Sống khác cùng COVID-19

Tối hôm trước, lần đầu tiên tôi được xem một buổi hòa nhạc trực tuyến của một nghệ sĩ người Anh mà tôi hâm mộ nhằm hưởng ứng chiến dịch "Cùng nhau ở nhà" do Chương trình di cư toàn cầu và Tổ chức Y tế thế giới khởi xướng.

 

Sống khác cùng COVID-19 - Ảnh 1.

Hàng quán vắng vẻ, thời gian dành cho gia đình cũng tăng lên - Ảnh: BÔNG MAI

Đối với tôi, đó là một trong nhiều điều thú vị và hoàn toàn khác biệt mà tôi "may mắn" được trải nghiệm khi sống ở thời COVID-19.

Tôi cũng ấn tượng với suy nghĩ của chuyên gia dự đoán xu hướng thế giới Li Edelkoort, khi bà khẳng định COVID-19 chính là một cuộc khủng hoảng ngừng trệ. Và trong thảm họa này, việc không có thuốc chữa tức thời sẽ khiến con người phải nhặt lên những phần sót lại và tái tạo mọi thứ từ đầu.

Cũng bởi thế, theo bà, chúng ta sẽ phải chấp nhận việc sống với ít nhu cầu hơn, ít hàng mới hơn, phải bỏ bớt đi các thói quen như thể chúng ta đang cai nghiện vậy. Chúng ta sẽ phải học cách hài lòng với một cái váy giản đơn, tìm lại những sở thích cũ, đọc một cuốn sách ta đã lãng quên hoặc nấu những bữa ăn để làm cuộc đời đẹp hơn...

Thật vậy! Mới đây thôi, khi lướt Facebook, tôi rất ngạc nhiên vì thấy rất lâu rồi cô bạn bận rộn và ưa quảng giao của tôi chịu ngồi ở nhà và hào hứng nấu những món ăn cho những đứa con của mình. Cô ấy chia sẻ rất mừng khi phát hiện bản thân có tài nấu nướng và việc nấu ăn đã mang lại cho chính cô ấy và các con niềm hạnh phúc mà thời gian trước đây chưa từng cảm nhận được.

Tôi cũng thấy có anh bạn bày tỏ sự bực tức và phát điên với dịch bệnh khi gần đây anh thường xuyên phải thay người vợ đảm đang của mình ở nhà lo mọi chuyện từ nấu ăn, chăm sóc và dạy con học, phải từ chối mọi cuộc hẹn, giao lưu bạn hữu bên ngoài.

Cuộc sống đảo lộn vì dịch bệnh là điều không ai muốn. Tuy nhiên, điều tốt lành nhất mà anh bạn tôi cũng như nhiều người ở hoàn cảnh đó đều có thể nhận ra là việc chăm sóc con cái hay dạy học không hề là những chuyện nhỏ hay giản đơn như họ từng đã nghĩ. Có thể nói, dịch bệnh đã giúp họ biết trân trọng công việc của những người mẹ, người vợ và cả những người thầy, người cô vẫn làm thường ngày mà không một lời ta thán.

Bất đắc dĩ, COVID khiến chúng ta đóng vai người khác và hóa thân "rất ngọt" vào những nhiệm vụ và hoàn cảnh mà trước đây chúng ta ít nghĩ đến. Những ngày làm việc ở nhà, tôi cũng thường nói đùa với các con là "bố mẹ thất nghiệp rồi con à, vài ngày nữa chúng ta còn không có thịt để ăn và sữa để uống nữa".

Thực tế gia đình tôi đã có những hôm hết gạo ăn mà chưa kịp đi chợ, và cả nhà cùng nhau ngồi thưởng thức vài gói mì tôm vẫn cảm thấy thèm thuồng. Dịch bệnh đang ngày càng nghiêm trọng và nguy cơ đó là hoàn toàn có thật. Bởi vậy, chúng tôi tự thấy phải thích ứng và tập dượt với hoàn cảnh, tự cắt giảm chi tiêu và cách xa những điều kiện thường nhật để sống cùng với nó.

Nếu ai đó chưa từng sống thời chiến tranh thì có thể lại cảm thấy mình có chút "cơ may" khi sống và trải nghiệm ở thời COVID này. Tôi thực sự thấy nó cũng giống như một cuộc chiến tranh hủy diệt toàn cầu mà chúng ta từng xem ở bất kỳ bộ phim khoa học viễn tưởng nào của Mỹ. Ở cuộc chiến COVID-19 có chết chóc, hoảng sợ, có anh hùng và những kẻ tiểu nhân, có những cuộc sơ tán, cách ly và cả những câu chuyện lâm ly, cảm động...

Thế nhưng ở góc nhìn này, tôi không muốn nhắc đến những mất mát, những mệt mỏi, hoang mang và cả những hi sinh đang hiện hữu ấy. Tôi chỉ nhắc nhở bản thân rằng dịch bệnh đã xảy ra và thay vì hoảng loạn thì chúng ta buộc phải đối diện, tìm cách thích nghi - một bản năng sinh tồn tích cực của con người.

Bởi vậy, dưới góc nhìn tích cực của tôi thì COVID đã mang lại những điều khác biệt hơn cuộc sống trước đây. Đó là những bữa ăn gia đình vốn ngày càng thiếu trong cuộc sống hiện đại, là sự sẻ chia ấm áp của tình người, là thời gian dành cho người thân và đặc biệt ai cũng đã nhận ra "nhà là nơi an toàn nhất để trở về"...

Giữa bộn bè những lo toan cùng thời dịch bệnh, tôi lại thấy tự hào vì được trải nghiệm, vượt qua và có thể trở thành nhân chứng trong những câu chuyện tương lai mở đầu bằng "thời ấy...".

Nguồn: TTO

T.LN3