêu chuẩn chấp nhận hoặc từ chối, hai tem mã vạch có 14 ký tự mã số túi máu đã nhanh chóng được dán trên ống xét nghiệm của túi máu và hồ sơ xin lĩnh máu...

Nhân viên khoa huyết học đang thao tác nhập hóa chất chuẩn bị xét nghiệm máu trên phần mềm

Nhân viên khoa huyết học chỉ cần nhấn lệnh để lấy thông tin người bệnh từ mạng thông tin bệnh viện về phần mềm, sau đó kết quả xét nghiệm máu của người bệnh được đổ tự động về phần mềm và nhân viên nhấn lệnh in phiếu truyền, phiếu lĩnh máu. Chỉ chưa đầy 30 phút, túi máu và hồ sơ truyền máu đã được phát cho điều dưỡng lâm sàng, đưa đi cấp cứu người bệnh.

BS Nguyễn Thị Minh Thy cho biết: "Chúng tôi tâm huyết và trăn trở với việc số hóa an toàn truyền máu từ rất lâu, làm sao tránh được sự cố truyền nhầm nhóm máu cho người bệnh, làm sao đưa máu an toàn kịp thời cho bệnh nhân... Vì máu là dược liệu quý mà không có loại thuốc nào thay thế được, chậm trễ truyền máu sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ. Từ nhiều lần thử nghiệm không thành, giờ chúng tôi mới ra đời phần mềm GCLP-BLOOD đang áp dụng như hiện nay".

Kiên nhẫn mày mò

Số hóa quy trình truyền máu nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh đã được BS Thy trăn trở, manh nha thử nghiệm nhiều lần nhưng không thành công do chưa lồng được quy trình vào phần mềm bệnh viện. Đến năm 2017, chị mạnh dạn đề xuất lại ý tưởng và đã được sự ủng hộ từ ban giám đốc Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ, huy động sự tham gia của các bộ phận quyết tâm làm.

Ròng rã một năm, vừa làm rồi chỉnh sửa, phần mềm mới hoàn thiện và được ứng dụng vào bệnh viện từ tháng 8-2018. Sau một năm áp dụng, hội đồng khoa học bệnh viện đã có cuộc họp đánh giá, phản biện, thống nhất tính ứng dụng thực tiễn, đảm bảo an toàn nhanh chóng trong công tác truyền máu bệnh viện.

Theo BS Nguyễn Thị Minh Thy, phần mềm hoàn toàn đáp ứng yêu cầu của Bộ Y tế về hướng dẫn hoạt động truyền máu, có thực hiện kết nối hai chiều, xuất dữ liệu về mạng thông tin bệnh viện theo chuẩn của Bộ Y tế. Đồng thời, tương thích cho tất cả các máy xét nghiệm đang có mặt trên thị trường. Người dùng là kỹ thuật viên xét nghiệm sẽ tác động lên các phức hợp kết nối để in ra hồ sơ truyền máu điện tử (tương tự hồ sơ ghi chép bằng tay của nhân viên).

Kỹ thuật viên Tiêu Vũ Bảo Trân - người trực tiếp sử dụng phần mềm - cảm nhận: "Phần mềm này chuyên nghiệp, dễ thao tác và quan trọng là an toàn. Đồng thời cũng giảm được áp lực khi phải ghi chép hồ sơ bằng tay trước đây, phải viết với tốc độ nhanh mới kịp khối lượng nhập xuất máu trong ngày.

Từ đó giảm được áp lực công việc hằng ngày, máu đến tay người bệnh nhanh và an toàn hơn. Giảm thiểu sai số khi truyền nhầm nhóm máu, vì chỉ cần một sai lầm nhỏ cũng có thể dẫn đến nguy hiểm tính mạng của người bệnh. Do tốc độ xử lý công việc nhanh nên giảm thời gian người bệnh phải chờ máu hướng đến sự hài lòng của người bệnh".

* Ông Phạm Thanh Phong

(Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ):

Kể từ khi có ý tưởng về việc lập phần mềm về an toàn truyền máu tại bệnh viện, ban giám đốc ủng hộ và chỉ đạo các khoa phòng liên quan tích cực tham gia. Rồi đến lúc phần mềm viết xong, đưa vào thực nhiệm tại bệnh viện, cũng liên tục được góp ý chỉnh sửa để hoàn thiện.

Vì vậy sau hơn một năm đưa vào ứng dụng, hội đồng khoa học bệnh viện đã thống nhất đánh giá, ngoài việc giúp tăng công suất phát máu, rút ngắn thời gian chờ đợi của người bệnh, điểm nổi bật của phần mềm là tính cảnh báo an toàn tốt.

Tự động kiểm tra, đối chiếu để loại bỏ những sai sót do người làm gây ra trong quá trình trước, sau xét nghiệm; quy trình cảnh báo túi máu nhập, xuất kho hết hạn dùng cũng được làm rất tốt; đặc biệt hơn còn giúp truy xuất nguồn gốc máu nhanh chóng và chính xác khi cần đối chiếu...

Như vậy sau khi đưa vào áp dụng, về phía bệnh viện chúng tôi có thể nói rằng phần mềm an toàn truyền máu đã giúp tiết kiệm nhân lực, rút ngắn thời gian có lợi cho người bệnh và cả bệnh viện, đồng thời ngăn ngừa các sự cố y khoa khi truyền nhầm nhóm máu.

Giám sát nguy cơ nhầm lẫn nhóm máu

Điểm nổi bật nhất của phần mềm GCLP-BLOOD chính là tính năng giám sát nguy cơ trong truyền máu tại bệnh viện, thông qua các cảnh báo. Cụ thể, nếu do điều dưỡng thu thập mẫu bệnh phẩm sai đưa đến việc cấp phát túi máu sai nhóm máu của bệnh nhân đã được công bố trên hệ thống mạng thông tin bệnh viện, thì phần mềm sẽ không thực hiện lệnh duyệt cấp phát máu mà ra yêu cầu kiểm tra lại.

Tiếp theo phần cảnh báo, phần mềm sẽ không cho nhập túi máu hết hạn dùng vào kho, đồng thời cảnh báo không cho xuất túi máu hết hạn dùng cho người bệnh. Phần mềm GCLP-BLOOD cảnh báo màu sắc và sắp xếp thứ tự ưu tiên các túi máu theo nguyên tắc FEFO (First Expired First Out - sắp hết hạn thì xuất kho trước).

Theo đó các đơn vị máu có hạn dùng dưới 24 giờ (chữ đỏ trên nền xanh), 72 giờ (chữ vàng trên nền xám) và 14 ngày (chữ xanh trên nền vàng). Khi số hóa hoàn toàn quy trình, việc truy xuất các bằng chứng khi có sự cố y khoa về truyền máu sẽ được làm rất nhanh chóng, giúp phân tích giám sát hoạt động truyền máu tại bất cứ thời điểm nào một cách cập nhật, chính xác nhất và hỗ trợ người quản lý có những quyết định cải tiến hiệu quả.

 

Theo TTO