Sự thay đổi mạnh mẽ của giới trẻ đối với đinh hướng nghề nghiệp

(CTG) Có thể nói, những năm qua, nền giáo dục ĐH Việt Nam đang có những bước chuyển biến và minh chứng rõ nhất cho điều này đó là sự thay đổi tỷ lệ từ 70% vào ĐH, 30% học nghề thành tỷ lệ ngược lại 70% học nghề và 30% vào ĐH, để tiếp cận xu hướng chung của khu vực cũng như thế giới.

Qua tổng hợp số liệu cho thấy, qua các kỳ thi THPT quốc gia 3 năm trở lại đây, tâm lý của phụ huynh, thí sinh đã có sự thay đổi khi dịch chuyển từ chọn thi ĐH sang học nghề. Rất nhiều học sinh không còn giữ suy nghĩ phải vào ĐH bằng mọi giá như những năm trước, mà bản thân các em và gia đình đã có định hướng rõ ràng đi học nghề ngay từ đầu.

Tư vấn hướng nghiệp cho các em học sinh trường THPT Thịnh Long, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.

Nếu năm học 2017, có 190.000 học sinh không đăng ký tham gia xét tuyển ĐH, thì đến năm học 2018 là 237.320 em, tăng 5,2 % so với năm 2017. Từ những số liệu này có thể thấy hai năm trở lại đây, ngày càng nhiều học sinh, sinh viên định hình rõ việc lựa chọn ngành nghề theo học gắn với việc làm dựa trên lực học và điều kiện hoàn cảnh gia đình.

Hệ thống giáo dục ở VN được phân ra 2 khối: khối đào tạo hàn lâm và khối đào tạo nghề. Đào tạo hướng hàn lâm là học sinh sẽ học tại các cấp độ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, còn đào tạo nghề chỉ từ cấp độ chứng chỉ nghề đến trung cấp, CĐ nghề.

Hai khối đào tạo này có sự khác biệt rõ rệt: đào tạo nghề chú trọng thực hành, giảng viên phải có kinh nghiệm làm việc, tay nghề cao và thời gian đào tạo ngắn từ 6 tháng – 2 năm. Trong khi đó, khối đào tạo hàn lâm thì chú trọng về nghiên cứu, lý thuyết, giảng viên phải có học vị, kiến thức rộng, thời gian đào tạo dài từ 4 năm trở lên. Thực trạng một bộ phận khá lớn sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm và có hơn 60% tân cử nhân các trường ĐH ở nước ta chấp nhận những công việc trái ngành, trong khi nhu cầu về lao động có tay nghề lại thiếu.

Làm một phép tính đơn giản cho thấy, đào tạo nghề chú trọng thực hành, giảng viên phải có kinh nghiệm làm việc, tay nghề cao và thời gian đào tạo ngắn từ 6 tháng đến 2 năm. Vì thế, phần lớn thí sinh ra trường đều có việc làm ngay.

Hiện nay bạn trẻ có được rất nhiều thông tin về định hướng nghề nghiệp.

Tỷ lệ thất nghiệp là yếu tố ảnh hưởng đến sự lựa chọn của nhiều thí sinh, con số 30% thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp, không có nguyện vọng xét tuyển vào ĐH. Xu hướng học sinh không lựa chọn ĐH mà chuyển hướng sang học nghề thể hiện ngay trong số lượng thí sinh đăng ký thi THPT chỉ để lấy kết quả tốt nghiệp gia tăng.

Ngoài ra còn khá nhiều thí sinh có đăng ký để lấy kết quả ĐH nhưng cũng chỉ dùng kết quả đó để học nghề. Bởi học nghề thời gian ngắn, ít tốn kém, ra trường dễ tìm việc làm. Xu hướng học nghề đang ngày một gia tăng là tín hiệu tích cực, một kết quả tốt trong phân luồng sau THPT ở nước ta hiện nay.

Năm 2019, có hơn 279.000 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT (chiếm khoảng 27,8%). “Tỉ lệ này cho thấy chính sách phân luồng đang có những tác động tích cực, xu hướng chọn nghề ngày càng định hình rõ nét trong lớp trẻ, gắn liền thực tế học để có việc làm”, ông Vũ Xuân Hùng (Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) nhận định.

Vừa qua, Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 – 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, theo Quyết định số 522/QĐ-TTg, ký ngày 14-5-2018, sẽ là bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội.

Hoàng Long