Tân sinh viên đừng “ngủ quên” trong chiến thắng

(CTG) Năm thứ nhất đại học là một khởi đầu mới nhưng cũng nhiều bối rối, hoài nghi của tân sinh viên. Làm sao để năm đầu tiên và cả một quá trình học tập của các em diễn ra hữu ích?

Tân sinh viên làm thủ tục nhập học tại trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội)

Nếu không học hành tử tế ngay từ đầu, khi tốt nghiệp ra trường bạn sẽ thất nghiệp. Đó là lời khuyên của các thầy cô giáo cũng như các anh chị đi trước dành cho tân sinh viên.

Những kế hoạch…

Khi biết tin mình đỗ đại học không ít tân sinh viên đã "ngủ quên" trong chiến thắng với ảo tưởng rằng mình giỏi giang, mình vất vả cả một thời gian dài ôn thi nên phải nghỉ ngơi để “xả hơi”, thi đại học mình còn làm được chứ nói gì đến học đại học…

Nguyễn Trung Dũng khăn áo từ Thái Nguyên về Thủ đô học được nửa tháng nay. Trượt nguyện vọng 1 vào trường ĐH Kinh tế quốc dân với số điểm sít sao, Dũng đành vào Đại học Quốc gia Hà Nội. Luôn nghĩ điểm số của mình khá cao, nên Dũng cho rằng, hơn 1 năm trời thức khuya, dậy sớm “dùi mài kinh sử” nên giờ Dũng có quyền nghỉ ngơi, thư thả vài tháng rồi tiếp tục học cũng chưa muộn.

Trần Trung Kiên ở Nam Định mới lên Hà Nội để nhập học được chưa đầy nửa tháng mà tối nào cũng thấy bạn bè kéo đến kín phòng trọ để đàn ca, sáo nhị, bài bạc tới quá nửa đêm. “Ở nhà có bố mẹ nên không bao giờ được đi chơi quá 22 giờ nhưng ở đây một mình, bố mẹ không quản lý nên tôi thấy tự do, giao lưu bạn bè đến 1,2 giờ đêm vẫn thoải mái. Tôi nghĩ vui là được, miễn là mình không sa đà vào con đường nghiện hút”, Kiên vui vẻ cho hay.

Khác với Dũng và Kiên, nhiều, tân sinh viên lại học bài và ôn bài rất chăm chỉ. Ngoài thời gian học, Có những bạn còn vẽ ra một kế hoạch cho bản thân và lịch học tập, vui chơi rất khoa học. Không ít bạn còn đi tìm hiểu và đăng ký thêm khóa học tiếng Anh để bổ trợ cho công việc sau khi ra trường…

Hãy chăm chỉ ngay từ buổi học đầu tiên

Có thể nói, nghỉ xả hơi sau một thời gian miệt mài ôn thi là tâm lý của nhiều tân sinh viên hiện nay. Điều này rất nguy hiểm, cũng vì sự lần lữa mà dẫn đến việc lười học, chểnh mảng, sau đó lần lượt thi lại 1 môn rồi đến 7-8 môn mà không thể gượng dậy được. Cứ thế, các bạn ra trường với 1 cái đầu trống rỗng, các nhà tuyển dụng sẽ không lựa chọn một con người bảng điểm kém kèm theo số 0 về tri thức.

Bạn Phạm Văn Thành, cựu sinh viên trường đại học Kinh doanh và Công nghệ cho biết, vào đại học nhiều cái khác lạ so với hồi học THPT, lên đại học, thời gian học ít nhưng kiến thức thì nhiều, việc học trên giảng đường không chỉ đơn thuần là thầy đọc, trò chép. Để không bị lỡ mất kiến thức hay không bị lỡ nhịp học thì việc học tập của tân sinh viên cũng phải có phương pháp.Vì vậy, thay vì nghỉ xả hơi sau khi đỗ đại học, các bạn cần phải lên kế hoạch học tập ngay từ buổi học đầu tiên. Nếu học hành nghiêm túc và chăm chỉ, các bạn sẽ được hưởng thành quả xứng đáng khi ra trường và ngược lại.

Thầy Nguyễn Ngọc Lân, giảng viên trường Đại học Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm, học đại học không chỉ là kiến thức trên giảng đường mà còn là kiến thức trong những cuốn sách có liên quan đến môn học, là những kỹ năng mềm như nói trước đám đông, làm việc nhóm… Ngoài ra, các bạn sinh viên cũng có thể học từ bạn bè, anh chị đi trước những kiến thức mình cho là hay.

Điều mà sinh viên học được nhiều nhất là tham gia nhiều hoạt động và học các kỹ năng mềm từ những hoạt động của nhà trường, của đoàn hội. Câu lạc bộ sinh viên hay nhóm hoạt động nào đó của trường là nơi bạn có nhiều cơ hội để thể hiện cũng như trau dồi bản thân mình. Vì vậy, các bạn tân sinh viên hãy nhiệt tình tham gia các hoạt động tình nguyện như: Mùa hè xanh… các bạn có thể đi nhiều nơi để khám phá ra bản thân mình, từ đó có động lực phấn đấu, có kế hoạch phát triển rõ ràng hơn cho bản thân…

Bên cạnh đó, các bạn cần tham gia nhiều cuộc thi học thuật của trường hay các tổ chức bên ngoài đều mang lại nhiều lợi ích cho bản thân. Bạn sẽ tự học được nhiều hơn, tự tin hơn.

(Còn nữa....)

Theo TTTĐ